5 lí do nên thám hiểm các tiểu hành tinh

Hiệp Khách Quậy Chính vào hôm Trái Đất sống sót sau một vụ va chạm suýt xảy ra với tiểu hành tinh 367943 Duende, các máy quay ở Nga đã bất ngờ ghi được cảnh một tiểu hành tinh khác lao vào khí quyển, phát nổ, và làm bị thương hơn 1.000 người. Cái ngày... Xin mời đọc tiếp.

Chính vào hôm Trái Đất sống sót sau một vụ va chạm suýt xảy ra với tiểu hành tinh 367943 Duende, các máy quay ở Nga đã bất ngờ ghi được cảnh một tiểu hành tinh khác lao vào khí quyển, phát nổ, và làm bị thương hơn 1.000 người. Cái ngày tháng Hai năm 2013 ở Chelyabinsk ấy đã nhắc nhở thế giới rằng Trái Đất không tồn tại trong một bọt bóng cô lập.

Các tiểu hành tinh đem lại một kết nối trực tiếp giữa Trái Đất và không gian giữa các hành tinh. Các hố va chạm như Hố Barringer ở Arizona là một lời nhắc nhở nghiêm khắc. Loài khủng long đã bị quét sạch do một va chạm khác ở ngoài khơi Vịnh Mexico. Thế nhưng ở đâu đó trong vũ trụ, các tiểu hành tinh thật sự có thể chuyên chở sự sống giữa các hành tinh khác nhau.

Tiểu hành tinh

Trong khi thế giới đang suy ngẫm về chuyến bay đầu tiên của chúng ta lên Mặt Trăng và tương lai của chúng ta trên sao Hỏa, chúng tôi nghĩ các tiểu hành tinh xứng đáng được công nhận. Dưới đây là lí do vì sao.

1. Chúng có thể tiêu diệt chúng ta

Chúng ta đã không nhìn thấy sao băng Chelyabinsk mãi cho đến khi các máy quay ở Nga ghi hình nó. Thật may mắn, chẳng ai thiệt mạng trực tiếp do vụ nổ ấy hết. Lần tới chưa chắc chúng ta may mắn được như thế. Ngay cả với những tiểu hành tinh đã biết, chí ít có một xác suất nhỏ rằng chúng có thể va chạm với Trái Đất trong vòng vài trăm năm tới. Hiện nay có sáu tiểu hành tinh đã biết với xác suất ít nhất 0,1% va chạm với Trái Đất trước khi sang thế kỉ 23.

Và tiểu hành tinh Chelyabinsk gây ít thiệt hại vì nó nổ trên khu vực rừng cây, nếu nó nổ trên thành phố thì con số thương vong có thể là hàng nghìn.

2. Chúng có thể chứa nước

Các nhà thiên văn cãi nhau về nguồn gốc của nước trên Trái Đất, và đặt vấn đề liệu nó có được các sao chổi và tiểu hành tinh phân phối đến hành tinh chúng ta hồi hàng tỉ năm trước hay không. Tàu thám hiểm Dawn của NASA từng đến thăm tiểu hành tinh lớn nhất được biết, Ceres, và phát hiện thấy nước trên bề mặt của nó. Thật vậy, NASA liệt Ceres vào nhóm cựu “thế giới đại dương”, dẫu rằng ở đó đại dương nước và ammonia đã đóng băng và phản ứng với đá silicate tạo thành các trầm tích khoáng nay đang phá hủy cảnh quan ở đó.

Tiểu hành tinh

Ceres, một thế giới từng có đại dương – theo NASA.

3. Chúng tiết lộ cách hệ mặt trời ra đời

Bề mặt của các tiểu hành tinh không xói mòn như đá trên Trái Đất vì các tiểu hành tinh không có khí quyển. Điều đó có nghĩa là các hố va chạm trên tiểu hành tinh được gìn giữ tốt hơn trên những cấp thời gian dài, và đem lại bằng chứng va chạm từ bốn tỉ năm qua vốn đã bị xóa sạch vết tích trên Trái Đất. Về mặt này, các tiểu hành tinh có thể tác dụng như chiếc hộp thời gian lưu giữ bằng chứng của vũ trụ xa xưa.

Bạn càng lùi ngược dòng thời gian, vấn đề càng trở nên phức tạp, vì các tiểu hành tinh biến đổi trong hàng trăm triệu năm sau khi chúng ra đời, xê dịch vị trí của chúng và chịu nhiều va chạm.

4. Chúng tiết lộ hệ mặt trời sẽ chết như thế nào

Hơn sáu tỉ năm nữa, khi Mặt Trời sử dụng hết toàn bộ nhiên liệu hydrogen của nó, nó sẽ bắt đầu biến đổi, cuối cùng trở thành một sao lùn trắng – trạng thái cuối cùng dành cho phần lớn các sao trong thiên hà Ngân Hà. Trong quá trình biến đổi này, Mặt Trời sẽ nhanh chóng phình to đến nuốt chửng Thủy tinh, Kim tinh và có lẽ Trái Đất nữa. Nhưng ít nhất năm hành tinh của Mặt Trời và nhiều tiểu hành tinh sẽ sống sót qua quá trình biến đổi này.

Khi đó các tiểu hành tinh sẽ giữ vai trò quan trọng, vì chúng bị trường hấp dẫn của những hành tinh sống sót “đá” về phía sao lùn trắng khi chúng tiến tới quá gần các hành tinh này. Chúng ta vẫn thường kì quan sát thấy tàn dư vỡ vụn của các tiểu hành tinh bên trong khí quyển của các sao lùn trắng khác, cho phép chúng ta xác định thành phần hóa học của tiểu hành tinh đó bằng cách tiến hành một ca mổ xác từ xa.

Kĩ thuật này là cách trực tiếp nhất để chúng ta có thể khảo sát thành phần hóa học của các hệ hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời của chúng ta. Các tiểu hành tinh trong hệ Mặt Trời của chúng ta có thể sẽ đem lại phương tiện tốt nhất cho các nền văn minh thiên hà trong tương lai tìm hiểu về các vật thể hành tinh quay xung quanh Mặt Trời của chúng ta, rất lâu sau khi Trái Đất diệt vong.

Tiểu hành tinh

Ngôi sao ở bên trái co lại và trở thành sao lùn trắng ở giữa. Ở bên phải là Mặt Trời của chúng ta, để so sánh kích cỡ.

5. Chúng có thể chuyên chở sự sống

Chúng ta biết rõ bản chất hủy diệt của một va chạm tiểu hành tinh, thế nhưng nếu nó có thể hoạt động như một phương tiện trốn thoát thì sao? Một va chạm đủ lớn bởi một tiểu hành tinh sẽ truyền đủ năng lượng làm bắn vọt vật chất ra khỏi bề mặt hành tinh. Nếu hành tinh đó có sự sống, thì một phần vật chất bắn vọt ra sẽ trở thành con tàu vận chuyển các vi sinh vật khỏe mạnh có khả năng sống sót sau cú bay vọt vào không gian.

Tất nhiên, cú bay vọt ra đó chỉ mới là khởi đầu của chuyến phiêu lưu trường kì. Để hoàn thành cú nhảy từ hành tinh này sang hành tinh khác, sự sống phải chịu được các điều kiện khắc nghiệt của không gian trong hành trình giữa các hành tinh của nó. Lúc tới mục tiêu, nó còn phải sống sót khi đi vào hành tinh mới, kể cả một vụ va chạm bề mặt nữa. Các hệ hành tinh đa dạng mà các nhà thiên văn tìm thấy trong những năm gần đây có thể giúp phân giải vấn đề này. Một số hệ có nhiều hành tinh có khả năng ở được ở sát cạnh nhau.

Tiểu hành tinh

Nếu một tiểu hành tinh va vào Trái Đất, nó có thể làm bắn vọt các mảnh sự sống vào không gian – có khả năng gửi nó đến cư trú ở một hành tinh mới.

Hệ TRAPPIST-1 chỉ là một ví dụ. Đây là một cụm gồm bảy hành tinh quay xung quanh một ngôi sao nhỏ hơn Mặt Trời của chúng ta 12 lần, chỉ ở xa 39 năm ánh sáng. Cả bảy hành tinh đều có kích cỡ ngang ngữa với Trái Đất và ở khá gần nhau – nghĩa là vi khuẩn có thể nhảy cóc giữa chúng nếu một tiểu hành tinh va đập với một hành tinh lân cận. Với điều kiện trên hành tinh đến na ná như trên hành tinh cũ, sự sống có cơ hội sống sót cao hơn nhiều so với trường hợp một sinh vật sống bị bắn vọt khỏi Trái Đất và đi tới một hành tinh khác trong hệ Mặt Trời.

Nhiều rào cản xảy ra với bước nhảy liên hành tinh này nên sẽ hết sức khó khăn cho vi sinh vật tìm kiếm một quê hương mới. Tuy nhiên, lí thuyết sẽ tiếp tục gây bất ngờ khi các nhà thiên văn vén màn những thế giới lạ hơn và tuyệt vời hơn được định hình bởi tác dụng của các tiểu hành tinh. Với mỗi thế giới xuất hiện, người ta càng hiểu rõ hơn về vai trò then chốt của các tiểu hành tinh trong việc định hình vũ trụ của chúng ta.

Nguồn: Space.com

Mời đọc thêm