Một số sự thật thú vị về tiểu hành tinh

Hiệp Khách Quậy Bạn nghĩ rằng mình biết bao nhiêu về những tiểu hành tinh? Bạn có thật sự biết hết không? Vâng, dưới đây là một số sự thật thú vị về những tiểu hành tinh. Một số cái thì bạn đã biết và một số cái hi vọng sẽ mới mẻ đối với... Xin mời đọc tiếp.

Bạn nghĩ rằng mình biết bao nhiêu về những tiểu hành tinh? Bạn có thật sự biết hết không? Vâng, dưới đây là một số sự thật thú vị về những tiểu hành tinh. Một số cái thì bạn đã biết và một số cái hi vọng sẽ mới mẻ đối với bạn. Tiểu hành tinh là một lĩnh vực vũ trụ nên nghiên cứu cặn kẽ hơn.

Ảnh minh họa vành đai tiểu hành tinh

Ảnh minh họa vành đai tiểu hành tinh (Ảnh: NASA)

1. Tiểu hành tinh và hành tinh ra đời cùng lúc. Quá trình giúp tạo nên các hành tinh gọi là sự bồi tụ. Trong sự ra đời của vũ trụ, khi hai vật thể va chạm với nhau, chúng sẽ dính vào nhau tạo nên một vật thể lớn hơn. Các hành tinh và tiểu hành tinh đã ra đời theo kiểu này. Rõ ràng các hành tinh đã thu gom được nhiều khối lượng hơn so với đa số các tiểu hành tinh. Nhưng, khi nhìn nhận tiểu hành tinh Ceres là một hành tinh lùn, một số tiểu hành tinh đã thu gần đủ khối lượng cần thiết và tạo ra lực hấp dẫn vừa đủ để trở thành hành tinh theo định nghĩa của chúng.

2. Các tiểu hành tinh có thành phần chất liệu đa dạng. Các tiểu hành tinh có cấu tạo từ những khoáng chất và chất liệu khác nhau. Thành phần của chúng phụ thuộc vào hành tinh mà chúng đã chạm trúng trong va chạm, cũng như các phản ứng hóa học chúng có thể đã trải qua trong khi quay trong hệ mặt trời. Những tiểu hành tinh gần Mặt trời nhất chủ yếu chứa carbon còn những tiểu hành tinh ở xa thì chứa đá silicate. Các tiểu hành tinh kim loại có tới 80% là sắt và phần còn lại là nickel và nhiều kim loại khác như iridium, palladium, platinum, và vàng trộn lẫn vào nhau. Một số tiểu hành tinh chứa một nửa silicate và một nửa kim loại.

Thành phần tiểu hành tinh được phân loại như sau:

Tiểu hành tinh loại C: Chúng được tìm thấy trong vành đai ngoài của Trái đất, chúng tối hơn và chứa nhiều carbon hơn những tiểu hành tinh thuộc loại S.

Tiểu hành tinh loại D: Chúng còn được gọi là tiểu hành tinh Trojan của Mộc tinh, chúng tối và thành phần chứa carbon.

Tiểu hành tinh loại S: Chúng được tìm thấy trong vành đai trong của Trái đất, gần Hỏa tinh và chủ yếu chứa đá và sắt.

Tiểu hành tinh loại V: Chúng là một nhóm tiểu hành tinh chuyển động trong quỹ đạo giữa Mộc tinh và Thiên Vương tinh, và có cấu tạo từ những chất liệu phun trào núi lửa.

3. Đa số tiểu hành tinh có bề mặt bám đầy bụi. Lớp bụi này được gọi là regolith. Nó là vụn đá thì đúng hơn và là kết quả của những vụ va chạm liên tiếp trong không gian. Đây là sự va chạm giữa các tiểu hành tinh và bất kì vật thể nào khác cắt qua đường đi của chúng. Vật thể lớn hơn thì giành phần thắng và bề mặt bám đầy đá vụn từ vật thể thua cuộc. Thỉnh thoảng, thời tiết vũ trụ cho thất một số tiểu hành tinh là những thiên thạch OC bám đầy regolith.

4. Các sự kiện va chạm nhào nặn nên hình dạng của các tiểu hành tinh. Hầu như mọi vật thể trong vũ trụ, kể cả Trái đất, đều được định hình trong những sự kiện va chạm, theo kiểu này hay kiểu khác. Mỗi thiên thể ít nhất có hai miệng hố va chạm trên bề mặt của nó. Những sự kiện va chạm này có thể phá hủy một tiểu hành tinh hoặc làm cho các tiểu hành tinh lang thang hợp lại với nhau. Va chạm có thể gây ra những thay đổi quỹ đạo, chuyển động quay tròn, và làm thay đổi trục nghiêng. Chẳng có cách nào biết được hồi 100 triệu năm trước đã có bao nhiêu tiểu hành tinh hay một triệu năm sau sẽ có bao nhiêu tiểu hành tinh.

5. Có lẽ một tiểu hành tinh đã tiêu diệt loài khủng long. Miệng hố va chạm Chicxulub được cho là đã 65 triệu năm tuổi. Nó cũng được xem là nguyên nhân gây ra sự biến đổi khí hậu dẫn tới sự tuyệt chủng của toàn loài khủng long. Những mảnh vụn ném lên không khí sau khi một tiểu hành tinh đủ lớn tạo ra một miệng hố đường kính hơn 180 km thật khó mà tưởng tượng nổi. Loài khủng long không bị tiêu diệt ngay mà chúng bị giày vò vì chết đói. Đó là một cái kết quá khốc liệt và tàn nhẫn.

6. Không phải chỉ có hành tinh mới có vệ tinh. Phi thuyền vũ trụ Galileo đã chứng minh điều đó hồi năm 1993 khi nó bay ngang qua tiểu hành tinh 243 Ida và phát hiện ra vệ tinh Dactyl của nó. Đó là vật thể đầu tiên được tìm thấy có vệ tinh riêng của nó nhưng không phải là một hành tinh. Một số vệ tinh khác cũng đã được phát hiện ra sau đó, nhưng đối với cộng đồng thiên văn học cái đầu tiên vẫn là đáng giá nhất.

7. Các tiểu hành tinh thích tụ tập thành nhóm. Các tiểu hành tinh tập trung thành bốn nhóm chính: vành đai chính, vành đai Kuiper, Trojan, và đĩa tán xạ. Đám mây Oort là một nhóm tiểu hành tinh nữa nhưng vì nó ở quá xa trong không gian nên chỉ mới được nghiên cứu trên lí thuyết. Vành đai chính có quỹ đạo giữa Mộc tinh và Hỏa tinh. Theo lí thuyết thì những dị thường hấp dẫn của Mộc tinh đã cản trở vành đai chính hình thành nên một hành tinh. Đĩa tán xạ là một tập con của vành đai Kuiper. Do quỹ đạo của nó ở cách Mặt trời hơn 100 AU (đơn vị thiên văn) nên chúng là những vật thể lạnh lẽo nhất trong Hệ Mặt trời. Do bản chất không ổn định của chúng, ngày nay các nhà thiên văn xem đĩa tán xạ là hang ổ của đa số sao chổi có chu kì tuần hoàn. Nhiều vật thể trong đám mây Oort được xem là có xuất xứ từ đĩa tán xạ.

8. Những tiểu hành tinh gần Trái đất (NEA). NEA được chương trình SENTRY và NEAT của NASA theo dõi kĩ lưỡng. Một NEA đã gây chút sóng gió trong mấy năm gần đây vì nó tiến đến quá gần Trái đất. Nó ở gần đến mức chính quyền đã bắt đầu lên tiếng cảnh báo về nguy cơ va chạm. Sẽ có một lần tiếp cận gần nữa trong 20 năm tới và lần sau đó là 8 năm nữa. Tuy nhiên, cả hai lần đều không nguy hiểm cho lắm trừ khi có sự xáo trộn hấp dẫn nào đó làm chúng bị lệch quỹ đạo. Các nhà thiên văn hi vọng có một phi thuyền sẵn sàng tiếp cận và nghiên cứu những tiểu hành tinh NEA này khi chúng đi qua Trái đất.

Đây chỉ là một số trong nhiều sự thật thú vị về các tiểu hành tinh. Hi vọng bạn tìm thấy chút mở mẻ để khiến bạn bè của mình bất ngờ!

Lucky_Rua – thuvienvatly.com
Theo Universe Today

Mời đọc thêm