250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí (Phần 76)

Hiệp Khách Quậy “Bất chấp mọi tin tức không hay về nó,” các tác giả Joseph Gonzalez và Thomas Sherer viết, “quá trình gọi là hiệu ứng nhà kính là một hiện tượng rất tự nhiên và cần thiết… Khí quyển chứa các chất khí cho phép ánh sáng mặt trời xuyên... Xin mời đọc tiếp.

Hiệu ứng Nhà kính

1824

Joseph Fourier (1768–1830), Svante August Arrhenius (1859–1927), John Tyndall (1820–1893)


 

“Bất chấp mọi tin tức không hay về nó,” các tác giả Joseph Gonzalez và Thomas Sherer viết, “quá trình gọi là hiệu ứng nhà kính là một hiện tượng rất tự nhiên và cần thiết… Khí quyển chứa các chất khí cho phép ánh sáng mặt trời xuyên qua đến mặt đất song lại cản trở sự thoát ra của năng lượng nhiệt tái bức xạ. Không có hiệu ứng nhà kính thiên nhiên này, Trái Đất sẽ quá lạnh để duy trì sự sống.” Hay, như Carl Sagan từng viết, “Một hiệu ứng nhà kính nho nhỏ là điều hay ho.”

Nói đại khái, hiệu ứng nhà kính đang làm nóng bề mặt hành tinh do các chất khí trong khí quyển hấp thụ và phát xạ bức xạ hồng ngoại, hay năng lượng nhiệt. Một phần năng lượng do các chất khí tái phát xạ thoát ra không gian bên ngoài; một phần khác bức xạ trở lại về phía hành tinh. Khoảng năm 1824, nhà toán học Joseph Fourier tự hỏi làm thế nào Trái Đất vẫn đủ ấm để dung dưỡng sự sống. Ông đề xuất rằng mặc dù một phần nhiệt thật sự thoát ra không gian, nhưng khí quyển tác dụng có chút giống với một mái vòm trong mờ – có lẽ giống cái nắp nồi bằng thủy tinh – nó hấp thụ một phần nhiệt của Mặt Trời và bức xạ lại về phía Trái Đất.

Vào năm 1863, nhà vật lí và nhà leo núi người Anh John Tyndall tường thuật các thí nghiệm chứng minh hơi nước và carbon dioxide hấp thụ những lượng lớn nhiệt. Ông kết luận rằng hơi nước và carbon dioxide phải giữ một vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhiệt độ bề mặt Trái Đất. Năm 1896, nhà hóa học Thụy Điển Svante Arrhenius chỉ ra rằng carbon dioxide tác dụng như một cái “bẫy nhiệt” rất mạnh và việc giảm một nửa hàm lượng trong khí quyển có thể gây ra một kỉ băng hà. Ngày nay, chúng ta sử dụng thuật ngữ sự ấm lên toàn cầu do con người để chỉ một hiệu ứng nhà kính tăng mạnh do con người góp thêm các chất khí nhà kính, ví như việc đốt các nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài hơi nước và carbon dioxide, methane từ gia súc thải ra cũng có thể góp vào hiệu ứng nhà kính. “Chất thải gia súc ư?” Thomas Friedman viết. “Đúng thế – thứ ấn tượng ở các khí nhà kính là sự đa dạng của các nguồn phát ra chúng. Một bầy gia súc xả thải có thể còn tệ hơn một xa lộ đầy những chiếc Hummer.”

Hiệu ứng Nhà kính

“Coalbrookdale về đêm” (1801), tranh vẽ của Philip James de Loutherbourg (1740-1812) thể hiện Lò luyện Madeley Wood, một biểu tượng của Cách mạng Công nghiệp.

XEM THÊM. Cực quang (1621), Định luật Fourier về dẫn nhiệt (1822), Tán xạ Rayleigh (1871).

Hiệu ứng Nhà kính

Những thay đổi lớn trong sản xuất, khai khoáng, và các hoạt động khác kể từ Cách mạng Công nghiệp đã làm tăng hàm lượng các khí nhà kính trong không khí. Chẳng hạn, các động cơ hơi nước, chủ yếu được cấp nhiên liệu than, đã giúp thúc đẩy Cách mạng Công nghiệp.

250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí
Clifford A. Pickover
Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm