Vật lí học và chiến tranh - Từ mũi tên đồng đến bom nguyên tử (Phần 48)

Hiệp Khách Quậy Chiếc máy bay có động cơ đầu tiên được anh Wright bay thử chỉ một thập niên trước khi Thế chiến I nổ ra, thế nhưng máy bay sớm giữ một vai trò trọng yếu. Lúc đầu máy bay chỉ được sử dụng để quan sát và do thám, và quả thật chúng... Xin mời đọc tiếp.

NHỮNG MÁY BAY CHIẾN ĐẤU ĐẦU TIÊN

Chiếc máy bay có động cơ đầu tiên được anh Wright bay thử chỉ một thập niên trước khi Thế chiến I nổ ra, thế nhưng máy bay sớm giữ một vai trò trọng yếu. Lúc đầu máy bay chỉ được sử dụng để quan sát và do thám, và quả thật chúng đã có thể cung cấp một cái nhìn mới quan trọng về chiến trường. Tại Trận Mons ở miền nam nước Bỉ vào ngày 23 tháng Tám, 1914, quân Anh đổ đến giải cứu quân Pháp khi quân Đức tấn công họ. Ngay trước khi đụng độ, người Anh đã gửi một máy bay quan sát để xem chuyện gì đang diễn ra và phát hiện thấy, trước sự bất ngờ của họ, quân Đức đang cố bao vây họ. Bộ chỉ huy cao cấp Anh lập tức ra lệnh rút lui, nhờ đó cứu họ thoát khỏi thảm họa. Một lát sau đó, một máy bay quan sát của Pháp để ý thấy người Đức sơ hở hai bên sườn, thế là quân Pháp tấn công, chặn đứng một cuộc tiến công về Paris. Giá trị của máy bay quan sát đã sớm rõ.5

Tuy nhiên, chẳng mấy chóc thì các máy bay quan sát ở các phe đối địch bắt đầu chạm trán nhau. Lúc đầu chúng chỉ nả vào nhau bằng súng lục và súng trường, dù rằng có lúc chúng còn cố ném đá vào cánh quạt của nhau. Một trong những phi công đầu tiên làm leo thang không chiến là Roland Garros nước Pháp. Mặc dù phần lớn máy bay lúc đầu dùng trong chiến tranh là “máy đẩy”, giống như tàu bay của anh em Wright, với cánh quạt phía sau phi công, nhưng người ta sớm thấy rằng thiết kế “máy kéo”, với cánh quạt ở phía trước, hoạt động hiệu quả hơn nhiều. Tuy nhiên, vấn đề với thiết kế này là nếu gắn súng máy sao cho phi công có thể dễ dàng ngắm bắn chúng, thì chúng sẽ phải bắn xuyên qua các cánh xoáy tít của cánh quạt, và việc này sẽ nhanh chóng làm hỏng các cánh quạt. Garros quyết định bảo vệ các cánh bằng cách gắn thêm các bộ lệch bằng thép cho chúng.

Vào đầu tháng Tư 1915, ông đã thử nghiệm phát minh mới của mình lần đầu tiên. Những kẻ nhận lãnh các công kích của ông rõ ràng đã rất bất ngờ khi họ chứng kiến máy bay của Garros bay thẳng vào họ, nhả một loạt đạn. Garros bắn hạ bốn máy bay Đức bằng dụng cụ mới của ông, nhưng vào ngày 18 tháng Tư ông bị hạ phía sau tiền tuyến Đức. Máy bay của ông bị chiếm, và bộ chỉ huy cao cấp phía Đức triệu tập Anthony Fokker của hãng máy bay Fokker và ra lệnh cho ông ta sao chép dụng cụ đó. Tuy nhiên, Fokker thấy nó có một sơ hở nghiêm trọng: nhiều viên đạn đập trúng cánh quạt bị lệch hướng, và một số đạn bị lệch ngược ra sau. Do đó, Fokker và đội của ông bắt đầu nghiên cứu một hệ thống trong đó súng máy được đồng bộ với cánh quạt quay. Họ gắn một cam trên trục quay của máy bay; khi cánh quạt ở vào vị trí có thể bị đạn bắn trúng, cam sẽ đội một que đẩy làm súng ngừng nhả đạn. Dụng cụ mới được bố trí trên các máy bay Đức, và trong nhiều tháng người Đức đã có ưu thế rất lớn trên không.6

Trong khi đó, người Anh cũng đang làm thí nghiệm với việc gắn súng máy lên máy bay. Viên phi công Louis Strange đã gắn một súng máy lên nóc cánh trên máy bay của ông để đạn né được cánh quạt. Tuy nhiên, vào ngày 10 tháng Năm, 1915, súng của ông bị kẹt. Ông đứng lên tại chỗ muốn gỡ kẹt, nhưng khi ông làm thế chiếc máy bay bất ngờ tròng trành và bị lật, rồi nó bắt đầu quay mòng mòng xuống dưới. Strange bị hất khỏi máy bay, nhưng ông tranh thủ nắm được khẩu súng ở cánh trên. Trong chốc lát, hai chân ông quờ quạng tứ tung, cố leo trở lại buồng lái. May thay, ông đã thành công và có thể kéo máy bay cất lên ngay trước khi nó đâm xuống đất.

Tuy nhiên, với thiết kế Fokker mới, người Đức nhanh chóng chiếm ưu thế trên không. Lạ thay, phần lớn súng mới của họ được gắn trên chiếc Eindecker G, một máy bay nói chung thua kém hơn đa số máy bay Anh. Tuy nhiên, thương vong không nhiều như về cuối cuộc chiến, vì các phi công Anh luôn né tránh Eindecker. Tuy nhiên, nhuệ khí của quân Anh bị lung lay, và họ hối hả sản xuất các chiến cơ có thể đối đầu với Eindecker.

Kỉ nguyên không chiến đã ra đời. Không chiến là một trận chiến trên không giữa hai hoặc nhiều máy bay. Phía Đức có lợi thế khi những trận không chiến đầu tiên diễn ra. Bởi thế, họ bắt đầu hạ các máy bay Anh ở tỉ lệ chừng năm chiếc bên Anh ứng với một chiếc bên Đức. Các phi công Đức xuất sắc như Max Immelmann và Oswald Boelcke trở thành anh hùng tại quê nhà do số lượng lớn máy bay Anh bị họ hạ. Ở giữa chúng họ bắn hạ gần sáu mươi máy bay địch trước khi bị chặn lại. Cuối cùng, vào mùa thu năm 1915, người Anh tung ra hai chiến cơ mới, FE 26 và DH2, chúng là đối thủ đáng gờm đối với máy bay Đức, và họ còn phát triển đạn dược đánh dấu. Với nó, phi công có thể nhìn thấy làn đạn và điều chỉnh nó nếu cần thiết.

Phi công có đủ tám kĩ năng được gọi là quân át chủ bài.7 Ban đầu, đa số phi công xung trận một mình, tìm kiếm máy bay địch, nhưng sau năm 1917 các đội bay đã ra đời ở cả hai phe. Người Anh phát triển các đội bay gồm sáu máy bay thường bay theo đội hình chữ V với sĩ quan chỉ huy ở phía trước. Tuy nhiên, lúc lâm trận, chúng sẽ tách ra thành cặp, với một chiếc chủ yếu tấn công còn chiếc kia thì phòng thủ. Các đội hình bay của người Đức thường lớn hơn, và các nhóm bay của họ cuối cùng được gọi là gánh xiếc.

Một trong những quân át chủ bài hàng đầu phe Anh là Mick Mannock. Ông là nhà phát triển hàng đầu của chiến thuật không quân Anh, và từ tháng Năm 1917 đến tháng Bảy 1918, ông đã bắn hạ bảy mươi ba máy bay Đức. Hầu hết các phi công đều dưới tuổi hai mươi lăm, với nhiều người trẻ có mười tám. Thật vậy, có nhiều người được đưa ra tham chiến sau vỏn vẹn có ba mươi giờ huấn luyện bay. Vì thế, một khi đã gia nhập không quân thì cuộc đời của họ chẳng còn lại bao lâu.

Các chiến thuật không chiến đã được biết rõ, và ai cũng dùng chúng càng nhiều càng tốt. Chiến thuật chủ yếu là từ phía trên chao xuống về phía máy bay khác khi Mặt Trời đang chiếu vào mắt của phi công đang đối đầu. Cả hai phe còn sử dụng các đám mây để ẩn náu càng nhiều càng tốt; họ sẽ tấn công, rồi lao vào các đám mây.

Quân át chủ bài nổi tiếng nhất cuộc chiến, chẳng nghi ngờ gì nữa, chính là người Đức Manfred von Richthofen, còn gọi là Nam tước Đỏ. Ông được tôn vinh với tám mươi trận đánh thắng trong sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, giống như đa số quân át chủ bài, nhiều người trong số họ đối đầu với những phi công lính mới chỉ có vài giờ kinh nghiệm. Tuy nhiên, ông đã thật sự bắn hạ một trong các quân át chủ bài hàng đầu bên Anh, Thiếu tá Lance Hayden. Trong năm 1917, ông là chỉ huy của đội bay Đức gọi là Gánh Xiếc Bay. Chiếc máy bay ông lái được sơn màu đỏ, cả bên trong lẫn bên ngoài. Sự nghiệp của ông đi đến hồi kết vào ngày 21 tháng Tư, 1918, khi ông bị bắn hạ bởi hỏa lực mặt đất ở gần Sông Somme.

Ở phe Đồng Minh, Giám mục Billy là một trong những quân át chủ bài danh giá nhất; là người Canada, ông được tôn vinh với bảy mươi hai chiến thắng, và ông là người đã xây dựng chương trình huấn luyện không quân của nước Anh. Có lần ông đương đầu với Nam tước Đỏ, nhưng chẳng bên nào giành chiến thắng. Ông được tặng Huân chương Chữ thập Victoria vào năm 1917. Quân át chủ bài người Mĩ nổi tiếng nhất là Eddie Rickenbacker. Trước khi làm phi công ông từng là tay lái xe đua, thành ra việc lái một chiến cơ là bước tiếp theo tự nhiên đối với ông. Khi nước Mĩ tham chiến vào năm 1917, Rickenbacker tòng quân ngay lập tức và sớm bay trên bầu trời nước Đức. Vào ngày 24 tháng Chín, 1918, ông là sĩ quan chỉ huy tên tuổi của một đội bay. Tổng cộng ông đã bắn hạ hai mươi sáu máy bay Đức. Một nhân vật người Mĩ tên tuổi khác là Billy Mitchell; đến cuối Thế chiến I ông từng chỉ huy toàn bộ các đơn vị tác chiến không quân Mĩ.

Mặc dù các chiến cơ thu hút nhiều chú ý nhất trong Thế chiến I, nhưng một máy bay lớn hơn nhiều cũng giữ vai trò quan trọng. Nó được phát triển để chuyên chở và thả bom trên lãnh thổ quân địch. Việc ném bom chiến lược được sử dụng khá rộng rãi trong cuộc chiến. Mục tiêu của nó là phá hủy các nhà xưởng, nhà máy điện, xưởng tàu thuyền, những nơi lắp đặt súng quy mô lớn, và các tuyến tiếp tế quân đội. Những sứ mệnh ném bom đầu tiên là của người Đức, họ tiến hành những đột kích kinh hoàng bằng Zeppelin lớn (khí cầu khổng lồ) ném bom những ngôi làng nhỏ và dân cư là một cách phá tan nhuệ khí quân địch. Đã có tổng cộng hai mươi ba đợt đột kích này trên nước Anh, và lúc đầu phía Anh chẳng có mấy phòng thủ. Nhưng khá nhanh sau đó, người ta thấy rõ rằng chúng là những mục tiêu đơn giản, vì phần lớn chúng bơm đầy chất khí hydrogen dễ cháy và do đó dễ bị bắn hạ. Vì thế, chiến thuật đột kích bằng khí cầu cuối cùng phải dừng lại, song người Đức sớm phát triển máy bay ném bom. Người Anh cũng phát triển máy bay ném bom Handley Page vào năm 1916, và vào tháng Mười Một năm đó họ đã ném bom một vài đồn bốt và căn cứ tàu ngầm của Đức. Vào năm 1918, họ sử dụng các máy bay ném bom bốn động cơ để tấn công các vùng công nghiệp, với một số quả bom cân nặng đến 1.650 pound. Họ phát triển một đội bay có thể thâm nhập sâu vào Đức và đi tới những mục tiêu công nghiệp quan trọng. Người Đức trả đũa, ném bom các thành phố ở Anh lẫn Pháp, nhưng đến cuối cùng thì người Anh đã thả tổng cộng 660 tấn bom lên Đức – nhiều gấp đôi lượng bom Đức thả lên Anh.

CHIẾN TRANH TRÊN BIỂN VÀ HIỂM HỌA DƯỚI MẶT NƯỚC

Khi chiến tranh bùng nổ, người Anh lập tức lập tuyến phong tỏa nhằm chặn nguồn vật tư và cung ứng đi tới Đức. Và nó hoạt động khá tốt, nhất là vào các giai đoạn sau của cuộc chiến. Hải quân Anh được giao nhiệm vụ bao vây phong tỏa; xét cho cùng thì nó là hải quân hùng mạnh nhất trên thế giới, và trong nhiều năm trời nó từng là kiểu mẫu cho các quốc gia khác. Hơn nữa, lúc nổ ra cuộc chiến thì tàu chiến và tàu tuần dương của Anh dễ dàng áp đảo về số lượng so với của Đức: hai mươi mốt tàu chiến lớn và chín tàu tuần dương so với mười ba tàu chiến và bảy tàu tuần dương của Đức. Nước Đức chẳng đoái hoài đến chuyện đụng độ hải quân Anh trực diện trên biển, cho nên nói chung họ giữ một đội hình yếu. Tuy nhiên, cả hai phe đều kì vọng vào xung đột lớn, nhưng một sự tình cờ xảy ra khi lấy đã đem lại một số chỉ dấu cho cái sắp xảy ra.

Hải quân Anh bẫy được tàu tuần dương Đức SMS Goeben và một tàu tuần dương nhỏ ở Địa Trung Hải. Các sĩ quan Anh biết rằng tàu này có khả năng đi qua gần Gibralta, và họ mai phục sẵn với súng lăm lăm trong tay. Mặc dù Goeben có súng lớn hơn và tốc độ nhanh hơn tàu Anh, song chính vì số lượng áp đảo, nên Goeben trông như một con mồi. Trước sự bất ngờ của người Anh, nó cầm chân họ tại vịnh với tầm bắn ưu việt, và nó có thể chạy lòng vòng phe Anh mà không sao cả. Thật vậy, trên đường thoát ra ngoài nó đã hạ luôn hai tàu Anh. Người Anh choáng váng, và điều sớm trở nên rõ ràng họ không còn là những ông vua của biển nữa. Cả trăm năm trời họ chưa đánh một trận nào và rõ ràng họ chưa chuẩn bị tốt cho chiến tranh.

Vì thế chẳng có trận đánh lớn nào trên biển giữa tàu chiến Đức và Anh, nhưng trong vài năm sau đó đã có những trục trặc cho hải quân Anh. Vào năm 1914, người Đức đã có những tàu ngầm tốt nhất thế giới, và mặc dù lúc đầu người Anh không xem nặng vấn đề đó, song chúng là kẻ thù đáng gờm. Thật vậy, chúng trở thành cai gai thật sự về mặt hải quân, và các nhà lãnh đạo Anh không biết phải làm gì với chúng. Hơn nữa, người ta sớm nhận thấy rõ rằng hầu như chẳng có thứ gì chống lại tàu ngầm cả. Vào ngày 22 tháng Chín, 1914, ba tàu tuần dương lớn có vũ trang của người Anh bị tàu ngầm U-9 của Đức đánh chìm trong vòng chưa tới một giờ đồng hồ. Một nghìn bốn trăm quân chôn thây xuống biển, đó là thảm họa tệ nhất đối với hải quân Anh trong vòng ba trăm năm.

Số lượng lớn tàu ngầm U của Đức lúc này có mặt ở Biển Bắc, nhưng chúng vẫn không gây đe dọa nghiêm trọng lắm. Nói chung, các tàu ngầm phát đi cảnh báo mục tiêu của chúng rằng chúng sắp bị đánh chìm, vì thế sự tổn thất sinh mạng là tương đối thấp. Nhưng vào tháng Mười Một 1914, viên thủ lĩnh các hoạt động hải quân Đức quyết định dẹp bỏ chuyện cảnh báo, và vào tháng Hai 1915, toàn bộ vùng nước xung quanh Vương quốc Anh và Ireland được tuyên bố là vùng chiến sự. Điều này có nghĩa là toàn bộ tàu buôn, kể cả tàu trung lập, sẽ bị đánh chìm mà không hề cảnh báo trước, và trong bốn tháng sau đó người Đức đã đánh chìm ba mươi chín tàu Anh. Đây là vấn đề nghiêm trọng với nước Anh, và họ sớm bắt đầu tìm kiếm các phương tiện phòng thủ tốt hơn. Rồi đến lượt tàu khách xa hoa Lusitania bị đánh chìm, và người Anh biết họ làm gì đó thật nhanh.8

Vào ngày 1 tháng Năm, 1915, Lusitania bắt đầu chuyến đi xuyên Đại Tây Dương lần thứ 202 của nó. Nó rời cảng New York và tiến về Liverpool, nước Anh, với 1.257 hành khách và một thủy thủ đoàn 702 người. Họ sẽ không bao giờ về tới đích đến, và phần lớn đều bỏ mạng. Chờ sẵn dưới nước gần Ireland là tàu ngầm U-20 của Đức. Vào ngày 7 tháng Năm, khi Lusitania tiến tới bờ biển Ireland, thuyền trưởng U-20 phát hiện nó đang tiến về phía ông ta, và khi tiến đến nó xoay ba mươi độ, biến nó thành một mục tiêu dễ ăn. Trong vòng vài giây, một ngư lôi tiến đến con tàu. Một vài người trên tàu Lusitania nhìn thấy các bọt bóng trong nước khi ngư lôi tiến đến, và một số người thét lên, “có ngư lôi bên mạn tàu”. Sau đó là một vụ nổ lớn, rồi một vụ nổ nghẹt thứ hai từ phía đáy tàu. Gần như tức thì con tàu lật nghiêng hai mươi lăm độ, khiến người ta khó thả ra tàu cứu hộ. Một nghìn một trăm chín mươi tám người bỏ mạng – số người chết ngang với vụ chìm tàu Titanic.9

Nước Mĩ đặc biệt cáu tiết vì có 128 người thiệt mạng là công dân Mĩ. Tổng thống Woodrow Wilson gửi một kháng nghị mạnh mẽ cho phía Đức, đe dọa cắt đứt mọi quan hệ nếu phía Đức không dừng ngay việc tấn công vào tàu thuyền trung lập, và tất nhiên người Anh bị xúc phạm. Các nước khác lên án, và trước sự bất ngờ lớn của nước Anh, người Đức hủy hết mọi hoạt động tàu ngầm U, và trong gần một năm rưỡi chẳng có tàu Anh nào bị đánh chìm. Điều này giúp người Anh có thời gian phát triển các vũ khí hiệu nghiệm chống tàu ngầm. Vào tháng Bảy 1917, họ đã phát triển ống nghe dưới nước cho phép họ thu được tiếng động chân vịt của tàu ngầm ở dưới mặt nước. Sau đó họ chế tạo bom chìm, đó là các thùng dầu chứa thuốc nổ TNT sẽ phát nổ ở những độ sâu nhất định. Ngoài ra, họ còn phát triển một dụng cụ ném vô số bom chìm từ boong tàu.

Do đó, người Anh đã sẵn sàng khi nước Đức hồi sinh vũ khí tàu ngầm vào tháng Giêng 1917. Chưa tới ba tháng sau đó, nước Mĩ đã tham chiến, và lúc ấy thêm một kĩ thuật khác được phát triển để bảo vệ tàu thuyền trước tàu ngầm: sử dụng các đoàn tàu hộ tống. Một chiếc tàu ngầm sẽ may mắn nếu nó có thể đánh chìm một con tàu của đội tàu, và khi nó cố làm thế, nó chịu sự nguy hiểm liên tiếp từ bom chìm. Ngoài ra, số lượng lớn thủy lôi được đặt sâu đến sáu trăm foot dưới Biển Bắc và trong vùng biển giữa Scotland và Na Uy. Các tàu ngầm U sớm trở nên vô dụng hoàn toàn.

Vật lí học và chiến tranh
Barry Parker - Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm