Vật lí Lượng tử Tốc hành (Phần 55)

Hiệp Khách Quậy Lí thuyết căng phồng lại làm phát sinh những câu hỏi chưa được trả lời. Không ai thật sự hiểu được vì sao nó bắt đầu hay, thật vậy, cái gì làm cho nó dừng lại. Thật ra, một vài nhà vũ trụ học từng đề xuất rằng, ở một số vùng... Xin mời đọc tiếp.

Sự căng phồng vĩnh viễn

Lí thuyết căng phồng lại làm phát sinh những câu hỏi chưa được trả lời. Không ai thật sự hiểu được vì sao nó bắt đầu hay, thật vậy, cái gì làm cho nó dừng lại. Thật ra, một vài nhà vũ trụ học từng đề xuất rằng, ở một số vùng của Vũ trụ, sự căng phồng sẽ không bao giờ dừng lại.

Có một ý tưởng cho rằng trong quá trình căng phồng, Vũ trụ chứa đầy một ‘chân không giả’, một trạng thái năng lượng cao phân hủy trở lại trạng thái cơ bản, ít nhất là trong vùng chúng ta cư trú trong Vũ trụ. Năng lượng của chân không giả này chi phối sự dãn nở tăng tốc. Alan Guth đề xuất rằng nó chỉ có thể phân hủy ở một số vùng của Vũ trụ, tạo ra ‘các bọt bóng’ có tốc độ dãn nở khác nhau. Mỗi bọt bóng sẽ hình thành một vũ trụ cô lập của riêng nó, một trong nhiều vũ trụ trong một đa vũ trụ lớn hơn. Với cảm hứng tương tự, Andrei Linde đã phát triển một mô hình căng phồng hỗn độn đề xuất một đa vũ trụ vĩnh hằng phát sinh từ một bọt lượng tử trong đó các thăng giáng có thể kích hoạt những Vụ Nổ Lớn mới và những thời kì căng phồng mới ở những vùng khác nhau. Do đó, sự bất thường của các thăng giáng lượng tử có thể nghĩa là Vũ trụ của chúng ta chỉ là một trong vô số vũ trụ mà thôi.

Sự căng phồng vĩnh viễn

Vũ trụ dãn nở

Theo sau Vụ Nổ Lớn và sự căng phồng, Vũ trụ vẫn dãn nở cho đến ngày nay, một thực tế được khám phá bởi nhà thiên văn Mĩ Edwin Hubble. Trước năm 1925, chẳng ai biết có các thiên hà bên ngoài Ngân Hà của chúng ta, phần lớn các nhà khoa học cho rằng các ‘tinh vân xoắn ốc’ bí ẩn là bộ phận của hệ sao của chúng ta. Tuy nhiên, sử dụng cái khi ấy là kính thiên văn lớn nhất thế giới, Hubble đã phân giải được từng ngôi sao trong những tinh vân xoắn ốc này. Sử dụng một phương pháp khéo léo để tính độ sáng thực chất của chúng, ông tìm thấy chúng ở xa hàng triệu năm ánh sáng, và rằng các tinh vân xoắn ốc ấy tự chúng phải là các thiên hà.

Ngoài ra, ánh sáng đến từ những thiên hà ở xa này bị dãn sang bước sóng dài hơn, đỏ hơn do không gian dãn nở và hiệu ứng Doppler. Không những các thiên hà nói chung chuyển động ra xa Trái Đất, mà những thiên hà càng ở xa thì chuyển động lùi ra càng nhanh, một hiệu ứng gọi là định luật Hubble. Hóa ra thì Vũ trụ hiện đang dãn nở 22,4 km (13,9 dặm) trên giây trên trăm triệu năm ánh sáng không gian.

Vũ trụ dãn nở

Vật lí Lượng tử Tốc hành | Gemma Lavender
Bản dịch của Thuvienvatly.com
Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm