250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí (Phần 6)

Hiệp Khách Quậy Xin mời đọc tiếp.

Đồng hồ mặt trời

3000 năm tCN


 

Đừng che giấu tài năng của bạn. Chúng luôn có công dụng gì đó. Một cái đồng hồ mặt trời trong bóng râm thì còn nghĩa lí gì chứ?

—Ben Franklin

Trong hàng thế kỉ, người ta đã tự hỏi về bản chất của thời gian. Nhiều triết lí Hi Lạp cổ đại nói về việc nhận thức khái niệm vĩnh hằng, và đề tài thời gian là trung tâm cho mọi tôn giáo và văn hóa trên thế giới. Angelus Silesius, một nhà thơ thần bí thế kỉ mười bảy, còn đề xuất rằng dòng chảy thời gian có thể bị làm dừng lại bởi sức mạnh tinh thần: “Thời gian là của riêng bạn; đồng hồ của nó chạy trong đầu bạn. Thời khắc bạn ngừng suy tư, thời gian tự nó mất đi.”

Một trong những dụng cụ đo thời gian xưa cũ nhất là đồng hồ mặt trời. Có lẽ con người xa xưa đã để ý rằng cái bóng của họ trên đất thật dài vào lúc sớm mai, rồi nó dần dần ngắn đi, và sau đó dài ra trở lại khi chiều về. Đồng hồ mặt trời sớm nhất được biết có niên đại từ khoảng 3300 năm tCN, và được tìm thấy trên một tảng đá khắc ở Gò Tri thức Vĩ đại (Knowth Great Mound) ở Ireland.

Một đồng hồ mặt trời nguyên thủy có thể được làm bằng một cái cọc thẳng đứng ở trên đất. Ở bán cầu bắc, cái bóng quay xung quanh cọc theo chiều kim đồng hồ, và vị trí của cái bóng có thể dùng để đánh dấu sự trôi qua của thời gian. Độ chuẩn xác của một dụng cụ thô sơ như thế sẽ được cải thiện nếu cái cọc nghiêng sao cho nó hướng về phía Thiên Cực Bắc, hay đại khái hướng về vị trí sao Bắc Cực. Với cải tiến này, cái bóng của cọc mốc sẽ không thay đổi theo mùa. Một hình thức phổ biến của đồng hồ mặt trời có một bảng chia nằm ngang, đôi khi được dùng làm vật trang trí trong vườn. Vì cái bóng không quay đều xung quanh bề mặt của đồng hồ mặt trời này, nên các vạch đánh dấu mỗi giờ không cách đều nhau. Đồng hồ mặt trời có thể không chuẩn xác vì nhiều lí do, ví dụ như tốc độ biến thiên của chuyển động quay của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, việc sử dụng ánh sáng ban ngày đánh dấu thời gian, và thực tế giờ đồng hồ ngày nay thường được giữ đồng đều trong các múi giờ. Trước khi có đồng hồ đeo tay, đôi khi người ta mang một đồng hồ mặt trời gấp lại đựng trong túi, gắn với một la bàn từ nhỏ để ước lượng hướng bắc địa lí.

Một trong những dụng cụ đo thời gian xa xưa nhất là đồng hồ mặt trời

Con người luôn muốn biết về bản chất của thời gian. Một trong những dụng cụ đo thời gian xa xưa nhất là đồng hồ mặt trời.

XEM THÊM. Cơ cấu Antikythera (125 tCN), Đồng hồ Cát (1338), Đồng hồ Kỉ niệm (1841), Du hành Thời gian (1949), Đồng hồ Nguyên tử (1955).

250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí | Clifford A. Pickover
Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm