Loài người sẽ diệt vong trong vòng 1 thế kỉ tới?

Hiệp Khách Quậy Nhà vật lí lỗi lạc người Australia, giáo sư Frank Fenner, người đã có công giúp quét sạch bệnh đậu mùa, tiên đoán loài người có khả năng sẽ tuyệt chủng trong vòng 100 năm nữa, vì sự quá tải dân số, sự phá hoại môi trường và biến... Xin mời đọc tiếp.

Nhà khoa học lỗi lạc người Australia, giáo sư Frank Fenner, người đã có công giúp quét sạch bệnh đậu mùa, tiên đoán loài người có khả năng sẽ tuyệt chủng trong vòng 100 năm nữa, vì sự quá tải dân số, sự phá hoại môi trường và biến đổi khí hậu.

 alt

Giáo sư Frank Fenner

Fenner, vị giáo sư danh tiếng ngành vi sinh vật học tại trường Đại học Quốc gia Australia (ANU) ở Canberra, cho biết loài người thông minh sẽ không có khả năng tồn tại qua khỏi cơn bùng nổ dân số và “tiêu thụ phi mã”, và sẽ trở nên diệt vong, có lẽ trong vòng một thế kỉ, cùng với nhiều loài khác. Những con số chính thức của Liên hiệp quốc hồi năm ngoái ước tính dân số nhân loại là 6,8 tỉ người, và dự báo sẽ vượt qua ngưỡng 7 tỉ vào năm tiếp theo.

Fenner phát biểu với tờ The Australian rằng ông cố gắng không thể hiện sự bi quan của mình vì người ta đang cố gắng làm một cái gì đó, nhưng kết quả chưa đạt được gì. Ông nói ông tin rằng tình hình là không thể đảo ngược nữa, và đã quá muộn vì các tác động chúng ta đã gây ra trên Trái đất kể từ thời công nghiệp hóa (một thời kì ngày nay các nhà khoa học đặt tên không chính thức là Anthropocene) còn ghê gớm hơn cả các tác động của kỉ nguyên băng hà hay các vụ va chạm sao chổi.

 alt

Biểu đồ gia tăng dân số thế giới

Fenner nói sự biến đổi khí hậu chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu của nó, nhưng có khả năng sẽ là nguyên nhân gây ra sự diệt vong của chúng ta. “Chúng ta sẽ chịu số phận sống như những người sống trên Đảo Phục sinh”, ông nói. Nhiều người hơn có nghĩa là có ít tài nguyên hơn, và Fenner dự báo “sẽ có nhiều cuộc chiến tranh vì nguồn thực phẩm hơn”.

Đảo Phục sinh nổi tiếng với các tượng đá đồ sộ của nó. Người Polynesia đã định cư ở đó, ở nơi khi ấy là một hòn đảo nhiệt đới ban sơ, khoảng giữa thiên niên kỉ thứ nhất sau công nguyên. Lúc đầu dân số tăng dần và sau đó thì bùng nổ. Khi dân số tăng, các cánh rừng bị hạ trụi gốc và toàn bộ động thực vật trở nên diệt vong, cùng với những hệ quả tàn khốc. Sau khoảng năm 1600, nền văn minh đó bắt đầu sụp đổ, và hầu như biến mất vào giữa thế kỉ thứ 19. Nhà sinh vật học tiến hóa Jared Diamond cho biết sự song song giữa cái đã xảy ra trên Đảo Phục sinh và cái đang diễn ra ngày nay trên hành tinh xem như một tổng thể là “rõ ràng đến mức tàn nhẫn”.

Trong khi nhiều nhà khoa học còn bi quan, thì những người khác lạc quan hơn. Trong số những người lạc quan là một đồng nghiệp của giáo sư Fenner, vị giáo sư đã nghỉ hưu Stephen Boyden, ông nói ông vẫn hi vọng sự quan tâm đến các vấn đề sẽ tăng cường và các thay đổi cần thiết mang tính cách mạng sẽ thu được khả năng duy trì sinh thái. “Trong khi có một chút hi vọng, thì thật đáng làm việc để giải quyết vấn đề đó. Chúng ta có kiến thức khoa học để làm điều đó nhưng chúng ta không có sự sẵn sàng về mặt chính trị”, Boyden nói.

Fenner, 95 tuổi, là tác giả và đồng tác giả của 22 quyển sách và 290 bài báo khoa học và các chương sách. Thông cáo năm 1980 của ông trước Ủy ban Sức khỏe Thế giới rằng bệnh đậu mùa đã bị trừ tiệt gốc vẫn được xem là một trong những thành tựu lớn nhất của Tổ chức Y tế Thế giới. Ông cũng tham gia tích cực trong việc điều phối dân số thỏ hoang của Australia với virus myxomatosis.

Giáo sư Fenner từng có thời yêu thích nghiên cứu môi trường, và từ năm 1973 đến 1979 là giám đốc Trung tâm Tài nguyên và Nghiên cứu Môi trường tại ANU. Ông hiện là khách mời tại Khoa Y Nghiên cứu John Curtin tại trường đại học trên, và là một người ủng hộ chương trình Dân số Australia. Ông đã giành vô số giải thưởng, trong đó có giải thưởng Hòa bình ANZAC, Huy chương WHO, và giải thưởng Khoa học Thế giới Albert Einstein. Ông được tặng thưởng Hiệp sĩ Liên hiệp Anh cho công trình của ông về việc kiểm soát bệnh sốt rét ở New Guinea trong Thế chiến thứ hai, khi đó Fenner phục vụ trong Tổ chức Quân Y Hoàng gia Australia.

Giáo sư Fenner sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề Khí hậu, Hành tinh và Loài người khỏe mạnh tại Viện Hàn lâm Khoa học Australia trong tuần tới.

  • Xuân Nguyễn (theo PhysOrg.com)

Mời đọc thêm