Michio Kaku: Vật lí học của tương lai - Thế giới năm 2100 (Phần 6)

Hiệp Khách Quậy Tại sao những dự báo này đã không được hiện thực hóa? Tôi phỏng đoán rằng phần lớn người ta từ chối những tiến bộ này là vì cái tôi gọi là Nguyên lí Người tiền sử. Bằng chứng gen và hóa thạch cho biết người hiện đại, những... Xin mời đọc tiếp.

Nguyên lí Người tiền sử

Tại sao những dự báo này đã không được hiện thực hóa? Tôi phỏng đoán rằng phần lớn người ta từ chối những tiến bộ này là vì cái tôi gọi là Nguyên lí Người tiền sử. Bằng chứng gen và hóa thạch cho biết người hiện đại, những người trông giống hệt như chúng ta, có gốc gác ở châu Phi hồi hơn 100 000 năm về trước, nhưng chúng ta không thấy bằng chứng nào cho thấy não và tính cách của chúng ta đã thay đổi gì nhiều kể từ đó. Nếu bạn gặp một người thuộc thời kì đó, về phương diện giải phẫu anh ta sẽ giống hệt như chúng ta: nếu bạn cho anh ta tắm rửa và cạo râu sạch sẽ, cho anh ta mặc áo ba mảnh, rồi để anh ta giữa Phố Wall, sẽ không thể nào phân biệt anh ta với những người khác được. Vì thế, những mong muốn, ước mơ, tính cách, và khát vọng của chúng ta có lẽ đã không thay đổi gì nhiều trong 100 000 năm qua. Có lẽ chúng ta vẫn suy nghĩ giống như các tổ tiên tiền sử của mình.

Vấn đề là: hễ khi nào có một sự mâu thuẫn giữa công nghệ hiện đại và những khát vọng của tổ tiên tiền sử của chúng ta, thì những khát vọng tiền sử này luôn giành phần thắng. Đó là Nguyên lí Người tiền sử. Ví dụ, người tiền sử luôn đòi hỏi “bằng chứng phạm tội”. Có được miếng thịt tươi sống trong tay luôn được tin tưởng hơn là nghe câu chuyện người đi săn bắt được thú lớn. Tương tự, chúng ta muốn có những bản in thật sự mỗi khi xử lí với các tập tin. Chúng ta dứt khoát không tin vào các electron trôi nổi trên màn hình máy tính của chúng ta, nên chúng ta thường in ra thư điện tử và bản báo cáo, ngay cả khi không cần thiết. Đó là nguyên do mà văn phòng không giấy chưa bao giờ xuất hiện.

Tương tự, tổ tiên của chúng ta luôn thích những cuộc chạm trán mặt-đối-mặt. Điều này giúp chúng ta kết nối với những người khác và đọc ra những xúc cảm ẩn chứa của họ. Đây là nguyên do thành phố không người chưa bao giờ hiện diện. Ví dụ, một ông chủ có thể muốn thận trọng tuyển nhân viên có ngoại hình. Thật khó làm công việc này trực tuyến, nhưng nếu gặp mặt-đối-mặt thì ông chủ có thể đọc ra ngôn ngữ cơ thể để có được thông tin tiềm thức có giá trị. Khi nhìn một người ở gần bên, chúng ta cảm thấy một kết nối chung và có thể đọc ra ngôn ngữ cơ thể tinh vi ở họ để biết những suy nghĩ gì đang diễn ra trong đầu của họ. Đây là vì giống như tổ tiên người vượn của chúng ta, nhiều nghìn năm trước họ đã phát triển tiếng nói, sử dụng ngôn ngữ cơ thể gần như riêng biệt để truyền đạt các suy nghĩ và cảm xúc của họ.

Có nguyên do vì sao du lịch tại chỗ chưa bao giờ cất cánh. Nhìn một bức ảnh của Taj Mahal thì không giống như đang đứng trước nó mà nhìn. Tương tự, nghe một đĩa hát của một ca sĩ yêu thích của bạn thì không có cảm giác hồi hộp bất ngờ như khi thật sự nhìn thấy người ca sĩ đang diễn trên sân khấu, vây quanh giữa những tiếng ồn, tiếng hò reo phấn khích. Điều này có nghĩa là mặc dù chúng ta sẽ có thể tải xuống những hình ảnh đích thực của vở kịch hay nhân vật yêu thích của chúng ta, nhưng nó không giống như đang thật sự xem vở kịch đó trên sân khấu và các diễn viên đang nhập vai. Người hâm mộ vẫn cất công đi những chặng đường xa để chụp ảnh và mua vé xem biểu diễn của nghệ sĩ yêu thích của họ, mặc dù họ có thể tải miễn phí hình ảnh đó từ Internet.

Điều này lí giải vì sao dự báo Internet sẽ quét sạch ti vi và radio chưa bao giờ xảy ra. Khi phim ảnh và radio lần đầu tiên xuất hiện, người ta đã dự báo cái chết của rạp hát. Khi truyền hình xuất hiện, người ta dự báo sự ra đi của phim ảnh và radio. Ngày nay, chúng ta đang sống trong sự hòa quyện của những phương tiện này. Bài học là một môi trường không bao giờ hủy mất môi trường trước đó, mà đồng thời tồn tại cùng với nó. Chính sự hòa quyện và mối liên hệ giữa những phương tiện này không ngừng thay đổi. Người nào có thể dự báo chính xác sự hòa quyện của những phương tiện này trong tương lai thì người đó có thể trở nên rất giàu có.

Nguyên nhân là vì tổ tiên tiền sử của chúng ta luôn muốn tai nghe mắt thấy chứ không tin vào lời đồn đại. Để sống sót trong rừng rậm, ta cần dựa vào bằng chứng vật chất thật sự chứ không phải các tin đồn. Cho dù một thế kỉ nữa, chúng ta vẫn sẽ có rạp hát và tiếp tục săn đuổi thần tượng, một di sản cổ của quá khứ xa xôi của chúng ta.

Ngoài ra, chúng ta tự nhận có gốc gác từ những loài dã thú bị săn đuổi. Vì thế, chúng ta thích nhìn người khác và thậm chí ngồi hàng giờ đồng hồ trước màn hình ti vi, xem không mệt mỏi diễn xuất của những người bạn đồng loại của mình, nhưng chúng ta lập tức thấy căng thẳng khi chúng ta cảm thấy có ai đó đang nhìn vào mình. Thật vậy, các nhà khoa học đã tính được chúng ta sẽ cảm thấy căng thẳng nếu bị một người lạ mặt nhìn chằm chằm trong khoảng bốn giây. Sau chừng 10 giây, chúng ta thậm chí nổi điên và có thái độ thù địch với kẻ đang nhìn mình. Đây là lí do vì sao điện thoại hình buổi đầu lại thất bại thê thảm như vậy. Đồng thời, ai mà muốn phải chải đầu trước khi đăng nhập trực tuyến chứ? (Ngày nay, sau hàng thập kỉ cải tiến chậm chạp, chật vật, hội nghị video cuối cùng đã bắt kịp.)

Và ngày nay, người ta có thể tham gia những khóa học trực tuyến. Nhưng các trường đại học vẫn đông nghẹt sinh viên. Sự gặp gỡ từng người với giáo sư hướng dẫn, người có thể mang lại sự chú ý cá nhân và trả lời những câu hỏi cá nhân, vẫn được ưa chuộng hơn những khóa học trực tuyến. Và mảnh bằng tốt nghiệp đại học vẫn có sức nặng hơn so với chứng chỉ học trực tuyến khi đi xin việc.

Vì thế, có một sự cạnh tranh không ngừng giữa công nghệ cao và giao tiếp cao, tức là giữa ngồi trên ghế xem ti vi và di chuyển tới lui, chạm tới những thứ xung quanh chúng ta. Trong sự cạnh tranh này, chúng ta muốn có cả hai. Đó là lí do chúng ta vẫn có nhà hát, những buổi biểu diễn nhạc rock, giấy in và công ti du lịch trong thời đại không gian điều khiển và thực tại ảo. Nhưng nếu chúng ta được yêu cầu cầu chọn nhận một bức ảnh miễn phí của người nghệ sĩ thần tượng của mình hoặc những tấm vé thật sự để đến xem buổi diễn của anh ta, thì chúng ta sẽ chọn những tấm vé, thế đấy.

Và đó là Nguyên lí Người tiền sử: chúng ta thích có cả hai, nhưng nếu phải chọn một, chúng ta sẽ chọn giao tiếp cao, giống như những tổ tiên tiền sử của mình.

Nhưng nguyên lí này còn có một hệ quả nữa. Khi các nhà khoa học lần đầu tiên sáng tạo ra Internet hồi thập niên 1960, đông đảo người ta tin rằng nó sẽ phát triển thành một diễn đàn giáo dục, khoa học, và sự tiến bộ. Thay vậy, nhiều người đã kinh hãi khi thấy nó sớm thoái hóa thành một thứ miền Tây hoang dã không gì ngăn cản nổi như ngày nay. Thật ra, đây là cái được trông đợi. Hệ quả đối với Nguyên lí Người tiền sử là nếu bạn muốn dự báo những tương tác xã hội của con người trong tương lai, thì đơn giản hãy tưởng tượng đến những tương tác xã hội của chúng ta hồi 100 000 năm trước và nhân lên một tỉ lần. Điều này có nghĩa là sẽ có một khoản thưởng đặt vào mạng lưới xã hội, chuyện tầm phào, và sự giải trí. Tin đồn về cơ bản thuộc một nhóm người nhanh chóng lan truyền thành thông tin chung, nhất là tin nói về những người lãnh đạo và những mô hình thống lĩnh. Những người nằm ngoài vòng xoáy đó thường không sống sót để di truyền gen của họ. Ngày nay, chúng ta có thể thấy hệ quả này tại quầy tính tiền ở siêu thị, trên những dòng tít giật gân ở những tờ báo lá cải, và ở sự phát triển của một thứ văn hóa xây dựng bởi danh tiếng. Sự khác biệt duy nhất ngày nay là ở quy mô của những chuyện tầm phào kiểu bộ lạc này bởi sự nhân lên gấp bội của những phương tiện truyền thông và ngày nay tin tức có thể lan nhiều vòng quanh trái đất chỉ trong một phần nhỏ của một giây.

Sự sinh sôi bất ngờ của những website mạng xã hội, cái biến những nhà doanh nghiệp trẻ, mặt mũi còn non choẹt, thành tỉ phú chỉ trong một đêm, đã vướng phải nhiều điểm kém an toàn, nhưng nó cũng là một ví dụ của nguyên lí này. Trong lịch sử tiến hóa của chúng ta, những ai duy trì được những mạng lưới xã hội rộng lớn thì có thể dựa trên tài nguyên, sự tư vấn và hỗ trợ của chúng để tiếp tục tồn tại.

Và cuối cùng, sự giải trí sẽ tiếp tục phát triển theo hướng bùng nổ. Đôi khi chúng ta không muốn thừa nhận, nhưng một phần nổi cộm trong nền văn hóa của chúng ta được xây dựng trên sự giải trí. Sau khi đi săn, tổ tiên của chúng ta tự cho mình nghỉ ngơi và vui chơi. Điều này không chỉ quan trọng cho sự gắn kết mà còn xác lập địa vị của một người trong bộ lạc. Không có gì bất ngờ là sự nhảy múa và ca hát, những thành phần thiết yếu của sự giải trí, cũng cần thiết trong thế giới động vật để chứng minh sự sung sức đối với con vật khác giới. Khi con chim trống cất lên những giai điệu phức tạp, tuyệt vời, hoặc thực hiện những ‘nghi thức’ kết bạn kì lạ, chủ yếu nó muốn chứng tỏ với con chim mái rằng nó khỏe mạnh, sung sức, không phải là kẻ ăn bám, và có gen xứng đáng để di truyền lại cho đời sau.

Và sự sáng tạo nghệ thuật không chỉ là một thú vui mà còn giữ một vai trò quan trọng trong sự tiến hóa của não của chúng ta, trung tâm xử lí hầu hết mọi thông tin biểu trưng.

Vì thế, trừ khi chúng ta thay đổi về mặt di truyền tính cách cơ bản của mình, chúng ta có thể trông đợi sức mạnh của sự giải trí, báo lá cải, và mạng xã hội, sẽ tăng lên, chứ không giảm đi, trong tương lai.

Michio Kaku - Vật lí học của tương lai

Michio Kaku - Vật lí học của tương lai

Khoa học sẽ định hình số phận loài người
và cuộc sống hàng ngày của chúng ta như thế nào vào năm 2100
Bản dịch của Thuvienvatly.com

<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm