Robert Boyle: nhà hóa học thế kỉ 17 đã thấy trước tương lai công nghệ cao

Hiệp Khách Quậy Bộ sưu tập các bài viết của nhà khoa học người Anh Robert Boyle hiện đang được trưng bày tại Hội Hoàng gia Anh. Trông chúng có vẻ như là các thành tựu của khoa học hiện đại. Xin mời đọc tiếp.

alt

Bộ sưu tập các bài viết của nhà khoa học người Anh Robert Boyle hiện đang được trưng bày tại Hội Hoàng gia Anh. Trông chúng có vẻ như là các thành tựu của khoa học hiện đại.

Bạn đừng nghĩ rằng các ý tưởng dẫn đến những kì công như đạo hàng qua vệ tinh, cấy ghép cơ qua và giải phẫu thẩm mĩ chỉ mới xuất hiện gần đây. Cách đây 350 năm, một nhà khoa học tiên phong đã đặt bút soạn ra một danh sách mơ ước gồm những cái ông hi vọng nền khoa học sẽ đạt được vào một ngày nào đó.

Và người đó chính là ngài Robert Boyle, một nhà triết học tự nhiên và là người sáng lập của hóa học hiện đại.

Danh sách mơ ước của ông bao quát những phát triển khoa học thật sự kéo dài suốt bốn thế kỉ sau đó, từ sự xuất hiện của các quán cà phê, đến sự ra đời của ngành hàng không, từ sự sản xuất hợp kim Kevlar cho đến các phát triển trong ngành nông nghiệp thương mại hóa.

Boyle là một trong những người sáng lập ra Hội Hoàng gia hồi năm 1660 và bản danh sách của ông, chưa bao giờ trưng bày trước công chúng trước đây, là một phần của cuộc trưng bày triển lãm kỉ niệm 350 năm thành lập hội.

Bản danh sách gồm 24 khát vọng, chúng đã được thảo luận rộng rãi với những người đương thời khoa học của ông nhưng chắc chắn chúng trông như những ước mơ kì quặc đối với những con người của thế kỉ 17.

Ước mơ đầu tiên của Boyle là “Kéo dài Sự sống”. Vì tuổi thọ trung bình lúc đầu thế kỉ 17 chỉ là 40, nên chắc chắn mơ ước đầu tiên ấy của Boyle đã thành hiện thực. Và nó vẫn là đề tài nóng bỏng đối với các nhà khoa học ngày nay.

Tiếp theo, ông suy nghĩ về “Sự Hồi xuân, hay ít nhất là một số Dấu hiệu của tuổi xuân, như Răng mới, Màu tóc mới như lúc trẻ”.

alt

Trích từ những bài viết riêng tư của Robert Boyle dự đoán tương lai của khoa học, bao gồm hàng không, cấy ghép cơ quan, định vị địa lí, nền nông nghiệp thương mại và thuốc chữa bệnh tâm thần.

Có phải ông đã nhận ra rằng bốn thế kỉ sau các thành tựu của ngành nha khoa hiện đại sẽ cấy được những chiếc răng mới và muốn màu tóc tươi trẻ thì chỉ cần một chai thuốc nhuộm đã là xong?

Những ước mơ khác bao gồm những phát triển quan trọng trong kĩ thuật và hóa học, cũng như trong y khoa. Một số ý tưởng như “sự đột biến của các loài khoáng chất, động vật và thực vật” vẫn nằm ở tiền tuyến của khoa học ngày nay.

Giáo sư Jonathan Ashmore, thành viên Hội Hoàng gia, nói: “Các tiên đoán của Boyle về tương lai của khoa học khá đặc biệt. Niềm hi vọng của ông đối với việc chữa trị các bệnh tật bằng cách cấy ghép và dùng thuốc giảm đau và trợ ngủ đã trở thành những đặc điểm cố hữu của nền y khoa đương thời và đây là những tiên đoán ông đã nêu ra cách đây tới 350 năm.

Chúng ta đã thấy nhiều dự đoán khác của ông đã được hiện thực hóa theo những kiểu khác nhau, bao gồm ngành hàng không, chăm sóc sức khỏe hiện đại kéo dài sự sống, hợp kim Kevlar, thám hiểm dưới nước và đạo hàng GPS”.

alt

Felicity Hederson ở Hội Hoàng gia quan sát một Máy đo bức xạ do William Crookes trình bày trước Hội vào năm 1911.

alt

Quản thư Hội Hoàng gia, Keith Moore, khảo sát một cái quadrant thiên văn (cung một phần tư vòng tròn) được biết đã từng được thuyền trưởng James Cook sử dụng.

Giáo sư Ashmore nói sẽ thật thú vị nếu có một bản danh sách mới vẽ nơi những ước mơ ngày nay về tương lai công nghệ. Nhiều ước mơ trong danh sách của Boyle được phản ánh trong các tài liệu trưng bày trong triển lãm 350 năm khoa học.

Bắt đầu vào những năm 1660 khi khoa học là một hoạt động theo đuổi mới và không chắc chắn, cuộc triển lãm thể hiện những tên tuổi lớn trong lịch sử như Christopher Wren, Issac Newton, Charles Darwin và Humphrey Davy đã định hình tương lai như thế nào.

Mẩu gỗ từ cây táo Newton sẽ được trưng bày, cùng với một bản sao cuốn Nguồn gốc của các loài do Darwin gửi cho Hội Hoàng gia.

Các tác phẩm xuất sắc của Boyle về chất khí, hóa học, và tôn giáo khiến ông nổi tiếng khắp châu Âu. Nghiên cứu của ông đã dẫn đến sự thiết lập định luật Boyle phát biểu rằng áp suất của chất khí tỉ lệ nghịch với thể tích của nó ở nhiệt độ không đổi.

  • Duy Khắc (theo Daily Mail)

Mời đọc thêm