Cẩm nang thám hiểm vũ trụ (Phần 10)

Hiệp Khách Quậy Một phương diện lí thú của mối quan hệ Trái đất-Mặt trăng là Mặt trăng quay xung quanh chúng ta theo kiểu luôn hướng một mặt của nó về phía chúng ta. Từ đây mới có câu nói “phía tối của Mặt trăng”, nghĩa là một nơi nào đó bí mật... Xin mời đọc tiếp.

Sự hình thành Hệ Mặt trời

Một phương diện lí thú của mối quan hệ Trái đất-Mặt trăng là Mặt trăng quay xung quanh chúng ta theo kiểu luôn hướng một mặt của nó về phía chúng ta. Từ đây mới có câu nói “phía tối của Mặt trăng”, nghĩa là một nơi nào đó bí mật hoặc không thể biết được. Trong khi phía tối của Mặt trăng khêu gợi sự hoài nghi và truyện khoa học viễn tưởng đã khai thác trong hàng thế kỉ qua, nhưng bề mặt chị Hằng mà chúng ta có thể nhìn thấy từ Trái đất đúng là đẹp say đắm lòng người. Cho dù không có kính thiên văn, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những mảng lớn những khu vực sáng và tối trên bề mặt chị Hằng. Bạn có thể để ý rằng Mặt trăng trông như rỗ hoa. Những vòng kích cỡ và màu sắc khác nhau chồng lên nhau đó là các miệng hố. Vậy những miệng hố đó do đâu mà có?

Hình minh họa sự hình thành Hệ Mặt trời.

Hình minh họa sự hình thành Hệ Mặt trời.

Câu trả lời phải lùi về lúc Hệ Mặt trời ra đời. Cách nay hàng tỉ năm, mầm mống đầu tiên của Mặt trời của chúng ta đã ra đời khi một đám mây khí và bụi đồ sộ co lại. Theo thời gian, vùng lõi này của đám mây thu gom đủ khối lượng cho sự nhiệt hạch hạt nhân – quá trình cấp nguồn cho các sao – bùng phát.

Sau khi Mặt trời sơ sinh ra đời, vẫn còn một ít vật chất cuộn xoáy xung quanh nó. Vật chất này bị san phẳng thành một cái đĩa quay tròn xung quanh Mặt trời. Khi thời gian trôi qua, những cụm vật chất trong cái đĩa này bắt đầu va chạm với nhau. Các cụm càng lớn thêm, thì càng có thêm vật chất trong đĩa bị hút về phía chúng do sức mạnh hấp dẫn tăng lên của chúng. Hãy nghĩ tới một cục bánh bột nhão lăn trên bàn bột mới cắt, thu gom lấy bột mì và những miếng bột nhão nhỏ hơn khi nó di chuyển.

Sau một thời gian, một số cụm đã thu đủ vật chất để chúng bắt đầu thống lĩnh cái đĩa. Những “siêu cụm” này cuối cùng trở thành cái chúng ta gọi là các hành tinh. Trong khi các hành tinh đang hình thành hút phần lớn vật chất trong cái đĩa đang quay tròn, thì nhiều mẩu đá nhỏ hơn vẫn trôi nổi vòng quanh Hệ Mặt trời sơ khai. Những mẩu đá mồ côi này thỉnh thoảng sẽ lao vào những hành tinh còn rất trẻ, gây ra các va chạm từ những cú sớt qua cho đến những vụ va đập khủng khiếp.

Tất cả các hành tinh đều bị bắn phá như thế này trong những năm tháng sơ khai của chúng. Tuy nhiên, trên Trái đất, với bầu khí quyển của nó, các chu trình thời tiết, hoạt động núi lửa, và thảm thực vật, phần lớn bằng chứng của những va chạm này đã bị xóa khỏi bề mặt hành tinh. Nhưng thỉnh thoảng bằng chứng đó vẫn tồn tại ngay ở những chỗ rộng lớn, ví dụ như tại Hố thiên thạch Arizona, đó là một thí dụ tuyệt vời của một hố va chạm đã tồn tại hàng tỉ năm trời.

Tuy nhiên, đối với các hành tinh và các vật thể không có thời tiết động cũng không có hoạt động địa chấn làm che mất bằng chứng đó, không có cái gì phủ lên vết tích của những va chạm sơ khai đó, thành ra chúng vẫn nhìn thấy được ngày nay. Mặt trăng, cũng như Thủy tinh và các vật thể khác trong Hệ Mặt trời mà chúng ta sẽ nói tới nhiều hơn trong chương tiếp theo, là vết tích nhắc nhở của lịch sử dữ dội mà mọi vật thể trong Hệ Mặt trời đã cùng trải qua.

Hố thiên thạch

Hố thiên thạch, còn gọi là Hố Barringer, ở Arizona, khoảng chừng 50.000 năm tuổi và sâu 150 mét.

Ngày nay, Mặt trăng không có sự sống và không có khí quyển. Điều đó không có nghĩa là nó không hấp dẫn đối với các nhà khoa học và các nhà thám hiểm. Trên Mặt trăng có những bể khoáng chất mênh mông, và có lẽ có những lượng nước đáng kể ở sâu bên trong các lớp của nó. Chúng ta chỉ mới xới nhẹ trên bề mặt của nó mà thôi, đúng theo nghĩa đen là vậy.

Tùy thuộc vào những làn gió chính trị sẽ thổi như thế nào trong tương lai, các cơ quan chính phủ có thể hoặc không thể đưa thêm người trở lại Mặt trăng trong thập niên trước mắt. Có lẽ vậy, bởi vì những khoáng chất hoặc nước trữ như thế, sẽ có một nguồn động lực đủ lớn để thúc đẩy lĩnh vực tư nhân đầu tư đi lên Mặt trăng. Có một điều chắc chắn luôn đúng: Mặt trăng lâu nay là một nguồn cảm hứng cho chúng ta và sẽ tiếp tục khêu gợi chúng ta mơ tưởng về nó.

CẨM NANG THÁM HIỂM VŨ TRỤ
Kimberly Arcand và Megan Watzke
Trần Nghiêm dịch
Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm