Michio Kaku: Vật lí học của tương lai - Thế giới năm 2100 (Phần 22)

Hiệp Khách Quậy Vào cuối thế kỉ này, chúng ta sẽ điều khiển máy vi tính trực tiếp bằng suy nghĩ của mình. Giống như những vị thần Hi Lạp, chúng ta sẽ nghĩ tới những mệnh lệnh nhất định và những mong muốn nhất định của chúng ta sẽ được đáp ứng.... Xin mời đọc tiếp.

TƯƠNG LAI XA (2070 – 2100)

Trí tuệ chiến thắng vật chất

Vào cuối thế kỉ này, chúng ta sẽ điều khiển máy vi tính trực tiếp bằng suy nghĩ của mình. Giống như những vị thần Hi Lạp, chúng ta sẽ nghĩ tới những mệnh lệnh nhất định và những mong muốn nhất định của chúng ta sẽ được đáp ứng. Nền tảng của công nghệ này đã được thiết lập. Nhưng phải mất hàng thập kỉ nghiên cứu vất vả mới hoàn thiện nó. Cuộc cách mạng chia ra làm hai phần: Trước tiên, trí tuệ phải có thể điều khiển các vật xung quanh nó. Thứ hai, máy vi tính phải giải mã được những mong muốn của một người nào đó để thực thi chúng.

Bước đột phá đáng kể đầu tiên xuất hiện hồi năm 1998, khi các nhà khoa học tại trường Đại học Emory và Đại học Tübingen, Đức, đặt một điện cực thủy tinh nhỏ xíu trực tiếp vào não của một người 56 tuổi bị liệt sau đột quỵ. Điện cực đó được nối với một máy vi tính phân tích các tín hiệu thu từ não của ông ta. Nạn nhân đột quỵ đó đã có thể nhìn thấy hình ảnh con trỏ trên màn hình máy vi tính. Sau đó, bằng sự hồi tiếp sinh học, ông có thể điều khiển con trỏ của màn hình máy tính chỉ bằng cách suy nghĩ. Lần đầu tiên một tiếp xúc trực tiếp đã được thực hiện giữa bộ não người và máy vi tính.

Phiên bản phức tạp nhất của công nghệ này đã được phát triển tại trường Đại học Brown bởi nhà thần kinh học John Donoghue, ông đã chế tạo ra một dụng cụ gọi là BrainGate (Cổng Não) để hỗ trợ những người bị tổn thương não có thể giao tiếp. Ông đã tạo ra một cảm giác truyền thông và thậm chí cả trang bìa của tạp chí Nature hồi năm 2006.

Donoghue nói với tôi rằng giấc mơ của ông là có BrainGate làm cách mạng hóa cách chúng ta xử lí những tổn thương não bằng cách khai thác sức mạnh đầy đủ của cuộc cách mạng thông tin. Nó đã có một tác động lớn lên cuộc sống của những bệnh nhân của ông, và ông nuôi hi vọng cao tiếp tục phát triển công nghệ này. Ông có niềm đam mê cá nhân với nghiên cứu này vì, lúc còn nhỏ, ông đã từng bị giam trên xe lăn do mắc một chứng suy thoái và ông biết rõ cái cảm giác không còn ai hỗ trợ.

Bệnh nhân của ông gồm những nạn nhân đột quỵ bị tê liệt hoàn toàn và không thể giao tiếp với những người yêu thương của họ, nhưng não của họ vẫn còn hoạt động. Ông đặt một con chip, chỉ rộng 4 milli mét, lên trên não của nạn nhân đột quỵ, trong khu vực điều khiển vận động. Rồi con chip này được nối với một máy vi tính phân tích và xử lí các tín hiệu não và cuối cùng thì gửi một tin nhắn đến laptop.

Lúc đầu bệnh nhân không điều khiển được vị trí của con trỏ, nhưng có thể nhìn thấy nơi con trỏ đang di chuyển. Bằng cách thử sai, bệnh nhân học được cách điều khiển con trỏ, và, sau vài giờ đồng hồ, có thể định vị con trỏ ở bất kì nơi nào trên màn hình. Từ luyện tập, nạn nhân đột quỵ có thể đọc và viết thư điện tử và có thể chơi video game. Trên nguyên tắc, một người bị tê liệt sẽ có thể thực hiện bất kì chức năng nào có thể điều khiển bởi máy vi tính.

Lúc đầu, Donoghue bắt đầu với bốn bệnh nhân, hai người bị tổn thương dây sống, một người bị đột quỵ, và người thứ tư bị chứng ALS (xơ cứng cơ hoành). Một người trong số họ, bị liệt tay chân từ cổ trở xuống, chỉ mất một ngày để làm chủ chuyển động của con trỏ bằng suy nghĩ của mình. Hôm nay anh ta có thể điều khiển ti vi, di chuyển con trỏ máy vi tính, chơi video game, và đọc thư điện tử. Các bệnh nhân còn có thể điều khiển sự đi lại của mình bằng cách điều khiển một xe lăn có lắp động cơ.

Tóm lại, đây chẳng kém gì điều kì diệu đối với những người bị liệt hoàn toàn. Một ngày nọ, họ bị bắt giữ, vô vọng, trong cơ thể của mình; ngày hôm sau, họ đang lướt web và trò chuyện với mọi người trên khắp thế giới.

(Tôi từng dự một buổi tiệc tại Trung tâm Lincoln ở New York chúc mừng nhà vũ trụ học vĩ đại Stephen Hawking. Thật đau lòng khi thấy ông bị buộc mình vào chiếc xe lăn, không thể cử động bất cứ cái gì trừ một vài cơ trên gương mặt và mí mắt của ông, với những người y tá giữ cái đầu ủ rũ của ông lại và đẩy ông đi vòng vòng. Ông mất hàng giờ và hàng ngày nỗ lực một cách đau khổ để nói lên những quan điểm đơn giản thông qua máy phân tích giọng nói của ông. Tôi tự hỏi không biết có quá muộn để ông khai thác ưu điểm của công nghệ BrainGate hay không. Rồi JohnDonoghue, người cũng có mặt trong hàng ghế khán giả, tiến đến gặp tôi. Cho nên có lẽ BrainGate là lựa chọn tốt nhất của Hawking.)

Một nhóm nhà khoa học khác tại trường Đại học Duke đã thu được những kết quả tương tự ở loài khỉ. Miguel A. L. Nicolelis và nhóm của ông đã đặt một con chip lên não của một con khỉ. Con chip đó được nối với một cánh tay cơ giới. Lúc đầu, con khỉ quật lòng vòng, không biết làm thế nào điều khiển cánh tay cơ giới đó. Nhưng với một số bài tập, những con khỉ này, sử dụng sức mạnh bộ não của chúng, đã có thể từ từ điều khiển chuyển động của cánh tay cơ – ví dụ, di chuyển nó để nó chộp lấy một quả chuối. Chúng còn cử động những cánh tay này theo bản năng mà không cần suy nghĩ, như thể cánh tay cơ là thuộc về chúng vậy. “Có một số bằng chứng sinh lí học rằng trong thí nghiệm đó, chúng cảm thấy được nối với rô bôt hơn là với cơ thể của chúng,” Nicolelis nói.

Điều này có nghĩa là một ngày nào đó chúng ta sẽ có thể điều khiển máy móc bằng sự suy nghĩ thuần túy. Những người bị liệt có lẽ sẽ có thể điều khiển tay và chân cơ giới theo kiểu này. Ví dụ, người ta có thể nối bộ não của một người trực tiếp với tay và chân cơ giới, bỏ tắt qua dây sống, nên người bệnh lại có thể đi đứng được. Đồng thời, như vậy cũng đặt nền tảng cho sự điều khiển thế giới của chúng ta thông qua sức mạnh của trí óc.

 

 

 

Michio Kaku - Vật lí học của tương lai

Michio Kaku - Vật lí học của tương lai

Khoa học sẽ định hình số phận loài người
và cuộc sống hàng ngày của chúng ta như thế nào vào năm 2100
Bản dịch của Thuvienvatly.com

<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm