Tiểu hành tinh, sao băng và thiên thạch khác nhau như thế nào?

Hiệp Khách Quậy Các thuật ngữ tiểu hành tinh, sao băng và thiên thạch được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây, nhất là khi có hai trong số chúng đe dọa Trái đất trong cùng một ngày (15/2). Dưới đây là sự giải thích ngắn gọn sự khác nhau giữa ba thuật... Xin mời đọc tiếp.

Các thuật ngữ tiểu hành tinh, sao băng và thiên thạch được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây, nhất là khi có hai trong số chúng đe dọa Trái đất trong cùng một ngày (15/2). Dưới đây là sự giải thích ngắn gọn sự khác nhau giữa ba thuật ngữ này.

Một sao băng lướt trên bầu trời miền đông nước Nga

Một sao băng lướt trên bầu trời miền đông nước Nga. Ảnh do Bộ Các tình huống khẩn cấp Nga cung cấp. Hàng trăm người đã bị thương, chủ yếu do kính cửa vỡ vì chấn động bởi sóng xung kích do vụ nổ trên không gây ra.

Tiểu hành tinh là một vật thể bằng đá trong vũ trụ có kích cỡ nhỏ hơn một hành tinh – chúng thỉnh thoảng được gọi là hành tinh nhỏ, hay planetoid, theo NASA cho biết. Những nguồn tham khảo khác còn gọi chúng đại khái là “những mảnh vụn vũ trụ”, hay những mảnh còn sót lại từ sự hình thành của hệ mặt trời.

Có hàng triệu tiểu hành tinh đang quay xung quanh mặt trời, chừng 750.000 trong số đó được tìm thấy trong vành đai tiểu hành tinh, một vành đai rộng lớn nằm giữa quỹ đạo của Hỏa tinh và Mộc tinh. Các tiểu hành tinh có thể lớn đến hàng trăm km bề ngang: Tiểu hành tinh Ceres, đôi khi còn gọi là hành tinh lùn, có đường kính 940 km.

Các tiểu hành tinh không có khí quyển, nhưng nhiều tiểu hành tinh đủ lớn để tác dụng một lực hút hấp dẫn – trên thực tế, một số tiểu hành tinh có một hoặc hai vệ tinh đồng hành, hoặc chúng tạo nên hệ đôi, trong đó hai tiểu hành tinh kích cỡ tương đương quay xung quanh nhau.

Các nhà khoa học hăm hở nghiên cứu tiểu hành tinh bởi vì chúng làm sáng tỏ nhiều thông tin về sự ra đời của hệ mặt trời của chúng ta hồi khoảng 4,6 tỉ năm về trước. Một cách nghiên cứu chúng là quan sát chúng khi chúng tiến gần đến Trái đất, giống như trường hợp 2012 DA14 đã đi qua Trái đất hôm 15 tháng 2 vừa qua.

Sao băng là một tiểu hành tinh hay vật thể nào đó bốc cháy và bay hơi trên đường đi vào khí quyển của Trái đất; người ta thường gọi chúng là “sao rơi”. Nếu một sao băng không cháy hết lúc xuyên qua khí quyển Trái đất và rơi xuống tới đất, thì nó được gọi là thiên thạch.

Thiên thạch thường được phân loại là thiên thạch sắt hoặc thiên thạch đá. Như tên gọi cho biết, thiên thạch sắt chứa khoảng 90% là sắt; thiên thạch đá có cấu tạo gồm oxygen, sắt, silicon, magnesium và những nguyên tố khác.

Còn có thuật ngữ meteroid nữa. Đó là tên gọi chung mô tả những hạt nhỏ của sao chổi hay tiểu hành tinh đang quay xung quanh mặt trời. Không có một định nghĩa được chấp nhận rộng rãi (dựa trên kích cỡ hay bất kì đặc trưng nào khác) phân biệt giữa meteroid và tiểu hành tinh (asteroid) – chỉ đơn giản là meteroid thì nhỏ hơn tiểu hành tinh mà thôi.

Chỉ khi những vật thể này đi vào khí quyển Trái đất thì chúng mới được gọi là sao băng, giống như sao băng được nhìn thấy trên bầu trời nước Nga hôm 15 tháng 2. Bởi vì sao băng đó nổ trong khí quyển, nên quả cầu lửa mà người ta nhìn thấy được gọi là đạn lửa (bolide). Không có một định nghĩa chính xác của bolide – đa số các nhà thiên văn hiểu bolide đơn giản là một quả cầu lửa rất sáng.

Nguồn: LiveScience

Mời đọc thêm