250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí (Phần 86)

Hiệp Khách Quậy Chuyện loài người tìm cách xác định khoảng cách từ Trái Đất đến các sao đã có một lịch sử lâu đời. Triết gia Hi Lạp Aristotle và nhà thiên văn học Ba Lan Copernicus đã biết rằng nếu Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời, thì người ta sẽ... Xin mời đọc tiếp.

Thị sai sao

1838

Freidrich Wilhelm Bessel (1784–1846)


 

Chuyện loài người tìm cách xác định khoảng cách từ Trái Đất đến các sao đã có một lịch sử lâu đời. Triết gia Hi Lạp Aristotle và nhà thiên văn học Ba Lan Copernicus đã biết rằng nếu Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời, thì người ta sẽ thấy các sao bị lệch biểu kiến tới lui trong mỗi năm. Thật không hay, Aristotle và Copernicus chưa từng quan sát thấy thị sai rất nhỏ đó, và loài người phải chờ đến thế kỉ mười chín thì thị sai mới thật sự được khám phá.

Thị sai sao ám chỉ sự dời chỗ biểu kiến của một ngôi sao khi ngắm theo hai đường nhìn khác nhau. Sử dụng hình học đơn giản, người ta có thể sử dụng góc dời này để xác định khoảng cách từ ngôi sao đến người quan sát. Một cách tính ra khoảng cách này là xác định vị trí của ngôi sao ở một thời điểm nhất định trong năm. Nửa năm sau, khi Trái Đất đã đi hết nửa vòng xung quanh Mặt Trời, chúng ta lại đo vị trí của ngôi sao đó. Một ngôi sao ở gần sẽ có vẻ như dịch chuyển trên nền các sao ở xa hơn. Thị sai sao tương tự như các hiệu ứng xảy ra khi bạn nhìn khép một mắt lại. Hãy nhìn vào cánh tay bạn bằng một mắt, sau đó nhìn với mắt bên kia. Cánh tay bạn có vẻ như dịch chuyển. Góc thị sai càng lớn thì vật thể càng ở xa mắt của bạn.

Vào những năm 1830, đã có một sự cạnh tranh kịch liệt giữa các nhà thiên văn học muốn làm người đầu tiên xác định chính xác khoảng cách giữa các sao. Mãi đến năm 1838 thị sai đầu tiên mới được đo. Sử dụng một chiếc kính thiên văn, nhà thiên văn Đức Freidrich Wilhelm Bessel đã nghiên cứu sao 61 Cygni trong chòm sao Thiên Nga (Cygnus). Cygni biểu hiện chuyển động biểu kiến có nghĩa, và các phép tính thị sai của Bessel cho biết ngôi sao đó ở cách Trái Đất 10,4 năm ánh sáng (3,18 parsec). Quả là sửng sốt khi mà các nhà thiên văn xa xưa lại biết cách tính khoảng cách mênh mông giữa các sao mà chẳng phải đi khỏi mảnh sân nhà mình.

Do bởi góc thị sai quá nhỏ đối với các sao, nên các nhà thiên văn xa xưa chỉ có thể sử dụng phương pháp này cho các sao ở tương đối gần Trái Đất. Thời nay, các nhà thiên văn đã khai thác vệ tinh Hipparcos ở châu Âu để đo khoảng cách đến hơn 100.000 sao.

XEM THÊM. Eratosthenes đo Trái Đất (240 tCN), Kính thiên văn (1608), Đo Hệ Mặt Trời (1672), Hiệu ứng Giọt đen (1761).

Thị sai

Dựa trên các quan trắc từ Kính thiên văn vũ trụ Spitzer của NASA và các kính thiên văn mặt đất khác, các nhà nghiên cứu đã đo thị sai để xác định khoảng cách đến các vật thể đi qua phía trước các sao trong Đám mây Magenllan Nhỏ (góc trên bên trái).

250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí
Clifford A. Pickover
Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm