Để bài thi tuyển sinh môn Vật lí đạt điểm cao

Hiệp Khách Quậy Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12 Xin mời đọc tiếp.

Chu Văn Biên, Giảng viên Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa

BGD&ĐT cho biết: “Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12”. Nếu phân tích kĩ ta nhận thấy, đề ra theo chương trình THPT năm 2009 chứ không phải ra trong SGK 2009 và đề ra chủ yếu là chương trình lớp 12 chứ không phải hoàn toàn ở trong chương trình lớp 12. Không ít các học sinh hiểu nhầm, đề thi đại học năm trong SGK 12 nên phải bó tay trước những câu hỏi thuộc loại “hóc”. Câu hỏi thuộc loại “hóc” có thể được hiểu theo các khía cạnh sau đây:


+ Đó không phải là một câu hỏi thuộc loại phổ biến, cũng là một câu hỏi thuộc loại thách đố.

+ Đó là một “khía cạnh mới” một “góc độ mới” của một hiện tượng vật lí quen thuộc mà SGK không nói “toẹt ra”.

+ Đó là một vấn đề có liên quan đến phần “chữ nhỏ” trong SGK.

+ Đó là một “vấn đề cũ” được “làm tươi” bằng một cách nhìn mới.

+ Đó là một “vấn đề” được tổng hợp từ nhiều nội dung "dễ”.

+ Đó là một câu hỏi có liên quan đến nhiều chương của lớp 12.

+ Đó là một câu hỏi có liên quan đến chương trình lớp dưới.

1. Câu hỏi thuộc loại “hiếm”.

Theo thói quen cũ thí sinh thường hiểu nhầm các cụm từ “học gì thi nấy”, “đề thi ra theo chương trình THPT hiện hành” và “đề thi chủ yếu là ở chương trình lớp 12”. Thí sinh hiểu nhầm cụm từ “học gì thi nấy” có nghĩa là đề thi lấy từ các bài tập trong SGK và SBT nên chỉ cố gắng “nhồi nhét” một cách “máy móc” các bài toán trong các tài liệu đó. Đề thi trắc nghiệm có khả năng bao quát rộng thậm chí “đào sâu” kiến thức vật lí thuộc chương trình THPT hiện hành.

Ví dụ 1: “Chọn phương án SAI. Biên độ của một dao động điều hòa bằng

A. hai lần quãng đường của vật đi được trong 1/12 chu kỳ khi vật xuất phát từ vị trí cân bằng.
B. nửa quãng đường của vật đi được trong nửa chu kỳ khi vật xuất phát từ vị trí bất kì.
C. quãng đường của vật đi được trong 1/4 chu kỳ khi vật xuất phát từ vị trí cân bằng hoặc vị trí biên.
D. hai lần quãng đường của vật đi được trong 1/8 chu kỳ khi vật xuất phát từ vị trí biên.”

Trong dao động điều hòa, quãng đường đi được trong 1/12 chu kì khi vật xuất phát từ vị trí cân bằng là nửa biên độ (A/2); quãng đường đi được trong nửa chu kì bất kì là 2A; quãng đường của vật đi được trong 1/4 chu kỳ khi vật xuất phát từ vị trí cân bằng hoặc vị trí biên bằng A và quãng đường của vật đi được trong 1/8 chu kỳ khi vật xuất phát từ vị trí biên 0,707A. Vậy đáp án sai là D.

2. Câu hỏi là một “khía cạnh mới” một “góc độ mới” của một hiện tượng vật lí quen thuộc mà SGK không nói “toẹt ra”.

Ví dụ 2: “Trên mặt nước có hai nguồn kết hợp A và B dao động theo phương thẳng đứng, xét các điểm nằm trên đường trung trực của AB thì

A. luôn dao động cực tiểu khi hai nguồn kết hợp cùng pha.
B. luôn dao động cực đại khi hai nguồn kết hợp ngược pha.
C. không dao động cực đại hoặc cực tiểu khi hai nguồn kết hợp bất kì.
D. luôn dao động cùng pha với các nguồn khi hai nguồn kết hợp giống hệt nhau”.

Phương án A là sai vì khi hai nguồn kết hợp cùng pha thì đường trung trực là một cực đại. Phương án B là sai vì khi hai nguồn kết hợp ngược pha thì đường trung trực là một cực tiểu. Phương án D sai vì khi hai nguồn kết hợp giống hết nhau thì những điểm nằm trên đường trung trực luôn dao động với biên độ cực đại, tuy nhiên chưa chắc đã dao động cùng pha với các nguồn. Phương án C đúng vì đối với hai nguồn kết hợp bất kì thì đường trung trực không phải là cực đại cũng không phải là cực tiểu.

3. Các câu hỏi có liên quan đến phần “chữ nhỏ” trong SGK. Những kiến thức viết ở phần “chữ nhỏ” không bắt thí sinh phải nhớ, nhưng yêu cầu học sinh phải hiểu.

Ví dụ 3: “Trong số các hạt sơ cấp đã biết thì số lượng tử spin lớn nhất bằng

A. 3/2
B. 1
C. 1/2
D. 2”.

Không yêu cầu thí sinh phải “nhớ” số spin của các hạt sơ cấp, nhưng “ít nhất” học sinh cũng phải biết số spin của hạt sơ cấp lớn nhất là 3/2.

4. Câu hỏi là một “vấn đề cũ” được “làm tươi” bằng một cách nhìn mới. Không ít thí sinh thường xem xét các bài toán vật lí dưới “góc độ” toán học “hoá” mà “quên đi” bản chất vật lí nằm ở “phía sau” bài toán đó; nên cũng bài toán đó nếu “làm tươi” bằng một cách nhìn mới thì lại phải “bó tay”.

Ví dụ 4: “Một con lắc lò xo dao động điều hòa theo một phương nhất định, khi vật nặng đi qua vị trí cân bằng thì người ta giữ cố định điểm chính giữa của lò xo lại. Bắt đầu từ thời điểm đó vật sẽ dao động điều hoà với biên độ là

A. giảm sqrt(2) lần
B. tăng 2 lần
C. giảm 2 lần
D. như lúc đầu”.

Khi giữ cố định, thì độ cứng của lò xo còn lại tăng gấp 2 so với ban đầu. Vì ta giữ cố định điểm chính giữa của lò xo ở thời điểm vật qua vị trí cân bằng nên cơ năng dao động không thay đổi. Cơ năng dao động không thay đổi mà độ cứng của lò xo tăng 2 lần nên biên độ giảm sqrt(2) lần.

5. Câu hỏi là một “vấn đề” được tổng hợp từ nhiều nội dung "dễ”.

Ví dụ 5: "Chiếu chùm bức xạ thích hợp vào catốt của một tế bào quang điện. Gọi N, n và n’ lần lượt là số phôtôn chiếu vào catôt trong một giây, số quang electron bứt ra khỏi catot trong một giây và số quang electron đến được anot trong một giây. Chọn phương án đúng.

A. n’ < n < N
B. n’ < n < N
C. n’ <= n < N
D. n’ <= n <= N”.

Phương án đúng là C vì khi chiếu chùm bức xạ vào catôt chỉ một phần nhỏ các phôtôn làm bứt electron. Rất nhiều thí sinh chọn phương D.

6. Câu hỏi có liên quan đến nhiều chương của lớp 12. Những câu hỏi thuộc loại này trong đề thi tuyển sinh là rất cần thiết để phân hóa được thi sinh.

Ví dụ 6: "Chọn phương án SAI khi nói về ánh sáng

A. Ánh sáng vừa có tính chất sóng vừa có tính chất hạt
B. Khi giải thích sự truyền của ánh sáng người ta dựa vào tính chất sóng
C. Khi giải thích sự tương tác ánh sáng với môi trường người ta dựa vào tính chất hạt
D. Lưỡng tính sóng-hạt chỉ có ở ánh sáng”.

Chọn phương án D vì lưỡng tính sóng hạt là tính chất tổng quát của mọi vật.

7. Câu hỏi có liên quan đến chương trình lớp dưới. Theo thông báo của Bộ “đề thi chủ yếu là ở chương trình lớp 12” chứ không phải hoàn toàn nằm trong chương trình 12. Thông thường các câu hỏi thi tuyển sinh đều dựa vào các nội dung cụ thể của vật lí 12, nhưng một số câu có liên quan đến kiến thức lớp dưới. Nếu thí sinh không nắm vững kiến thức lớp dưới thì rất khó có thể giải quyết được.

Ví dụ 7: "Hai tấm kim loại A và B rất rộng hình tròn đặt song song đối diện nhau và cách nhau một khoảng d. Thiết lập giữa hai bản A và B một hiệu điện thế UAB = U < 0. Chiếu vào tâm O của bản A một bức xạ đơn sắc có bước sóng l thích hợp thì thì bán kính lớn nhất của vùng trên bề mặt tấm B mà các electron tới vào là R. Để R tăng 2 lần thì

A. giảm l hai lần
B. giảm d hai lần
C. giảm U hai lần
D. giảm U bốn lần”.

Phương án đúng là D. Để giải quyết câu hỏi này, các học sinh phải nhớ kiến thức vật ném ngang ở vật lí 11 và chuyển động của hạt mang điện trong tụ điện ở vật lí 11.

Câu hỏi thuộc loại “hóc” đòi hỏi học sinh hoặc đã “trả nghiệm” hoặc “có óc phán đoán” mới giải quyết được.

Chu Văn Biên, Giảng viên Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa
(Điện thoại: 0912075223)

Mời đọc thêm