Ai đã phát minh ra ABC?

Hiệp Khách Quậy Lâu nay người ta vẫn cho rằng các thư lại Ai Cập đã sáng chế ra bảng chữ cái đầu tiên. Tuy nhiên, đó chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Bài của Colin Barras trên tạp chí New Scientist ngày 08/02/2020. Xin mời đọc tiếp.

Lâu nay người ta vẫn cho rằng các thư lại Ai Cập đã sáng chế ra bảng chữ cái đầu tiên. Tuy nhiên, đó chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Bài của Colin Barras trên tạp chí New Scientist ngày 08/02/2020.

Amenemhat III là một trong những pharaoh ít được biết tới của Ai Cập. Ông cho xây dựng kim tự tháp, nhưng không quy mô như kim tự tháp Khufu ở Giza. Ông đặt mua nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhưng không tác phẩm nào còn lại và sánh nổi với sự huy hoàng của mặt nạ vàng Tutanhamun. Ông thống lĩnh các đoàn viễn chinh, nhưng không thành công như Thutmose III, vị vương đã xây dựng một đế chế rộng mênh mông. Tuy vậy, Amenemhat có một thành tựu đáng tự hào. Dưới quyền cai trị của ông, một công nghệ mới xuất hiện còn ấn tượng hơn, giá trị hơn và lan tỏa hơn bất kì di sản nào trong số này: bảng chữ cái.

Văn tự xưa nhất

Các văn tự dùng chữ cái xuất hiện đầu tiên vào khoảng 3800 năm trước. Văn tự xưa nhất có chung hàng tá kí tự, nhưng ghi chép lại không đầy đủ. Tuy nhiên, vào khoảng 3200 năm trước, các kí tự giống như ABC ngày nay của chúng ta mới xuất hiện.

Bảng chữ cái là một phương pháp ghi chép thông tin mang tính cách mạng. Thế nhưng nó không chỉ là một hệ thống chữ viết. Trong một cuốn sách mới đây, Philippa Steele và Philip Boyes tại Đại học Cambridge mô tả nó là “một biểu tượng văn hóa”. Ngày nay, nó quan trọng đối với nền giáo dục ở đa số các nước đến mức trẻ con thường có thể học thuộc lòng trước khi chúng học đọc hoặc học viết. Ngoài ABC quen thuộc, còn có nhiều bảng chữ cái dùng cho nhiều ngôn ngữ, từ tiếng Nga cho đến tiếng Arab. Song toàn bộ đều có thể truy nguyên đến một tổ tiên chung.

Câu chuyện về bảng chữ cái đầu tiên lâu nay vẫn là một bí ẩn, thế nhưng trong 25 năm vừa qua chúng ta đã có sự tiến bộ rất lớn theo hướng xác định được thời điểm và địa điểm nó được phát minh. Điều thú vị nhất là, ngày nay người ta nhất trí rằng bảng chữ cái không xuất hiện như là một sáng kiến được một thế lực nhà nước nào đó hậu thuẫn như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ. Thay vậy, những người sáng tạo nó có thể rất xa vời với giới quý tộc của thế giới cổ đại. Ngược đời làm sao, có thể họ còn thất học nữa. “Không viên thư lại Ai Cập có học hành đàng hoàng nào lại viết theo kiểu như những bậc anh tài này viết cả,” phát biểu của Orly Goldwasser tại Đại học Hebrew ở Jerusalam, Israel. “Anh ta hẳn sẽ cảm thấy xấu hổ khi viết thế.”

Cách nay 3800 năm, vào thời Amenemhat III cai trị, chữ viết đã hiện diện chừng hơn 1000 năm. Có hai hệ thống đặc biệt gây ảnh hưởng: chữ hình nêm, phát sinh ở Mesopotamia vùng tây nam châu Á, và chữ tượng hình Ai Cập. Chính chữ tượng hình Ai Cập đã truyền cảm hứng cho các nhà phát minh bảng chữ cái. Bảng chữ cái vẫn mang những vết tích mờ nhạt của di sản tượng hình của nó. Chữ cái M của chúng ta, chẳng hạn, có các đỉnh và hõm của một con sóng nước, kí hiệu tượng hình đưa đến sự ra đời của nó. Mặc dù đa số các kí tự của bảng chữ cái không hẳn là mới hoàn toàn, nhưng cách chúng được tái sử dụng chắc chắn là mới.

Chữ tượng hình Ai Cập thường biểu diễn các âm tiết hoặc các từ trọn vẹn. Bảng chữ cái sử dụng một phương pháp khác. Tất cả các chữ cái đều biểu diễn âm vị, những hạt sơ cấp không thể chia nhỏ từ đó xây dựng nên ngôn ngữ nói. Từ “pen”, chẳng hạn, chỉ một âm tiết thôi nhưng chứa ba âm vị rạch ròi, mỗi âm vị được biểu diễn bằng một chữ cái. Đã có một số nguyên tố âm vị trong các hệ thống chữ viết trước đó, nhưng bảng chữ cái thì hoàn toàn dựa trên âm vị. Điều đó mang tính cách mạng.

Như thế trông như một phân biệt không lớn, song nó đem lại sự khác biệt rất lớn đối với cách vận hành của bảng chữ cái so với chữ tượng hình. Người Ai Cập cần đến hàng trăm chữ tượng hỉnh rạch ròi để biểu diễn từng từ riêng lẻ. Tuy nhiên, đa số ngôn ngữ chỉ gồm vài ba tá âm vị thôi. Bởi thế, toàn bộ 40 hay ngần ấy văn tự tiền-bảng chữ cái đều sử dụng chừng 20 kí hiệu, hay kí tự.

Trong chừng mực mà chúng ta biết, bảng chữ cái nguyên bản này không được dùng để viết các từ nguyên Ai Cập, mà là các từ thuộc một hoặc nhiều ngữ hệ Semit, một nhóm ngôn ngữ được nói bởi nhiều cư dân sinh sống ở vùng Trung Đông và Thổ Nhĩ Kì lúc bấy giờ. Điều này cho thấy bảng chữ cái là một phát minh giao lưu văn hóa. “Thật ý nghĩa khi thấy kết cục như vậy của sự giao lưu gần gũi của những người nói tiếng Ai Cập và Semit,” phát biểu của John Darnell tại Đại học Yale. Còn trong ngữ cảnh nào hai nhóm đi tới phát minh ra bảng chữ cái – và chính xác khi nào – thì chẳng rõ trong phần lớn thế kỉ 20. Ban đầu các nhà khảo cổ đã khai quật được các ví dụ của bảng chữ cái xa xưa vào năm 1905, nhưng trong những thập niên sau đó lại chẳng tìm thấy mấy ví dụ khác nên người ta mất hứng thú với nguồn gốc của bảng chữ cái. Sau đó, vào năm 1995, Darnell thực hiện một khám phá làm thắp lên ngọn lửa trở lại.

Trong khi làm việc tại di chỉ sa mạc thuộc Wadi el-Hôl, nằm cách Luxor (thành Thebes thời Ai Cập cổ đại) vài chục km về hướng tây bắc, đội Darnell đã phân tích hai bản khắc bảng chữ cái khắc vào trong đá. Mặc dù vẫn chưa thể giải đoán được, nhưng phong cách của các kí tự cho thấy nhiều kí tự có xuất xứ từ một kiểu chữ tượng hình Ai Cập rất đặc biệt gọi là chữ thầy tu. Đây là một khám phá đầy ý nghĩa. Chữ tượng hình chính thức ít có biến đổi theo thời gian, còn chữ thầy tu thật sự có thay đổi. Và các bản khắc ấy trông giống phong cách chữ thầy tu dùng hồi 3800 năm trước. “Rõ rành rành các bản khắc ấy có niên đại cuối triều đại thứ 12, dưới thời trị vì của Amenemhat ,” Darnell nói. Điều đó khiến chúng thuộc về những bản khắc chữ cái xưa nhất từng được tìm thấy.

Đa số học giả tán thành rằng đây là dự đoán tốt nhất hiện nay của chúng ta cho thời điểm bảng chữ cái được phát minh. Các bản khắc Wadi el-Hôl cũng gợi ý cách chúng được phát minh. Di chỉ trên thường được quân đội đặt chân đến, và lính quân đội ấy là một toán giang hồ quốc tế. “Bạn có đủ mọi loại người hết: người Nubia, người Ai Cập, người đến từ nơi chúng ta quen gọi là Lybia, người đến từ khu vực Đông Nam Á – đó là một nồi lẩu thập cẩm gồm đủ loại người và ngôn ngữ,” Darnell nói. Các đoàn quân chinh phạt cũng cần các thư lại để đọc và ghi chép các thông điệp, vì thế ông hình dung ra một kịch bản trong đó các viên thư lại chuyên nghiệp túm lại làm việc chung với các đồng sự quân đội của họ đến từ Đông Nam Á và giúp họ phát minh bảng chữ cái. “Tôi thích nói rằng phải có thứ gì đó ra đời từ một số tương tác như thế,” Darnell nói. “Và bất kể ai đi tới những kí hiệu như thế hẳn phải là người biết đọc biết viết chữ thầy tu Ai Cập.”

Văn tự xưa nhất

Các chữ khắc tại Serabit al-Khadim ở Ai Cập (trái) có thể là cội nguồn của bảng chữ cái Pheonecia thể hiện trên một bản khắc 2700 năm tuổi (phải).

Darnell và các đồng sự đã công bố các kết quả tìm kiếm của họ vào năm 2006. Mặc dù được đông đảo mọi người công nhận là một công trình nổi bật, nhưng đó chưa phải là phần kết của câu chuyện. Trước tiên, nó làm nổi lên một câu đố thật sự. Trong chừng mực mà chúng ta có thể nói, bảng chữ cái đã không bám được vào hệ thống nhà nước cho đến 3200 năm trước đây. Những phát minh sáng giá có xu hướng bám gốc mọc rễ rất nhanh, vậy tại sao bảng chữ cái phải mỏi mòn chờ đợi tận 600 năm?

Một đề xuất bất ngờ là giới tri thức không xem bảng chữ cái là ưu việt so với chữ viết truyền thống của họ. “Chúng ta buộc phải nghĩ tới chữ viết theo mức hiệu quả,” Boyes nói. Từ góc nhìn này, chữ hình nêm và chữ tượng hình phải là những hệ thống nghèo nàn vì chúng sử dụng hàng trăm kí hiệu, mỗi kí hiệu có thể mang nhiều hàm nghĩa khác nhau. Thế nhưng các thư lại coi trọng sự phức tạp này, một phần vì nó cho họ có chỗ để sáng tạo – cho phép họ làm những trò chơi chữ bằng hình, chẳng hạn. “Bạn có thể đảo mọi thứ thoải mái để thể hiện bạn thông minh ra sao,” ông nói. Đồng thời, các hệ thống chữ viết cổ đại rất trong sáng về ý nghĩa của chúng. Những phiên bản xưa nhất của bảng chữ cái thì kém hơn thế. Chẳng hạn, phần lớn chữ cái không thể hiện trọn vẹn các nguyên âm của ngôn ngữ nói.

Tuy nhiên, một khả năng mới đang dần xuất hiện: không phải bảng chữ cái không gặp thời khi ra đời, mà lịch sử xa xưa của nó bị ẩn mất, mãi cho đến ngày nay mới rõ. Vào năm 2015, Ben Haring tại Đại học Leiden ở Hà Lan đã mô tả một miếng gốm 3450 năm tuổi khai quật được cách nay vài thập niên trong một ngôi mộ ở gần Thebes. Ông sớm nhận ra văn tự ấy trông khác thường. Chữ thầy tu và chữ tượng hình Ai Cập đó trông giống như một, hoặc có lẽ hai, thuật kí ức – hay hỗ trợ ghi nhớ – viết cho vần điệu vài ba kí tự đầu tiên của bảng chữ cái theo trình tự chữ cái. Một phiên bản hiện đại có thể đọc là “Albert Bought Custard Doughnuts” [Albert mới mua bánh rán bơ trứng, tức ABCD]. Aaron Koller tại Đại học Yeshiva, New York, cãi rằng đây là một khám phá then chốt. Thebes là thủ đô Ai Cập vào thời ấy, ông nói. Và miếng gốm này đề xuất rằng các thư lại ở đô thành ấy muốn học hệ thống chữ viết rõ ràng đã được phát minh bởi các đồng sự bên chính quyền của họ trước đó 350 năm. Điều đó trông như khá trễ, mặc dù Wadi el-Hôl ở gần Thebes, nhưng xét về mặt văn hóa thì đó là một thế giới xa xôi, hiếm khi được giới quý tộc Ai Cập đặt chân đến.

Cho dù bảng chữ cái tiến bộ hẳn, nhưng nhà nước Ai Cập vẫn không từ bỏ chữ viết tượng hình. Koller nghĩ ông biết lí do vì sao. Ông tin rằng manh mối nằm ở một bộ sưu tập các phiến đất sét 3500 năm tuổi ghi chép tư liệu nhà nước chính thống ở miền nam Mesopotamia, cách Ai Cập hơn 1000 km về phía đông. Văn tự ấy ở dạng chữ hình nêm, nhưng khi Stephanie Dalley tại Đại học Oxford khảo sát các phiến đất ấy, bà phát hiện một số điều thú vị. Trên rìa của bốn phiến đất sét ấy là những hình khắc chữ cái ngắn gọn. Các thư lại Mesopotamia lưu trữ các phiến ghi chép chữ hình nêm trên các kệ sắp theo hàng, giống như các quyển sách trong một thư viện hiện đại, Koller cho biết. Điều đó khiến cho văn tự khắc trên rìa gáy quan trọng vì ai ai đi vào kho lưu trữ cũng nhìn thấy được. Giống như các đối tác của họ ở Ai Cập, Koller nghĩ, các thư lại Mesopotamia bị truyền thống thúc ép phải dùng hệ thống chữ viết cổ để ghi chép tư liệu chính thức. Còn với công việc riêng tư, không chính thống – như việc ghi các “ghi chú trên gáy sách” như vậy – họ chọn dùng bảng chữ cái vì họ thấy nó được viết và đọc nhanh hơn.

Tuy nhiên, Dalley hoài nghi ý tưởng của Koller. “Tôi không nghĩ bằng chứng như vậy đem lại sức nặng cho suy luận của ông ta,” bà nói. Christopher Rollston tại Đại học George Washington chủ trương cảnh giác vì các phiến đất ấy thiếu lai lịch, thành ra chẳng rõ chúng có được lưu trữ với các gáy khắc chữ cái lộ ra như thế hay không. Thật vậy, ông nghi ngờ chuyện các thư lại sử dụng bảng chữ cái rộng rãi trong 600 năm đầu của nó. Những người ghi chép chuyên nghiệp thường chuẩn hóa hệ thống chữ viết của họ, ông nói, nhưng chẳng có tiêu chuẩn nào cho cách viết các kí tự thuộc bảng chữ cái hồi 3200 năm trước hết. Một số đọc từ phải sang trái, một số khác từ trái sang phải, lại còn cả đọc từ trên xuống dưới nữa. Ngay cả định hướng của các kí tự bên trong các từ cũng chẳng cố định. “Giả như các thư lại sử dụng bảng chữ cái này khá rộng rãi vì những mục đích riêng của họ, thì chúng ta sẽ kì vọng một thiểu số tiêu chuẩn hóa nhiều hơn,” ông nói.

Goldwasser còn đi xa hơn nữa. Bà nghĩ một lí do khiến các thư lại không chịu chấp nhận bảng chữ cái là vì họ đã chẳng có vai trò gì trong việc sáng tạo ra nó. Quả vậy, bà tin rằng nó khởi sinh không phải tại Wadi el-Hôl, mà tại Serabit el-Khadim ở bán đảo Sinai thuộc đông bắc Ai Cập, nơi các bản khắc chữ cái được tìm thấy cách nay một thế kỉ nay đã được giám định là 3800 năm tuổi.

Serabit el-Khadim từng là một trung tâm khai thác ngọc lam, thuê mướn người Canaan đến từ Trung Đông để khai thác đá quý. Ý tưởng của Goldwasser cho rằng những người thợ mỏ mù chữ này nhìn thấy người Ai Cập viết tế thần thánh, và họ cũng muốn làm thế. Biết rõ vị thế thấp hèn của mình, nên họ không hề theo đuổi các thư lại Ai Cập nhằm dạy họ chữ tượng hình. Vì thế họ đã ứng tác. Họ gán ý nghĩa mới cho những kí hiệu trong văn tự tượng hình để họ có thể ghi chép ngôn ngữ Semit cho đúng âm – và thế là tạo ra bảng chữ cái. Theo Goldwasser, các bản khắc chữ cái Serabit el-Khadim được thực hiện thô sơ, với các kí tự có kích cỡ khác nhau, cho thấy chúng được viết bởi những người không được học hành chính thống. Các thư lại Ai Cập sẽ không bao giờ vụng về như thế trong tác phẩm của mình, bà nói.

Koller thừa nhận rằng chữ viết ấy thô thật, nhưng ông vẫn nghĩ tốt hơn là nên xem bảng chữ cái là một phát minh từ bên trong giới quý tộc biết đọc biết viết của Ai Cập. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng các văn tự chữ cái xa xưa được thể hiện thành dòng không ngắt quãng, còn chữ viết tượng hình thì tích hợp các kí hiệu biểu thị chỗ các từ kết thúc. “Vậy nên, nếu các nhà phát minh bảng chữ cái biết chữ Ai Cập, thì họ đã cố tình bỏ qua thứ rõ ràng hữu ích như thế,” ông nói.

Rollston thì nghĩ rằng có lẽ những người thợ mỏ Canaan giữ một vai trò then chốt trong phát minh bảng chữ cái. Nhưng ông thắc mắc chuyện họ có hoàn toàn mù chữ hay không. Chính Goldwasser đã tìm thấy bằng chứng cho thấy một số người Canaan sử dụng chữ tượng hình Ai Cập theo cách truyền thống, mặc dù chữ viết của họ đầy rẫy những lỗi cơ bản. Tuy nhiên, bà cãi rằng những người Canaan biết đọc biết viết này là các thủ lĩnh bộ tộc vốn chẳng hòa lẫn với các thợ mỏ mù chữ kia.

Cho dù ai phát minh ra bảng chữ cái, thì họ đã chẳng sống đến lúc nhận thấy tầm quan trọng của sáng tạo của họ. Thật vậy, vì sao rốt cuộc bảng chữ cái đã thay thế các hệ thống chữ viết khác, đó vẫn là một bí ẩn. Người ta đang cố liên hệ nó với sự suy sụp trên diện rộng của các nền văn minh hồi 3200 năm trước, song nguyên nhân thì vẫn chưa rõ. Thế nhưng bảng chữ cái đã bắt đầu trỗi lên thống trị dọc theo phần duyên hải phía đông Địa Trung Hải trước cả thời điểm ấy. “Thành thật mà nói, tôi nghĩ khả năng cao đó là một sự tình cờ thôi,” Steele nói.

Bất kể lí do là gì, bảng chữ cái đã trở nên thông dụng khi Thời Đại Đồng Thiếc kết thúc hồi 3200 năm trước. Theo nghĩa đen hoàn toàn, lịch sử chữ viết đã thay đổi mãi mãi kể từ đó.

Bài của Colin Barras trên tạp chí New Scientist, ngày 08/02/2020. Bản dịch của Thuvienvatly.com.

Mời đọc thêm