250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí (Phần 28)

Hiệp Khách Quậy Trong suốt cuộc đời mình, nhà thiên văn người Đức Johannes Kepler luôn gán các ý tưởng khoa học và động cơ của ông cho nhiệm vụ tìm hiểu suy nghĩ của Chúa. Chẳng hạn, trong công trình của ông Mysterium Cosmographicum (Bí ẩn Thiêng liêng của... Xin mời đọc tiếp.

Mysterium Cosmographicum

1596

Johannes Kepler (1571 – 1630)

Trong suốt cuộc đời mình, nhà thiên văn người Đức Johannes Kepler luôn gán các ý tưởng khoa học và động cơ của ông cho nhiệm vụ tìm hiểu suy nghĩ của Chúa. Chẳng hạn, trong công trình của ông Mysterium Cosmographicum (Bí ẩn Thiêng liêng của Vũ trụ, 1596), ông viết, “Tôi tin rằng Đấng Tạo hóa đã can thiệp để tình cờ tôi tìm thấy cái tôi không bao giờ có thể thu được bằng sự cố gắng của mình. Tôi tin điều này hơn cả vì tôi liên tục cầu nguyện với Chúa rằng tôi sẽ thành công.”

Tầm nhìn của Kepler về vũ trụ vốn dựa trên các nghiên cứu của ông về những vật thể ba chiều, đối xứng gọi là vật rắn Plato. Hàng thế kỉ trước Kepler, nhà toán học Hi Lạp Euclid (325 tCN – 265 tCN) đã chỉ ra rằng chỉ có năm vật rắn như thế tồn tại với các mặt y hệt nhau: khối lập phương, khối mười hai mặt, khối hai mươi mặt, khối bát diện, và khối tứ diện. Mặc dù lí thuyết thế kỉ mười sáu của Kepler trông xa lạ đối với chúng ta ngày nay, nhưng ông đã cố gắng chỉ ra rằng có thể tìm được khoảng cách từ các hành tinh đến Mặt Trời bằng cách nghiên cứu các quả cầu bên trong những khối đa diện đều này, ông vẽ chúng lồng lên nhau như các lớp của một củ hành vậy. Ví dụ, quỹ đạo nhỏ của Thủy tinh được biểu diễn bởi quả cầu trong cùng trong các mô hình của ông. Các hành tinh khác được biết vào thời của ông là Kim tinh, Trái Đất, Hỏa tinh, Mộc tinh, và Thổ tinh.

Đặc biệt, một quả cầu bên ngoài bao quanh một khối lập phương. Bên trong khối lập phương là một quả cầu, sau đó là một khối tứ diện, tiếp tục đến một quả cầu khác, rồi đến khối mười hai mặt, tiếp tục đến một quả cầu, một khối hai mươi mặt, quả cầu, và cuối cùng là một khối bát diện nhỏ bên trong. Có thể tưởng tượng mỗi hành tinh đính vào mỗi quả cầu xác định quỹ đạo của hành tinh. Với một vài dàn xếp khéo léo, mô hình của Kepler vận hành khá tốt là một gần đúng thô cho cái đã biết về các quỹ đạo hành tinh thời ấy. Owen Gingerich viết, “Mặc dù ý tưởng chính về Mysterium Cosmographicum là không đúng, song chính Kepler đã xác lập vị thế… nhà khoa học đầu tiên đòi hỏi các lí giải vật chất cho các hiện tượng trên trời. Hiếm khi trong lịch sử một cuốn sách sai lại quan trọng đến thế trong việc định hướng tiến trình khoa học tương lai.”

Mysterium Cosmographicum

Tầm nhìn của Kepler về vũ trụ vốn dựa trên các nghiên cứu của ông về những vật thể ba chiều, đối xứng gọi là các vật rắn Platon. Hình vẽ này trích từ quyển Mysterium Cosmographicum, xuất bản năm 1596.

XEM THÊM. Vũ trụ Nhật tâm (1543), Các định luật Kepler về Chuyển động Hành tinh (1609), Đo Hệ Mặt Trời (1672), Định luật Bode về Khoảng cách hành tinh (1766).

250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí | Clifford A. Pickover
Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm