250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí (Phần 79)

Hiệp Khách Quậy “Kể từ thời của những nền văn minh cổ sơ nhất,” nhà hải dương học vật lí Susanne Lahner viết, “loài người đã bị cuốn hút với những câu chuyện về những con sóng khổng lồ – ‘những con quái vật’ của biển cả…những tháp nước... Xin mời đọc tiếp.

Sóng độc

1826

Jules Sébastien César Dumont d’Urville (1790–1842)


 

“Kể từ thời của những nền văn minh cổ sơ nhất,” nhà hải dương học vật lí Susanne Lahner viết, “loài người đã bị cuốn hút với những câu chuyện về những con sóng khổng lồ ‘những con quái vật’ của biển cả…những tháp nước trút xuống một con thuyền vô vọng. Bạn có thể chứng kiến bức tường nước đang lấn tới… nhưng bạn không thể chạy khỏi và bạn không thể chiến đấu với nó… Liệu chúng ta có thể đương đầu [với cơn ác mộng này] trong tương lai hay không? Dự báo những con sóng khủng khiếp? Kiểm soát chúng? Cưỡi những con sóng lớn kiểu như người lướt ván?”

Thật có chút bất ngờ khi mà trong thế kỉ hai mươi mốt, các nhà vật lí vẫn chưa có một hiểu biết toàn vẹn về bề mặt đại dương, còn nguồn gốc của những con sóng độc hành thì hoàn toàn chẳng rõ. Vào năm 1826, khi nhà thám hiểm và sĩ quan hải quân Pháp Đại úy Dumont d’Urville báo cáo những con sóng cao đến 90 foot (30 mét) – xấp xỉ độ cao của một tòa nhà 10 tầng – ông đã bị cười nhạo. Tuy nhiên, sau khi sử dụng vệ tinh theo dõi và nhiều mô hình tích hợp lí thuyết xác suất về phân bố sóng, ngày nay chúng ta biết rằng những con sóng cao như thế này còn xuất hiện nhiều hơn trông đợi. Hãy hình dung nỗi khiếp đảm của những người chứng kiến khi một bức tường nước như thế lừ lừ xuất hiện mà không báo trước giữa lòng đại dương, đôi khi trong điều kiện thời tiết tốt, dẫn trước nó là một hõm sóng sâu đến mức tạo thành một “cái hố” hun hút trên biển.

Một lí thuyết cho rằng các dòng đại dương và hình dạng đáy biển tác dụng gần giống như các thấu kính quang học và làm hội tụ các tác dụng sóng. Có lẽ những con sóng cao được tạo ra bởi sự chồng chất những con sóng giao cắt từ hai cơn bão khác nhau. Tuy nhiên, các yếu tố khác cũng giữ một vai trò nhất định trong việc gây ra những hiệu ứng sóng phi tuyến như thế, chúng có thể gây ra bức tường nước trong một vùng biển tương đối tĩnh lặng. Trước khi sụp đổ, con sóng độc hành có thể có đỉnh cao gấp bốn lần đỉnh của những con sóng láng giềng. Nhiều bài báo đã được biên soạn nhằm cố gắng lập mô hình ra đời của sóng độc hành, bằng cách sử dụng các phương trình Schrödinger phi tuyến. Tác dụng của gió lên sự diễn tiến phi tuyến của các sóng cũng là một lĩnh vực nghiên cứu sôi nổi. Bởi các sóng độc là nguyên nhân làm mất tích tàu thuyền và sinh mạng, nên các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm cách dự báo và phòng tránh các sóng như thế.

XEM THÊM. Phân tích Fourier (1807), Soliton (1834), Tốc độ Tornado nhanh nhất (1999).

Sóng độc

Những con sóng độc hành có thể thật kinh khủng, xuất hiện không hề báo trước giữa lòng đại dương, thỉnh thoảng trong điều kiện thời tiết tốt, được dẫn trước bởi một hõm sóng sâu đến mức tạo thành một “cái hố” trên biển. Sóng độc là nguyên nhân làm mất tích tàu thuyền và sinh mạng.

250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí
Clifford A. Pickover
Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm