Cẩm nang thám hiểm vũ trụ (Phần 22)

Hiệp Khách Quậy Như tôi đã đề cập lúc mở đầu chương này, có nhiều vệ tinh xung quanh các hành tinh trong Hệ Mặt Trời của chúng ta. Một vài trong số chúng quả là cuốn hút. Các nhà văn khoa học viễn tưởng đã phác họa các vệ tinh là đích đến hấp dẫn... Xin mời đọc tiếp.

CÁC VỆ TINH ĐÁ

Như tôi đã đề cập lúc mở đầu chương này, có nhiều vệ tinh xung quanh các hành tinh trong Hệ Mặt Trời của chúng ta. Một vài trong số chúng quả là cuốn hút. Các nhà văn khoa học viễn tưởng đã phác họa các vệ tinh là đích đến hấp dẫn trong một thời gian dài rồi – hãy nghĩ tới Endor trong Trở lại Jedi hay Pandora trong Avatar. Mặc dù chẳng có vệ tinh nào có chứa Ewoks hay Na’vi, nhưng các vệ tinh trong Hệ Mặt Trời của chúng ta có những lí do khoa học thuyết phục để thám hiểm chúng. Ở đây chúng tôi chỉ mô tả một vài trong số các vệ tinh yêu thích của chúng ta.

EUROPA

Bề mặt vệ tinh Europa của Mộc tinh là một lớp vỏ băng dày khoảng mười hai dặm. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng rằng bên dưới Europa băng giá có một lõi sắt, một lớp bao đá, và một đại dương nước mặn dày chừng 60 dặm (100 km). Lực hút hấp dẫn của Mộc tinh lên Europa làm dâng và hạ biển bên dưới lớp băng, gây ra thủy triều cực mạnh. Đến lượt thủy triều này giữ cho bề mặt băng của Europa chuyển động, và có lẽ chúng là nguyên nhân của các vết nứt và đường sọc nhìn thấy trong ảnh chụp của vệ tinh này. Chính lực hút hấp dẫn ảnh hưởng đến thủy triều đại dương cũng được cho là làm nóng lõi của Europa, giữ cho nước khỏi bị đóng băng hoàn toàn và chi phối hoạt động địa chấn. Vừa có nước lỏng và có nguồn năng lượng ổn định, nhiều nhà sinh vật học vũ trụ và nhà khoa học khác nghĩ Europa có thể là một quê hương cho sự sống ngoài địa cầu.

EUROPA

Ảnh này cho thấy một cận cảnh của vệ tinh băng giá Europa của Mộc tinh, với kích cỡ chừng bằng Mặt Trăng của Trái Đất. Những vùng màu nâu sậm trong ảnh được cho là vật liệu mặn trồi lên do hoạt động địa chấn trên Europa. Những đường sọc dài, màu tối là các vết nứt trong lớp vỏ của nó.

IO

Kích cỡ chừng bằng Mặt Trăng của Trái Đất, vệ tinh Io của Mộc tinh là vật thể hoạt động núi lửa mạnh nhất trong Hệ Mặt Trời. Các núi lửa trên Io phun ra những khối đồ sộ gồm dung nham silicate, lưu huỳnh, và lưu huỳnh dioxide lên cao hàng trăm dặm hoặc hàng trăm km khỏi mặt đất, liên tục làm thay đổi diện mạo của Io. Các hỗn hợp khí ấy cũng đồng nghĩa là Io rất hôi thối – có lẽ vào cỡ trứng thối, mặc dù giả như chúng ta cố gắng tìm hiểu bằng cách hít vào không khí độc hại ấy, thì chúng ta sẽ không còn sống mà kể lại câu chuyện. Mặc dù các núi lửa này phun trào các chất khí khác với các núi lửa trên Trái Đất, nhưng một số núi lửa của Io cũng được biết là có phun trào dung nham. Có lẽ Io chẳng phải là thế giới thích hợp nhất cho sự sống trong Hệ Mặt Trời, nhưng có lẽ nó sẽ là giấc mơ của nhà địa chất học hay nhà núi lửa học nếu như họ được đào xới ở đây.

Io

Io là một trong những vệ tinh lớn nhất của Mộc tinh và có thể là cuốn hút nhất. Nó nổi tiếng với các núi lửa hoạt động mạnh và mùi “trứng thối” do lưu huỳnh và lưu huỳnh dioxide bị núi lửa phun lên.

TITAN

Mãi cho đến thời gian rất gần đây, vệ tinh Titan của Thổ tinh chỉ hiện ra trước chúng ta là một quả cầu mờ mịt màu cam chẳng có gì thú vị lắm. Sứ mệnh Cassini của NASA đã làm thay đổi toàn bộ chuyện đó. Vào năm 2005, NASA phóng một phi thuyền lên thăm dò bề mặt Titan để có cái nhìn phớt qua về cái nằm bên dưới. Khi nó lao xuống vệ tinh này, tàu thăm dò Huygens (mang tên nhà thiên văn nổi tiếng người Hà Lan thế kỉ mười bảy) đã phản hồi dữ liệu về Trái Đất về khí quyển và thời tiết mà nó gặp phải. Nó làm lộ ra một thế giới trông y hệt như hành tinh quê nhà của chúng ta, với các đặc điểm bề mặt như các lòng sông, các sa mạc mênh mông phủ đầy những đụn cát, và có cả những cái hồ. Tuy nhiên, các hồ này không chứa nước, mà chứa các hydrocarbon lỏng, y hệt nhiên liệu chúng ta bơm vào xe để chạy. Mặc dù chất liệu này gây chết chóc đối với chúng ta, nhưng có thể nó không gây hại cho những dạng sống khác có khả năng đã tiến hóa ở đấy. Việc khám phá các hồ chất độc (đối với con người) này quả thật hào hứng bởi lẽ đây là lần đầu tiên những khối chất lỏng mở được tìm thấy ở đâu đó khác ngoài Trái Đất ra.

Titan

Titan là vệ tinh lớn nhất trong số năm mươi ba vệ tinh đã biết đang quay xung quanh Thổ tinh. Mặc dù nó ở xa Mặt Trời, nhưng có khả năng Titan là một trong những thế giới giống Trái Đất nhất mà chúng ta từng tìm thấy. Với bầu khí quyển dày đặc và hoá học phức tạp, giàu carbon, Titan giống một phiên bản băng giá của Trái Đất hồi vài tỉ năm trước, trước khi sự sống bắt đầu bơm oxygen vào khí quyển của chúng ta.

CÁC ĐIỂM LƯU Ý

TRÁI ĐẤT THUỘC VỀ MỘT NGÔI LÀNG VŨ TRỤ QUYẾN RŨ GỌI LÀ HỆ MẶT TRỜI.

MỘT SỐ ĐIỂM HÚT KHÁCH ÍT ĐƯỢC BIẾT TỚI NHƯNG VẪN QUYẾN RŨ CỦA HỆ MẶT TRỜI CÓ THỂ TÌM THẤY TRÊN CÁC VỆ TINH CỦA MỘC TINH VÀ THỔ TINH.

CHÚNG TA VẪN SAY MÊ PLUTO, DÙ RẰNG NÓ KHÔNG CÒN ĐƯỢC XEM LÀ MỘT HÀNH TINH “THẬT SỰ’ NỮA.

CẨM NANG THÁM HIỂM VŨ TRỤ
Kimberly Arcand và Megan Watzke
Trần Nghiêm dịch
Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm