15 thiên hà lạ lùng nhất vũ trụ (Phần 3)

Hiệp Khách Quậy Bạn có bao giờ cảm thấy như ai đó đang nhìn mình không? Cái đĩa của thiên hà xoắn ốc IC 2163 có vẻ đang nhìn vào không gian với một con mắt khổng lồ. Chi tiết hình con mắt này thật ra là một dòng đồ sộ gồm sao và bụi, được tạo ra... Xin mời đọc tiếp.

Con Mắt

Con Mắt

Bạn có bao giờ cảm thấy như ai đó đang nhìn mình không? Cái đĩa của thiên hà xoắn ốc IC 2163 có vẻ đang nhìn vào không gian với một con mắt khổng lồ. Chi tiết hình con mắt này thật ra là một dòng đồ sộ gồm sao và bụi, được tạo ra khi IC 2163 (bên phải trong ảnh) quét trên một thiên hà xoắn ốc khác, NGC 2207 (bên trái). Dáng vẻ con mắt này chỉ tồn tại trong vài chục triệu năm, theo báo cáo hồi năm 2016 của nhà thiên văn Michele Kaufman. Đó là cái chớp mắt trong quãng đời của một thiên hà, vì thế việc tìm thấy một thiên hà như thế là cơ hội có một không hai.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng các chất khí của dáng con mắt đang tuôn về phía tâm IC 2163 ở tốc độ 62 dặm mỗi giây (100 km/s) trước khi đâm sầm như sóng biển gặp bờ đê, trở nên hỗn loạn hơn và chậm bớt khi chúng tiến về phía tâm thiên hà. Sự giảm tốc làm cho chất khí dồn cục và nén lại, điều này có thể dọn sân cho sự hình thành các sao mới.

Hai trái tim

Hai trái tim

Đa số thiên hà có lẽ được neo giữ bởi một siêu lỗ đen tại tâm của nó. Tuy nhiên, một vài thiên hà có chứa không phải một, mà đến hai lỗ đen.

Một trong số này là NGC 7674, một thiên hà xoắn ốc có tâm chứa một cặp lỗ đen chỉ cách nhau một năm ánh sáng. Thiên hà này cách Trái Đất 400 triệu năm ánh sáng và có lẽ đã thu thập lỗ đen thừa lại trong một vụ va chạm và hợp nhất với một thiên hà khác. Duy chỉ có một thiên hà khác được biết có hai lỗ đen tại tâm của nó là một thiên hà siêu đồ sộ tên gọi là 0402+379.

Không còn sinh sôi nữa

Không còn sinh sôi nữa

Khi bạn là một thiên hà, nếu bạn không ăn thịt thiên hà khác thì bạn chết. Thiên hà NGC 1277 chọn phương án thứ hai. Thiên hà này, được báo cáo lần đầu tiên vào năm 2018, chỉ cách Trái Đất 240 triệu năm ánh sáng. Nó đã không còn hình thành các sao mới trong khoảng 10 tỉ năm, khiến nó là một thiên hà chết.

Các nhà thiên văn tin rằng NGC 1277 trở nên còi cọc vì nó không chuyển động đủ nhanh để tóm bắt các thiên hà khác bằng lực hút hấp dẫn của nó. (Nó đang chuyển động trong không gian ở tốc độ khoảng 2 triệu dặm trên giờ, hay 3,2 triệu km/h). Không có chất khí và bụi từ các thiên hà bên ngoài, NGC 1277 không còn hình thành sao nữa. Một số nhà thiên văn nghĩ rằng đa số thiên hà thoạt đầu đều trông y hệt NGC 1277, chung chỉ phát triển xoắn ốc và các hình dạng khác qua những lần hợp nhất với nhau sau đó.

Tiến về phía chúng ta

Tiến về phía chúng ta

Đa số thiên hà mà các nhà khoa học quan sát đều đang chuyển động ra xa Trái Đất, bởi lẽ không gian vẫn đang dãn nở. Tuy nhiên, Messier 90 thì không thế. Thiên hà xoắn ốc này ở xa khoảng 60 triệu năm ánh sáng và đang chuyển động về phía Ngân Hà.

Các nhà thiên văn có thể phát hiện chuyển động này do bởi ánh sáng đến từ Messier 90 bị lệch về phía đầu xanh của quang phổ ánh sáng. Các vật thể đang chuyển động ra xa Trái Đất bị lệch đỏ, nghĩa là ánh sáng đến từ chúng bị lệch về phía đỏ. Messier 90 là bộ phận của một nhóm lớn thiên hà gọi là Đám Virgo. Bạn có thể nhìn thấy nó từ Nam Bán Cầu vào tháng Năm với một chiếc kính thiên văn hoặc ống nhòm, giữa chòm sao Virgo và chòm sao Leo.

Quê nhà dấu yêu

Quê nhà dấu yêu

Ngân Hà có lẽ là quê nhà, song điều đó không khiến nó kém lạ lẫm. Hóa ra thì Ngân Hà đã và đang bị xâm phạm bởi các láng giềng của nó.

Trong một nghiên cứu công bố vào tháng Mười 2019, các nhà thiên văn báo cáo rằng bốn thiên hà lùn và hai thiên hà lớn (gọi là Corina và Fornax) thường quay xung quanh Đám mây Magellan Lớn, một thiên hà ở cách chúng ta 163.000 năm ánh sáng. Hiện nay, cả sáu thiên hà này đều thuộc về quỹ đạo của Ngân Hà. Thêm nữa, nghiên cứu còn tìm thấy rằng Đám mây Magellan Lớn hành xử lạ hơn trước đây người ta vẫn tin. Nó chứa nhiều thiên hà lùn bé xíu, một số thiên hà đó mờ nhạt đến mức chúng thậm chí chẳng có sao, chỉ có vật chất tối mà thôi.

<< Phần 2

Nguồn: Live Science

Mời đọc thêm