Từ con số không trở thành anh hùng: Những ý tưởng không tưởng làm chuyển biến thế giới (8)

Hiệp Khách Quậy Khi một nhà buôn vải người Hà Lan thế kỉ thứ 17 nói với các trí tuệ lỗi lạc nhất xứ London rằng ông ta nhìn thấy các “sinh vật nhỏ bé” qua chiếc kính hiển vi tự tạo của mình, họ đã bán tín bán nghi. Xin mời đọc tiếp.

Những sinh vật bé nhỏ

Khi một nhà buôn vải người Hà Lan thế kỉ thứ 17 nói với các trí tuệ lỗi lạc nhất xứ London rằng ông ta nhìn thấy các “sinh vật nhỏ bé” qua chiếc kính hiển vi tự tạo của mình, họ đã bán tín bán nghi.

Vào đầu mùa thu năm 1674, Henry Oldenburg, thư kí của Hội Hoàng gia ở London, nhận được một lá thư đặc biệt. Người gửi là Antoni van Leeuwenhoek, một nhà buôn vải xứ Delft ở Hà Lan, trong thư nêu một kết luận nghe có vẻ không thể xảy ra được.

 

Antoni van Leeuwenhoek (Ảnh: Jan Verkolje)

Sử dụng một chiếc kính hiển vi do ông tự chế tạo, van Leeuwenhoek đã nhìn thấy những sinh vật nhỏ xíu, không thể nhìn thấy bằng mắt trần, sinh sống trong nước ao hồ. Một số trong những “động vật nhỏ bé” này thật sự quá nhỏ, như sau này ông ước tính, nếu lấy 30 triệu con như vậy sắp thành hàng thì vẫn nhỏ hơn một hạt cát.

Các giới chức ở Hội Hoàng gia bán tín bán nghi. Ngay cả với những thiết bị mạnh nhất của mình, thì nhà hiển vi học danh tiếng người Anh Robert Hooke cũng chưa bao giờ quan sát thấy bất cứ thứ gì trông giống như những sinh vật bé nhỏ cả.

Thật ra thì người Hà Lan trên đã phát triển các thấu kính ưu việt hơn nhiều so với các thấu kính của Hooke, và ông đã phát hiện ra các vi khuẩn và động vật nguyên sinh. Với việc chế tạo ra các thấu kính ngày một nhỏ hơn và cong hơn – sử dụng một kĩ thuật mà ông vẫn giữ kín – van Leeuwenhoek đã có thể phóng đại các vật lên tới 500 lần. Đồng thời với việc khám phá ra giới vi sinh vật, ông còn là người đầu tiên nhìn thấy các tế bào hồng cầu của máu.

Năm 1677, van Leeuwenhoek gửi tiếp những quan sát động vật nhỏ bé khác nữa cho Hội Hoàng gia. Cuối cùng rồi Hooke đã cải tiến các kính hiển vi do ông chế tạo và ông đã có thể nhìn thấy những sinh vật bé nhỏ ấy. Ba năm sau, van Leeuwenhoek được kết nạp làm hội viên Hoàng gia.

Nhưng mãi cho đến năm 1890, hơn 160 năm sau khi van Leeuwenhoek qua đời, thì vi khuẩn mới được người ta biết đến là có liên quan đến bệnh tật. “Đọc các lá thư của van Leeuwenhoek, bạn sẽ hình dung ra sự ấn tượng của những người bị hoa mắt trước những cái ông đang tìm ra”, theo lời Lesley Robertson, người phụ trách các phòng trưng bày tại khoa vi sinh vật học trường Đại học Delft. “Ông nghĩ rằng ông đã tìm ra một thế giới hoàn toàn mới – nhưng chắc chắn ông chưa bao giờ nhận ra mối liên quan [của chúng] với bệnh tật”.

Nguồn: New Scientist

Mời đọc thêm