Siêu kính thiên văn của châu Âu sẽ xây dựng tại Chile

Hiệp Khách Quậy Một địa điểm tại Cerro Armazones ở Chile đã được chọn cho siêu kính thiên văn mới trị giá 1 tỉ bảng Anh do Đài thiên văn Nam châu Âu (ESO) lên kế hoạch. Xin mời đọc tiếp.

Một địa điểm tại Cerro Armazones ở Chile đã được chọn cho siêu kính thiên văn mới trị giá 1 tỉ bảng Anh do Đài thiên văn Nam châu Âu (ESO) lên kế hoạch. Vị trí xây dựng Kính thiên văn châu Âu Cực Lớn (E-ELT) đã được Ủy ban ESO chọn trong ngày hôm qua từ một danh sách ngắn gồm 5 địa điểm, loại bỏ ba địa điểm khác ở Chile và một tại La Palma trên quần đảo Canary.

alt
Ảnh minh họa Kính thiên văn Cực Lớn, sẽ được Đài thiên văn Nam châu Âu xây dựng tại Cerro Armazones ở Chile. (Ảnh: ESO)

Cerro Armazones, nằm cách Đài thiên văn Paranal hiện nay của ESO khoảng 20 km, được chọn vì nó có “sự cân bằng tốt nhất của chất lượng bầu trời xét trên mọi phương diện” và vì kính thiên văn E-ELT đường kính 42 m có thể hoạt động trong “mốt tích hợp” với Đài thiên văn Paranal, nơi có Kính thiên văn Rất Lớn (VLT) hiện nay của ESO.

“Việc bổ sung thêm những khả năng khoa học biến hóa của E-ELT cho đài thiên văn VLT tích hợp sức mạnh khủng khiếp, bảo đảm cho mục tiêu dài hạn của Paranal là đài thiên văn quang học/hồng ngoại tiên tiến nhất thế giới”, Tim de Zeeuw, tổng giám đốc ESO, giải thích.

“Đây là một mốc quan trọng cho phép chúng ta hoàn thiện thiết kế cơ sở của dự án rất nhiều tham vọng này, nó sẽ thúc đẩy rất nhiều kiến thức thiên văn mới”, de Zeeuw bổ sung thêm.

Gương chính của E-ELT sẽ có đường kính 42 m, chế tạo từ 984 miếng nhỏ hơn, mỗi miếng rộng 1,45 m. Gương thứ cấp sẽ có đường kính lên tới 6 m. Một cái gương thứ ba sẽ truyền ánh sáng lên trên một bộ quang thích nghi toàn diện, gồm hai cái gương khác nữa, một trong hai cái sẽ liên tục được điều chỉnh hình dạng bởi hơn 5000 đầu từ truyền động, nhờ đó hiệu chỉnh bất kì sự lu mờ nào gây ra bởi khí quyển của Trái đất.

Chiếc kính thiên văn trên sẽ đủ nhạy để phát hiện ánh sáng phản xạ từ những hành tinh kiểu Mộc tinh và những hành tinh kiểu Trái đất nếu có đang quay xung quanh những ngôi sao khác ngoài Mặt trời ra – và sẽ cố gắng khảo sát bầu khí quyển của chúng, sử dụng quang phổ học phân giải thấp. Nó sẽ còn có thể phát hiện ra nước và các phân tử hữu cơ trong những đám mây khí xung quanh các ngôi sao, từ đó cung cấp manh mối xem những hành tinh nào có thể thích hợp cho sự sống trong tương lai.

Việc xây dựng thiết bị trên được trông đợi sẽ bắt đầu vào cuối năm 2010 và chiếc kính thiên văn sẽ đi vào hoạt động vào năm 2018.

E-ELT không phải là chiếc kính thiên văn duy nhất đang trong giai đoạn lên kế hoạch. Kính thiên văn Ba mươi Mét (TMT) sẽ được một tập đoàn Canada/Mĩ xây dựng tại đỉnh Mauna Kea ở Hawaii và cũng sẽ hoạt động vào năm 2018. Chiếc gương đường kính 30 m của TMT sẽ chế tạo từ 492 phần riêng lẻ. Chiếc kính thiên văn trên sẽ hoạt động ở những bước sóng từ tử ngoại cho đến hồng ngoại trung, cho phép các nhà thiên văn nghiên cứu nguồn gốc và sự tiến hóa của các hành tinh, các sao và các thiên hà.

Một tập đoàn Australia/Mĩ đang có kế hoạch xây dựng Kính thiên văn Magellan Khổng lồ (GMT) tại Cerro Las Campanas ở Chile. Thiết bị này sẽ có một gương chính gồm sáu phần riêng đường kính 8,4 m bao xung quanh một gương trung tâm thứ bảy. GMT có thể hoạt động vào năm 2018 và sẽ tìm kiếm làm sáng tỏ các hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời của chúng ta, xác định bản chất của vật chất tối và năng lượng tối, nghiên cứu nguồn gốc của các nguyên tố hóa học và khảo sát sự phát triển của các lỗ đen. Nó sẽ hoạt động ở những bước sóng khả kiến, hồng ngoại gần và hồng ngoại trung.

Theo physicsworld.com

Mời đọc thêm