Cẩm nang thám hiểm vũ trụ (Phần 19)

Hiệp Khách Quậy Thuật ngữ “vành đai tiểu hành tinh” có thể gợi lên một khung cảnh từ Star Wars, đó là một nơi tốt để ẩn trốn bọn xấu, hoặc, đối với dân mê game, đó là một video game hồi thập niên 1980. Dù liên tưởng tới cái gì, thì chúng ta vẫn... Xin mời đọc tiếp.

VÀNH ĐAI TIỂU HÀNH TINH

Thuật ngữ “vành đai tiểu hành tinh” có thể gợi lên một khung cảnh từ Star Wars, đó là một nơi tốt để ẩn trốn bọn xấu, hoặc, đối với dân mê game, đó là một video game hồi thập niên 1980. Dù liên tưởng tới cái gì, thì chúng ta vẫn có một vành đai tiểu hành tinh chính hãng trong Hệ Mặt Trời của mình.

Vành đai tiểu hành tinh chính được tìm thấy giữa Hỏa tinh và Mộc tinh. Khoảng một nửa khối lượng trong vành đai tiểu hành tinh là từ bốn tiểu hành tinh lớn, mỗi tiểu hành tinh rộng hơn 200 dặm (322 km). Phần còn lại gồm những khối đá nhỏ hơn thuộc đủ mọi kích cỡ. Sự tồn tại của vành đai tiểu hành tinh có từ lúc hình thành Hệ Mặt Trời. Có lẽ một hành tinh đã cố gắng hình thành trong vùng này, nhưng lực hấp dẫn cò ke giữa Hỏa tinh và Mộc tinh đã ngăn nó hình thành. Thay vậy, khu vực này trở thành một kiểu bãi tha ma hành tinh đá. Vì nó chứa vật liệu từ khi Hệ Mặt Trời còn rất trẻ, nên các nhà khoa học hăm hở nghiên cứu các tiểu hành tinh này, chúng là tàn tích quan trọng của lịch sử vũ trụ của chúng ta. Các kế hoạch đã được xây dựng nhằm đưa các tàu thăm dò (và một ngày nào đó, có lẽ, cả con người) đến thám hiểm các tiểu hành tinh này tìm kiếm các khoáng chất và các tài nguyên quan trọng khác.

VÀNH ĐAI TIỂU HÀNH TINH

Hình minh họa này cho thấy một vành đai hẹp tiểu hành tinh chứa đầy đá và các mảnh bụi quay xung quanh một ngôi sao giống Mặt Trời của chúng ta.

CÁC HÀNH TINH NHÓM NGOÀI: CÁC QUẢ CẦU KHÍ KHỔNG LỒ, CÁC QUẢ CẦU BĂNG KHỔNG LỒ

MỘC TINH

Đích đến tiếp theo trên hành trình của chúng ta đi ra xa Mặt Trời là Mộc tinh, hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời của chúng ta. Mộc tinh đồ sộ đến mức nó có khối lượng gấp hơn hai lần tổng khối lượng của các hành tinh khác cộng lại.

Thật khó cho cư dân Trái Đất chúng ta đánh giá Mộc tinh lớn đến mức nào. Phần đông chúng ta có sự đánh giá về cấp độ của vạn vật khi chúng ta có thứ gì đó trong kinh nghiệm của mình để tham chiếu. Chẳng hạn, dãy Rocky trông đồ sộ khi so sánh với dãy Appalachian, nhưng vẫn là nhỏ nếu bạn đến Himalaya.

Giữ cảm giác về cấp độ trong Vũ trụ thật khó bởi lẽ chúng ta nhanh chóng đánh mất hệ quy chiếu của mình. Chúng ta có thể có một cảm giác nào đó về kích cỡ Trái Đất vì chúng ta đã nghiên cứu các bản đồ hay từng ngồi trên máy bay lướt qua những vùng đất của nó rồi. Có lẽ bạn cũng có thể sử dụng thông tin như thế để có cảm giác Mộc tinh to dường nào: hơn một trăm Trái Đất có thể lắp vừa vào bên trong Mộc tinh. Nếu bạn có các viên bi, thì hãy thử chèn một trăm viên vào một chén thủy tinh. Bạn sẽ thấy mình cần một cái chén đúng to. Tóm lại, Mộc tinh là một hành tinh bự, rất bự.

MỘC TINH

Minh họa này cho thấy kích cỡ tương đối của Trái Đất so với các hành tinh khí khổng lồ: Hải Vương tinh, Thiên Vương tinh, Thổ tinh, và Mộc tinh.

Mộc tinh khác nhiều với bất kì hành tinh nào mà chúng ta đã nói ở phần trước, không phải chỉ ở kích cỡ của nó mà còn bởi thành phần của nó. Không giống Trái Đất, vốn chủ yếu ở dạng rắn (lớp vỏ đá, lớp giữa lỏng, và lõi sắt), Mộc tinh hầu như hoàn toàn là chất khí.

Thỉnh thoảng các nhà khoa học còn gọi Mộc tinh là một “hệ mặt trời” mini vì nó có nhiều vệ tinh quay xung quanh, có một từ trường lớn, và tạo ra nhiệt nhiều hơn lượng nó hấp thụ từ Mặt Trời.

Một sự thật thú vị về Mộc tinh là nó có một cơn bão trong khí quyển của nó đã hoành hành trong ít nhất bốn trăm năm qua. Nó được gọi là Vết Đỏ Lớn, và kích cỡ của nó (chừng bằng ba lần Trái Đất) và thời gian kéo dài của nó khiến chúng ta cảm thấy may mắn vì những cơn bão trên Trái Đất này chỉ kéo dài vài ba ngày là cùng.

MỘC TINH

Mộc tinh, hành tinh đồ sộ nhất trong Hệ Mặt Trời của chúng ta – với hàng tá vệ tinh và một từ trường khổng lồ – có thành phần tương tự một ngôi sao, nhưng nó không đủ lớn để đánh lửa nhiệt hạch. Các sọc mây xoáy tít của hành tinh bị cắt gián đoạn bởi những cơn bão khổng lồ ví dụ như Vết Đỏ Lớn, có thể nhìn thấy ở giữa bên phải của bức ảnh này, nó đã hoành hành trong hàng trăm năm. Vệ tinh Europa rọi bóng lên ở giữa bên trái.

CẨM NANG THÁM HIỂM VŨ TRỤ
Kimberly Arcand và Megan Watzke
Trần Nghiêm dịch
Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm