Michio Kaku: Vật lí học của tương lai - Thế giới năm 2100 (Phần 20)

Hiệp Khách Quậy Trong Star Trek, Star Wars, và hầu như mọi bộ phim khoa học viễn tưởng khác, điều đáng chú ý là những người ngoài hành tinh nói tiếng Anh rất sỏi. Đây là vì có cái gọi là “máy phiên dịch phổ thông” cho phép người trái đất giao tiếp tức... Xin mời đọc tiếp.

Máy phiên dịch phổ thông

Trong Star Trek, Star Wars, và hầu như mọi bộ phim khoa học viễn tưởng khác, điều đáng chú ý là những người ngoài hành tinh nói tiếng Anh rất sỏi. Đây là vì có cái gọi là “máy phiên dịch phổ thông” cho phép người trái đất giao tiếp tức thời với bất kì nền văn minh ngoài hành tinh nào khác, loại bỏ sự bất lợi của việc sử dụng một cách nhạt nhẽo ngôn ngữ dấu hiệu và những điệu bộ căn bản để giao tiếp với người ngoài hành tinh.

Mặc dù từng bị xem là thuộc về tương lai phi thực tiễn, nhưng các phiên bản của máy phiên dịch phổ thông là đã có. Điều này có nghĩa là trong tương lai, nếu bạn là một du khách ở một đất nước xa lạ và nói chuyện với người địa phương, bạn sẽ thấy phụ đề trong kính áp tròng của bạn, như thể bạn đang xem một bộ phim tiếng nước ngoài. Bạn cũng có thể cho máy vi tính của mình tạo bản dịch audio rồi cho vào tai nghe. Điều này có nghĩa là có khả năng có hai người đang đàm thoại, với mỗi người đang nói ngôn ngữ riêng của họ, đồng thời đang nghe bản phiên dịch trong tai của mình, nếu cả hai đều có máy phiên dịch phổ thông. Bản dịch đó sẽ không hoàn hảo, vì luôn luôn có những trục trặc với những thành ngữ, tiếng lóng, và sự diễn đạt màu mè, nhưng nó sẽ đủ tốt để bạn hiểu đại khái những ý chính người bên kia đang nói gì.

Có một vài cách theo đó các nhà khoa học có thể biến ước mơ này thành thực tại. Trước tiên là tạo ra một cỗ máy có thể biến âm đang nói thành chữ viết. Vào giữa thập niên 1990, những chiếc máy ghi nhận giọng nói thương mại đầu tiên đã xuất hiện trên thị trường. Chúng có thể ghi nhận 40.000 từ với độ chính xác 95%. Vì một cuộc trao đổi tiêu biểu hàng ngày chỉ sử dụng 500 đến 1.000 từ, nên những chiếc máy này đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Một khi sự chuyển biên giọng nói con người được hoàn tất, thì mỗi từ được dịch sang một ngôn ngữ khác qua một bộ từ điển máy tính. Rồi đến phần việc khó khăn: đưa các từ đó vào ngữ cảnh, thêm từ lóng, những diễn đạt hoa lá cành, vân vân, tất cả đòi hỏi phải hiểu sâu xa những sắc thái của ngôn ngữ đó. Lĩnh vực trên được gọi là CAT (phiên dịch nhờ sự hỗ trợ của máy vi tính).

Một phương pháp khác đang được nghiên cứu tiên phong tại trường đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh. Các nhà khoa học ở đó đã có những nguyên mẫu có thể dịch tiếng Trung sang tiếng Anh, và dịch tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Đức. Họ gắn các điện cực vào cổ và mặt của người nói; những điện cực này ghi nhận sự co cơ và giải mã những lời đang được nói. Công trình của họ không đòi hỏi bất kì thiết bị audio nào, vì các từ có thể được ghi nhận một cách âm thầm. Rồi một máy vi tính phiên dịch những từ này và một máy tổng hợp giọng nói phát âm chúng thật to. Trong những trò chuyện đơn giản gồm 100 đến 200 từ, họ đã thu được độ chính xác 80%.

“Ý tưởng là bạn có thể phát âm những từ bằng tiếng Anh và chúng sẽ thành tiếng Trung hoặc một ngôn ngữ khác,” phát biểu của Tanja Schultz, một trong các nhà nghiên cứu trên. Trong tương lai, có khả năng cho một máy vi tính đọc môi của người mà bạn đang nói chuyện cùng, nên các điện cực là không cần thiết. Vì thế, trên nguyên tắc, có thể có hai người đang trò chuyện trực tiếp, mặc dù họ nói bằng hai thứ tiếng khác nhau.

Trong tương lai, những hàng rào ngôn ngữ, cái từng ngăn trở các nền văn hóa hiểu biết lẫn nhau, có thể dần dần sập đổ cùng với máy phiên dịch phổ thông này và kính tiếp xúc hoặc kính đeo Internet.

Mặc dù thực tại tăng cường mở ra một thế giới hoàn toàn mới, nhưng cũng có những hạn chế nhất định. Vấn đề sẽ không phải là một trong những phần cứng; cũng không phải băng thông bị hạn chế, bởi vì không có giới hạn nào đối với lượng thông tin có thể mang bởi những tuyến cáp quang.

Rào cản thật sự là phần mềm. Việc sáng tạo phần mềm chỉ có thể làm theo kiểu cũ. Một người nào đó – ngồi trầm tư trên ghế, với bút chì, giấy và laptop – sắp phải viết ra những dòng mã, dòng này sang dòng khác, đưa những thế giới tưởng tượng này đến với cuộc sống. Người ta có thể sản xuất hàng loạt phần cứng và tăng công suất của nó bằng cách ép chặt nhiều con chip hơn, nhưng bạn không thể sản xuất hàng loạt bộ não được. Điều này có nghĩa là sự ra đời của một thế giới tăng cường thực sự sẽ mất hàng thập kỉ nữa, cho đến giữa thế kỉ.

Michio Kaku - Vật lí học của tương lai

Michio Kaku - Vật lí học của tương lai

Khoa học sẽ định hình số phận loài người
và cuộc sống hàng ngày của chúng ta như thế nào vào năm 2100
Bản dịch của Thuvienvatly.com

<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm