Cẩm nang thám hiểm vũ trụ (Phần 30)

Hiệp Khách Quậy Đám mảnh vỡ từ ngôi sao nổ E01012-72.3 nằm trong Đám mây Magellan Nhỏ, một trong những thiên hà gần nhất với Ngân Hà. Nó được tạo ra khi một ngôi sao to hơn Mặt Trời nhiều lần phát nổ, một sự kiện có thể nhìn thấy được từ Bán cầu... Xin mời đọc tiếp.

TINH VÂN HÀNH TINH VÀ TÀN DƯ SIÊU TÂN TINH

E0102-72.3

E0102-72.3: 190.000 NĂM ÁNH SÁNG

Đám mảnh vỡ từ ngôi sao nổ E01012-72.3 nằm trong Đám mây Magellan Nhỏ, một trong những thiên hà gần nhất với Ngân Hà. Nó được tạo ra khi một ngôi sao to hơn Mặt Trời nhiều lần phát nổ, một sự kiện có thể nhìn thấy được từ Bán cầu Nam của Trái Đất hồi một nghìn năm trước. Các kính thiên văn tia X và hồng ngoại hiện đại cho thấy một làn sóng nổ bên ngoài do siêu tân tinh gây ra (màu lam) và một vòng vật liệu nguội hơn phía trong (màu đỏ cam). Ngôi sao đồ sộ (không nhìn thấy trong ảnh này) đang rọi sáng đám mây khí và bụi màu lục ở góc dưới bên phải ảnh.

TINH VÂN HELIX

TINH VÂN HELIX: 690 NĂM ÁNH SÁNG

Tinh vân Helix là ví dụ gần nhất và ấn tượng nhất về một tinh vân hành tinh. Nhìn từ Trái Đất, các chất khí bị tống vọt ra của Helix trông na ná hình bánh vòng. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy Helix thật ra gồm hai đĩa khí gần như vuông góc với nhau – trong ảnh một lớp khí đang tiến về phía bạn. Một ngôi sao đồng hành không nhìn thấy có thể là nguyên nhân gây ra cấu trúc phức tạp này.

CASSIOPEIA A

CASSIOPEIA A: 11.000 NĂM ÁNH SÁNG

Hơn ba trăm năm trước, ánh sáng đầu tiên từ một ngôi sao nổ trong chòm sao Cassiopeia đã đi tới Trái Đất. Bụi và chất khí trong thiên hà Ngân Hà của chúng ta đã che mờ vụ nổ ấy một chút, vì thế các báo cáo về sự kiện này thưa thớt và khó kiểm chứng. Trong những năm gần đây, tàn dư của ngôi sao ấy đã hiện diện rõ rệt trên radar của các nhà thiên văn và ngày nay được gọi là Cassiopeia A. Bức ảnh tia X này cho thấy cấu trúc tinh vi được tạo ra – giống một bông hoa tuyết đang phiêu phiêu – khi các lớp nguyên tố khác nhau trong ngôi sao bị bắn vọt ra và nóng lên trong vụ nổ.

TÀN DƯ SIÊU TÂN TINH TYCHO

TÀN DƯ SIÊU TÂN TINH TYCHO: 7.500 NĂM ÁNH SÁNG

Vào năm 1572, nhà thiên văn Đan Mạch Tycho Brahe đã chứng kiến vụ nổ của một ngôi sao sau này gọi là siêu tân tinh Tycho. Hơn bốn thế kỉ sau, vụ nổ ấy để lại một đám mây nóng mảnh vỡ dãn nở (màu lục và màu vàng). Vật liệu chuyển động ở tốc độ sáu triệu dặm trên giờ (khoảng 10 triệu km/h) đã tạo ra hai sóng xung kích làm giải phóng tia X, một sóng truyền ra chất khí bên ngoài ngôi sao (nhìn thấy dạng quả cầu màu lam), còn sóng kia truyền ngược vào đám mảnh vỡ. Các sóng xung kích này tạo ra những biến đổi lớn đột ngột về áp suất và nhiệt độ, giống như một phiên bản cực độ của vụ nổ siêu thanh do chuyển động của máy bay siêu thanh gây ra.

G292.0+1.8

G292.0+1.8: 20.000 NĂM ÁNH SÁNG

Bức ảnh tia X này của tàn dư siêu tân tinh G292.0+1.8 cho thấy một vỏ chất khí dãn nở nhanh có chứa các nguyên tố như lưu huỳnh và silicon (màu lam), oxygen (màu vàng và trắng), và magnesium (màu lục). Các nguyên tố này, vốn thiết yếu cho sự tồn tại của chúng ta trên Trái Đất này, được tạo ra lúc ngôi sao vẫn còn sống lẫn trong vụ nổ. Các vụ nổ như thế này làm gieo rắc các nguyên tố cần thiết để hình thành nên Mặt Trời và Hệ Mặt Trời của chúng ta.

N132D

N132D: 160.000 NĂM ÁNH SÁNG

Tàn dư siêu tân tinh gọi là N132D đã tiến hóa thành hình móng ngựa khác lạ, bạn có thể thấy trong ảnh trên phông nền gồm hàng nghìn sao. Khi một ngôi sao to gấp khoảng hai mươi lần Mặt Trời co lại và phát nổ, nó tạo ra các sóng xung kích làm nóng chất khí xung quanh ngôi sao đến hàng triệu độ và được dò bằng tia X (màu lam). Dữ liệu quang học (màu hồng và tía) cho thấy chất khí nguội hơn và một đám mây khí sáng hình lưỡi liềm.

TINH VÂN MẮT MÈO

TINH VÂN MẮT MÈO: 3.000 NĂM ÁNH SÁNG

Tương lai của chúng ta sẽ ra sao? Cuối cùng, Mặt Trời của chúng ta sẽ cạn kiệt nhiên liệu và chết đi. Khi Mặt Trời chết, nó sẽ đi vào một pha giống như cái bạn nhìn thấy ở đây với vật thể gọi là Mắt Mèo – nó được biết, một cách sai lầm, là một tinh vân hành tinh. Khi một ngôi sao kiểu Mặt Trời cạn kiệt nhiên liệu hạt nhân của nó, nó bắt đầu thổi tung những lớp bên ngoài của nó. Ngôi sao (vật thể trắng sáng tại chính giữa) rọi sáng vật liệu bị thổi ra đó thành những hình ảnh và cấu trúc mê hoặc lòng người. Điều này cuối cùng sẽ xảy ra với Mặt Trời của chúng ta, nhưng khoảng chừng 5 tỉ năm nữa.

CẨM NANG THÁM HIỂM VŨ TRỤ
Kimberly Arcand và Megan Watzke
Bản dịch của Thuvienvatly.com
Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm