Sự sống trên Trái đất còn 1,75 tỉ năm nữa để tồn tại

Hiệp Khách Quậy Trái đất có thể tiếp tục dung dưỡng sự sống trong ít nhất là 1,75 tỉ năm nữa, miễn là thảm họa hạt nhân, va chạm tiểu hành tinh hay một số thảm họa khác không xảy ra – một nghiên cứu mới cho biết. Xin mời đọc tiếp.

Trái đất có thể tiếp tục dung dưỡng sự sống trong ít nhất là 1,75 tỉ năm nữa, miễn là thảm họa hạt nhân, va chạm tiểu hành tinh hay một số thảm họa khác không xảy ra – một nghiên cứu mới cho biết.

Nhưng cho dù không có những kịch bản tận thế kịch tính như thế, thì những cơ chế thiên văn cuối cùng vẫn sẽ đưa hành tinh chúng ta đến chỗ không còn ở được nữa. Khoảng 1,75 đến 3,25 tỉ năm nữa, Trái đất sẽ đi ra khỏi vùng ở được của hệ mặt trời và đi vào “vùng nóng”, nghiên cứu mới tính được.

Những vùng này được định nghĩa bởi nước. Trong vùng ở được, một hành tinh (cho dù thuộc hệ mặt trời này hay hệ mặt trời khác) nằm cách ngôi sao của nó một cự li vừa vặn thích hợp để có nước ở thể lỏng. Càng gần về phía mặt trời, trong “vùng nóng”, các đại dương trên Trái đất sẽ bốc hơi. Tất nhiên, các điều kiện cho sự sống phức tạp – trong đó có con người – sẽ không còn giữ được trước khi hành tinh chúng ta đi vào vùng nóng.

Sự sống trên Trái đất còn 1,75 tỉ năm nữa để tồn tại

Nếu không có tai biến gì bất ngờ, Trái đất của chúng ta sẽ nằm trong vùng ở được của hệ mặt trời thêm 1,75 tỉ năm nữa.

Nhưng cái quan tâm chính của các nhà nghiên cứu là tìm kiếm sự sống trên những hành tinh khác, chứ không phải dự báo một ngày tận thế trên hành tinh này.

Sự tiến hóa của sự sống phức tạp trên Trái đất đề xuất rằng quá trình đó cần rất nhiều thời gian.

Các tế bào đơn giản lần đầu tiên xuất hiện trên Trái đất hồi gần 4 tỉ năm về trước. “Chúng ta có côn trùng cách nay 400 triệu năm, khủng long 300 triệu năm trước và cây xanh nở hoa 130 triệu năm trước,” theo lời nhà nghiên cứu Andrew Rushby thuộc trường Đại học Đông Anglia ở Anh. “Con người hiện đại xét về phương diện giải phẫu chỉ mới có mặt trong khoảng 200.000 năm qua – vì thế bạn có thể thấy thiên nhiên cần thời gian thật sự rất lâu để cho sự sống thông minh phát triển.”

Rushby và các đồng sự của ông đã phát triển một công cụ mới giúp đánh giá lượng thời gian cần thiết cho sự tiến hóa của sự sống trên những hành tinh khác: một mô hình dự đoán thời gian mà một hành tinh sẽ trải qua trong vùng ở được của nó. Trong nghiên cứu của họ công bố trên tạp chí Astrobiology số ra ngày 18/9, các nhà nghiên cứu đã áp dụng mô hình đó cho Trái đất và tám hành tinh khác hiện đang ở trong vùng ở được, kể cả sao Hỏa.

Họ tính được thời gian Trái đất ở trong vùng ở được là 7,79 tỉ năm. (Tuổi ước tính của Trái đất là khoảng 4,5 tỉ năm.) Trong khi đó, những hành tinh khác có thời gian sống trong vùng ở được là từ 1 tỉ năm đến 54,72 tỉ năm.

“Nếu chúng ta cần di chuyển đến một hành tinh khác, thì sao Hỏa có lẽ là món cược tốt nhất của chúng ta,” Rushby nói. “Nó ở rất gần và sẽ vẫn nằm trong vùng ở được cho đến cuối đời của mặt trời – khoảng 6 tỉ năm nữa.”

Trong khi những mô hình khác đã từng được phát triển cho Trái đất, nhưng theo Rushby, chúng không thích hợp cho những hành tinh khác.

Theo LiveScience

Mời đọc thêm