Vật lí học và chiến tranh - Từ mũi tên đồng đến bom nguyên tử (Phần 16)

Hiệp Khách Quậy Đại bác được người Anh sử dụng lần đầu tiên trong Cuộc chiến Trăm năm, bắt đầu vào năm 1337 và kết thúc vào năm 1453. Đó là một cuộc chiến dai dẳng lúc thắng lúc thua giữa người Pháp và người Anh. Đa số mọi người nhớ vì chiến... Xin mời đọc tiếp.

CUỘC CHIẾN TRĂM NĂM

Đại bác được người Anh sử dụng lần đầu tiên trong Cuộc chiến Trăm năm, bắt đầu vào năm 1337 và kết thúc vào năm 1453. Đó là một cuộc chiến dai dẳng lúc thắng lúc thua giữa người Pháp và người Anh. Đa số mọi người nhớ vì chiến thắng quan trọng của người Pháp đối với người Anh khi người Pháp được lãnh đạo bởi Jeanne d'Arc, một cô gái nhà quê mười bảy tuổi, cô bị thiêu trên giàn hỏa khi mới mười chín tuổi.

Đại bác ít khi được sử dụng trong những năm đầu cuộc chiến. Ở giai đoạn này, chúng vẫn còn kém so với các máy vây thành; chúng không thể chọc thủng tường thành, và chúng có nhiều trục trặc. Tuy nhiên, vào trận chiến cuối tại Castile ở Đức năm 1453, đại bác đã được cải tiến đáng kể, và chúng tỏ ra khá hiệu quả. Ba trăm khẩu đại bác đã được sử dụng trong trận chiến này.

BASILICA VÀ TRẬN VÂY THÀNH CONSTANTINOPLE

Đại bác cũng giữ một vai trò thiết yếu trong một trong những trận chiến quan trọng nhất của thời kì này – trận chiến dẫn tới sự sụp đổ của Constantinople vào năm 1453. Trong nhiều năm đã xảy ra căng thẳng giữa người Turk Ottoman và Đế quốc Byzantine. Sau đó, vào năm 1451, Sultan Mehmed II lên ngôi. Nhiều người cho rằng ông còn quá non trẻ, vì thế ông sớm chứng minh cho họ thấy là họ sai. Trong vòng hai năm ông đã có lực lượng quân hùng hậu và chuẩn bị tấn công thành trì Cơ đốc giáo tại Constantinople, một thành phố được bảo vệ bởi một bức tường khổng lồ dài mười lăm dặm được mệnh danh là không thể chọc thủng.8

Nhưng Mehmed hạ quyết tâm. Dưới sự chỉ huy của ông, một trong những khẩu đại bác lớn nhất cho đến khi ấy đã được chế tạo, gọi là Basilica. Nó được thiết kế và chế tạo bởi một kĩ sư người Hungary tên là Urban. Người ta không biết gì nhiều về ông, nhưng có một điều chắc chắn là ông biết rất nhiều về đại bác. Ban đầu, Urban đến diện kiến Constantine XI xứ Constantinople, nhưng ông bị từ chối (các ghi chép cho biết vì ông ra giá quá cao), vì vậy ông chuyển sang Mehmed và người Ottoman, và họ chấp thuận mức giá của ông.

Nòng đại bác Basilica

Nòng đại bác Basilica

Basilica có nòng dài hai mươi bảy feet, dài hơn bất kì khẩu đại bác nào khi ấy, và được biết nó có khả năng bắn một đạn đá sáu trăm cân đi xa hơn một dặm. Nó khá cồng kềnh, thật vậy, người ta mất ba giờ để nạp đạn cho nó sau mỗi lần bắn. Nhưng nó là một trong những khẩu đại bác đầu tiên có đủ hỏa lực để chọc thủng tường thành. Và nó chẳng phải khẩu đại bác duy nhất mà người Ottoman có. Khi quân lính của họ xếp thành hàng ngoài thành Constantinople, họ có sáu mươi tám khẩu đại bác ngắm vào tường thành. Đa số đều nhỏ hơn nhiều so với Basilica, nhưng do số lượng nhiều nên chúng có thể giáng đòn tổn thất nặng nề.

Người Turk dùng đại bác bắn phá thành Constantinople trong năm mươi ngày. Và thật vậy, dưới sự bắn phá ác liệt, tường thành bắt đầu đổ nát khắp nơi. Đại bác phát huy tác dụng, nhưng binh lính trong thành liên tục sửa chữa tường thành với tốc độ nhanh như tốc độ chúng bị chọc thủng.

Trong thành có bảy nghìn lính phòng thủ, còn bên ngoài Mehmed có một trăm nghìn đến một trăm năm mươi nghìn quân sẵn sàng tấn công một khi tường thành sụp đổ, vì thế lợi thế nghiêng hẳn về phía ông. Nhưng Mehmed và lính của ông vẫn phải phá thành. Sau năm mươi ngày bắn phá, Mehmed bắt đầu hết kiên nhẫn. Ông gửi một toán lính đánh thử xem có thể chọc thủng chỗ yếu nhất của tường thành hay không. Tuy nhiên, quân Cơ đốc đánh lùi họ, và nhiều lính của ông thiệt mạng.

Vẫn quyết tâm, Mehmed gửi một toán lính nữa mở đợt tấn công bài bản hơn nhiều. Họ thật sự đánh tràn vào trong thành, nhưng một lần nữa quân Cơ đốc chực chờ sẵn, và, sau một trận chiến ác liệt, quân sống sót của Mehmed buộc phải lui binh.

Cuối cùng, vào khoảng nửa đêm ngày 29 tháng 5, Mehmed ra lệnh tổng tiến công. Trong các chủng binh lính của ông, ông đặc biệt thích lực lượng vệ binh đã qua huấn luyện khắt khe. Họ sử dụng mọi thứ có trong tay khi họ tấn công, nhưng dường như một lần nữa họ có thể bị đánh bại. Nhưng rồi may mắn đã xảy đến: ai đó để ý thấy một trong các cánh cổng người ta quên khóa. Một số lính lập tức lẻn vào và mở khóa các cổng khác. Lính của Mehmed nhanh chóng tràn vào thành. Mehmed còn có một vài tàu thuyền neo đậu ở hải cảng cùng với số binh lính nhiều hơn nữa. Khi họ nghe tin, họ cũng gia nhập đoàn tiến công, và trận chiến sớm kết thúc. Sau năm mươi ngày dài đăng đẳng, vất vả,  Constantinople thất thủ. Mehmed tuyên bố thành phố theo đạo Hồi và đặt tên lại cho nó là Istanbul. Trong vài năm sau đó, ông đã cho xây dựng vô số đền đài, nhà thờ Hồi giáo, và điện thờ trong khắp thành phố.

Vật lí học và chiến tranh
Barry Parker - Trần Nghiêm dịch
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm