Trung Quốc phóng tàu thám hiểm mặt trăng thứ hai

Hiệp Khách Quậy Ngày 01/10 vừa qua, Trung Quốc đã kỉ niệm 61 năm giải phóng đất nước với việc phóng phi thuyền mặt trăng thứ hai của mình – bước tiếp theo trong chương trình đầy tham vọng của họ nhằm vươn tới trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới... Xin mời đọc tiếp.

Ngày 01/10 vừa qua, Trung Quốc đã kỉ niệm 61 năm giải phóng đất nước với việc phóng phi thuyền mặt trăng thứ hai của mình – bước tiếp theo trong chương trình đầy tham vọng của họ nhằm vươn tới trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới đưa người lên mặt trăng.

 

Tên lửa Trường Chinh 3C mang theo Hằng Nga 2, phi thuyền sắp bay vào quỹ đạo cách mặt trăng 15 km, đã rời bệ phóng ở trung tâm Xichang thuộc tỉnh miền tây nam Tứ Xuyên.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã chiếu đi những hình ảnh của tên lửa lao vút vào bầu trời đêm – một vài giây sau khi cất cánh – trước khi chuyển cảnh sang bên trong trung tâm phóng và các mô hình điện toán của hoạt động bay của tên lửa.

Phi thuyền không người lái này sẽ tiến hành nhiều thử nghiệm đa dạng trong khoảng thời gian sáu tháng nhằm chuẩn bị cho việc phóng như trông đợi vào năm 2013 của Hằng Nga 3, phi thuyền mà phía Trung Quốc hi vọng sẽ là phi thuyền không người lái đầu tiên của họ hạ cánh lên mặt trăng.

“Hằng Nga 2 đặt nền tảng cho sự hạ cánh mềm lên mặt trăng và khảo sát thêm không gian vũ trụ bên ngoài”, hãng Tân Hoa Xã chính thức trích dẫn phát biểu của nhà thiết kế chính của dự án tàu quỹ đạo mặt trăng của Trung Quốc, Wu Weiren. “Nó chuyển động nhanh hơn và gần mặt trăng hơn, và nó sẽ chụp được những hình ảnh rõ ràng”.

Con tàu đã đi vào quỹ đạo xuyên mặt trăng của nó một cách thành công. Sẽ mất 5 ngày cho Hằng Nga 2 đi tới quỹ đạo mặt trăng của nó.

Nó sẽ quay tròn xung quanh mặt trăng ở cự li 100 km, trước khi hạ xuống quỹ đạo cách bề mặt chị Hằng 15 km.

Trung tâm điều khiển tuyên bố vụ phóng đã thành công, sau khi các tấm pin mặt trời của phi thuyền đã mở ra và vệ tinh bắt đầu sử dụng năng lượng mặt trời là nguồn cấp điện.

Chương trình Hằng Nga, đặt tên theo vị thần mặt trăng của người Trung Quốc, được xem là một nỗ lực nhằm đưa chương trình thám hiểm vũ trụ của Trung Quốc sánh ngang với Mĩ và Nga.

Phi thuyền mặt trăng đầu tiên, phóng lên vào tháng 10 năm 2007, đã bay trong quỹ đạo trong 16 tháng.

Bắc Kinh hi vọng mang một mẫu đá mặt trăng về trái đất vào năm 2017, với một sứ mệnh có người lái đã được phác thảo đâu đó khoảng năm 2020.

Ngày phóng phi thuyền là ngày quốc khánh của Trung Quốc, ngày ghi dấu ấn lịch sử bởi tuyên ngôn của Mao Trạch Đông thiết lập chế độ Cộng hòa nhân dân vào năm 1949.

Niên biểu chương trình vũ trụ của Trung Quốc

1956: Trung Quốc, khi ấy còn là một xã hội nông nghiệp bần hàn, thành lập Viện nghiên cứu Tên lửa và Đạn đạo đầu tiên.

1960: Trung Quốc phát triển tên lửa đầu tiên của mình, do bởi các nhà khoa học Nga hỗ trợ, đánh dấu sự khởi đầu của một loạt tên lửa, tất cả đều mang tên CZ (Changzheng – Trường Chinh).

1970: Ngày 24 tháng 4, Trung Quốc trở thành nước thứ năm trên thế giới gửi một vệ tinh vào quỹ đạo, khi DFH-1 được phóng lên không gian trên một tên lửa Trường Chinh.

1992: Khi Trung Quốc đưa ra chuyến bay vũ trụ có người lái là mục tiêu trung đến dài hạn của mình, Quốc vụ viện đã phê chuẩn “dự án 921”, dự án bí mật như các dự án trước đó, và sau này được gọi là dự án Shenzhou.

1995: Chương trình vũ trụ của Trung Quốc chịu tổn thất khi một tên lửa CZ-2E phát nổ trong khi cất cánh ở Tứ Xuyên, làm 6 người thiệt mạng.

1999: Phi thuyền Shenzhou đầu tiên được phóng lên hôm 20 tháng 11 trên một tên lửa CZ-2F và quay trở về trái đất sau 14 vòng quỹ đạo. Nó mang theo vài kg mẫu sinh vật.

2002: Shenzhou III được phóng lên hôm 25 tháng 3, với sự chứng kiến của chủ tịch Giang Trạch Dân. Ngày 1 tháng 4, sau khi bay vòng quanh trái đất 108 vòng, phi thuyền đã quay trở về trái đất.

Ngày 29 tháng 12, Shenzhou IV được đưa vào quỹ đạo, và trở về trái đất hôm 4 tháng 1. Cũng trong tháng đó, Trung Quốc tuyên bố chương trình vũ trụ có người lái đầy tham vọng của mình.

2003: Ngày 15 tháng 10, Shenzhou V bay vào quỹ đạo, mang người Trung Quốc đầu tiên bay vào vũ trụ, Yang Liwei. Ông trở về sau 21 giờ và 14 vòng quay xung quanh trái đất.

2007: Trung Quốc phóng Hằng Nga 1, phi thuyền mặt trăng đầu tiên của mình, phi thuyền bay xung quanh mặt trăng và chụp những hình ảnh phân giải cao của bề mặt chị Hằng.

2008: Zhai Zhigang thực hiện thành công chuyến đi bộ vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc.

2010: Ngày 1 tháng 10, Trung Quốc phóng Hằng Nga 2, phi thuyền mặt trăng thứ hai của mình.

Nguồn: AFP, PhysOrg.com

Mời đọc thêm