Michio Kaku: Vật lí học của tương lai - Thế giới năm 2100 (Phần 13)

Hiệp Khách Quậy Giá của ti vi màn hình phẳng, từng có thời hơn 10.000 USD, đã giảm đi khoảng 50 lần chỉ trong vòng một thập kỉ. Trong tương lai, màn hình phẳng chiếm cả gian tường cũng sẽ giảm giá đáng kể. Những màn hình tường kiểu này sẽ uốn dẻo... Xin mời đọc tiếp.

Giấy điện tử dẻo

Giá của ti vi màn hình phẳng, từng có thời hơn 10.000 USD, đã giảm đi khoảng 50 lần chỉ trong vòng một thập kỉ. Trong tương lai, màn hình phẳng chiếm cả gian tường cũng sẽ giảm giá đáng kể. Những màn hình tường kiểu này sẽ uốn dẻo và siêu mỏng, sử dụng OLED (diode phát quang hữu cơ). Chúng giống với diode phát quang bình thường, ngoại trừ ở chỗ chúng có cấu tạo từ những hợp chất hữu cơ có thể sắp xếp thành chuỗi polymer, khiến chúng uốn dẻo được. Mỗi pixel trên màn hình dẻo kết nối với một transistor để điều khiển màu sắc và cường độ của ánh sáng.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Hiển thị Dẻo thuộc trường Đại học Arizona đang làm việc với hãng Hewlett-Packard và quân đội Mĩ để hoàn thiện công nghệ này. Các nhân tố thị trường rồi sẽ hạ giá thành của công nghệ này và mang nó đến với công chúng. Khi chi phí giảm, giá bán của những màn hình tường này cuối cùng có thể ngang với giá bán của giấy dán tường bình thường. Vì thế trong tương lai, khi dán giấy dán tường, người ta đồng thời dán luôn màn hình tường. Khi muốn thay đổi kiểu giấy dán tường, ta chỉ việc nhấn một cái nút là xong. Việc trang trí lại cũng sẽ đơn giản như thế.

Công nghệ màn hình dẻo này còn có thể làm cách mạng hóa cách thức chúng ta tương tác với máy tính di động của mình. Chúng ta sẽ không cần đeo theo những cái túi đựng laptop kềnh càng nữa. Laptop có thể đơn giản là một tấm OLED ta có thể cuộn lại và bỏ vào trong ví. Điện thoại di động có thể có một màn hình dẻo có thể trải ra, giống như giấy cuộn vậy. Rồi, thay vì căng mắt ra mà gõ trên cái bàn phím nhỏ xíu của chiếc điện thoại di động của mình, có lẽ rồi bạn sẽ có thể trải màn hình dẻo ra lớn bao nhiêu tùy bạn thích.

Công nghệ này còn có thể biến màn hình PC thành hoàn toàn trong suốt. Trong tương lai gần, chúng ta có thể nhìn vào cửa sổ, và rồi vẫy tay, và bất ngờ cửa sổ đó trở thành một màn hình PC. Hoặc bất kì hình ảnh nào mà chúng ta muốn. Chúng ta có thể nhìn vào một cửa sổ ở xa hàng nghìn dặm.

Ngày nay, chúng ta có giấy nháp để nguệch ngoạc trên đó rồi vứt đi. Trong tương lai, chúng ta có thể có “máy vi tính nháp” không có dạng thức đặc biệt nào của riêng chúng. Chúng ta nguệch ngoạc trên chúng rồi vứt chúng đi. Ngày nay, chúng ta sắp xếp bàn ghế và đồ đạc xung quanh chiếc máy vi tính, nó choán hết một góc phòng làm việc của chúng ta. Trong tương lai, máy vi tính để bàn có thể biến mất và các file dữ liệu sẽ đi cùng với chúng ta từ nơi này đến nơi khác, từ phòng này sang phòng khác, hoặc từ văn phòng về nhà. Chúng sẽ cung cấp thông tin cho chúng ta liền mạch, mọi lúc, mọi nơi. Ngày nay, tại sân bay, bạn chứng kiến hàng trăm hành khách mang theo laptop của mình. Một khi vào khách sạn, họ phải kết nối Internet; và một khi về đến nhà, họ phải tải file vào máy tính để bàn ở nhà. Trong tương lai, bạn sẽ không cần xách theo máy vi tính làm gì, vì ở mọi nơi bạn tới, tường nhà, tranh ảnh và đồ đạc đều có thể kết nối bạn với Internet, cho dù bạn đang ở trong xe lửa hay xe hơi. (“Điện toán đám mây”, trong đó bạn không trả tiền cho máy vi tính mà cho thời gian sử dụng máy vi tính, xem tính toán giống như một tiện ích đo được như nước hoặc điện, là một ví dụ sơ bộ thuộc loại này.)

Michio Kaku - Vật lí học của tương lai

Michio Kaku - Vật lí học của tương lai

Khoa học sẽ định hình số phận loài người
và cuộc sống hàng ngày của chúng ta như thế nào vào năm 2100

<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm