Từ con số không trở thành anh hùng: Những ý tưởng không tưởng làm chuyển biến thế giới (1)

Hiệp Khách Quậy Michael Faraday đã chế tạo một động cơ điện vào năm 1821 và một máy phát điện sơ bộ sau đó một thập kỉ - nhưng phải nửa thế kỉ trôi qua thì điện năng mới bắt đầu cất cánh. Xin mời đọc tiếp.

Mặc dù thoạt nhìn trông chúng thật khéo léo và to tát, nhưng đa số các ý tưởng khoa học mới lạ hóa ra là sai lầm. Nhưng trong vài trường hợp lại xảy ra điều ngược lại. Khi lần đầu tiên được đề xuất, chúng hóa ra không những đúng mà còn làm chuyển biến thế giới. Trong một thời đại khi mà sự tài trợ cho nghiên cứu không dễ gì kiếm được, 10 ý tưởng này đóng vai trò một sự nhắc nhở kịp lúc về giá trị của khoa học thuần túy không chỉ theo nghĩa làm thỏa mãn trí tò mò của chúng ta, mà cuối cùng còn vì những ứng dụng thực tiễn vô tận của nó.

 

Micheal Faraday (Ảnh: Hulton Deutsch Collection/Corbis)

Công dụng của điện là gì?

Michael Faraday đã chế tạo một động cơ điện vào năm 1821 và một máy phát điện sơ bộ sau đó một thập kỉ - nhưng phải nửa thế kỉ trôi qua thì điện năng mới bắt đầu cất cánh.

Trong số nhiều câu chuyện về nhưng khám phá không tưởng có thể làm chuyển biến thế giới, đây là trường hợp nổi tiếng nhất và vẫn được nói đến nhiều nhất. Sự thật là gì, hay đơn thuần chỉ là câu chuyện tinh thần thôi, vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

 

Sẽ không có các ổ đĩa cứng nếu không có điện từ học. (Ảnh: Steve Gschmeissner/SPL)

Năm 1821, trong khi đang làm việc tại Viện Hoàng gia ở London, Michael Faraday đã theo đuổi công trình của người Đan Mạch Hans Christian Ørsted, người chú ý tới cái kim la bàn quay, suy luận ra rằng điện và từ là có liên quan với nhau. Faraday đã phát triển động cơ điện và sau đó, một thập kỉ sau, nhận thấy một nam châm đang chuyển động bên trong một cuộn dây dẫn cảm ứng ra một dòng điện. Năm 1845, ông đã thiết lập nên nền tảng của vật lí học hiện đại, lí thuyết trường điện từ.

Như người ta thường kể lại, chính thủ tướng hay một vị chính khách quan trọng nào đó đã được Faraday trình diễn thí nghiệm cảm ứng đó. Khi được hỏi “Nó hay ra sao?”, Faraday trả lời: “Một đứa trẻ sơ sinh thì hay thế nào chứ?”. Hoặc có lẽ ông đã nói: “Không lâu thôi ngài sẽ có thể đánh thuế nó”. Phiên bản cũ của câu chuyện này phát sinh từ một lá thư gửi đi vào năm 1783 bởi người tiền nhiệm vĩ đại của Faraday trong lĩnh vực điện học, nhà triết học và chính khách người Mĩ Benjamin Franklin. Về nguồn gốc của lá thư thì chẳng một ai rõ cả.

Cho dù thế nào đi nữa, thì bài học ở đây là có thể mất đến nửa thế kỉ cho một sự đầu tư trong lĩnh vực khoa học cơ bản đi đến đơm hoa kết trái. Sự sâu sắc của Faraday đã thể hiện trong những năm 1850 trong một nỗ lực thất bại nhằm xây dựng một ngọn hải đăng thắp sáng bằng điện, và một đường truyền điện báo cự li dài – cái đã dẫn tới đường cáp điện báo Đại Tây Dương. Nhưng mãi cho đến thập niên 1880 thì điện năng mới bắt đầu được sử dụng rộng rãi.

Frank James, giáo sư lịch sử khoa học tại Viện Hoàng gia, chỉ ra một bước ngoặc trong câu chuyện trên. Cho dù đúng hay không, nó đã bắt nguồn và đưa vào sử dụng vào những năm 1880, khi nhà sinh vật học lỗi lạc Thomas Huxley và nhà vật lí John Tyndall vận động chính phủ tài trợ cho khoa học. Và họ đã thành công.

Nguồn: New Scientist

Còn tiếp...

Mời đọc thêm