John Pendry giành Huy chương Isaac Newton 2013

Hiệp Khách Quậy Nhà vật lí lí thuyết người Anh, một trong những tác giả chính của “áo tàng hình” đầu tiên hoạt động được, vừa được trao tặng Huy chương Isaac Newton 2013 của Viện Vật lí Anh quốc. John Pendry hiện đang làm việc ở trường Imperial College,... Xin mời đọc tiếp.

Nhà vật lí lí thuyết người Anh, một trong những tác giả chính của “áo tàng hình” đầu tiên hoạt động được, vừa được trao tặng Huy chương Isaac Newton 2013 của Viện Vật lí Anh quốc. John Pendry hiện đang làm việc ở trường Imperial College, London. Ông được tặng thưởng cho “những đóng góp hạt giống của ông cho ngành khoa học bề mặt, các hệ hỗn loạn và quang lượng tử học”. Huy chương Newton là giải thưởng danh giá nhất của Viện Vật lí Anh quốc, và được trao tặng hằng năm kể từ năm 2008.

John Pendry

John Pendry. Ảnh: Imperial College London

Huy chương Newton dành tặng cho “những đóng góp xuất sắc cho vật lí học” và kèm theo giải thưởng 1000 bảng Anh. Giải thưởng năm nay sẽ được trao tại một lễ kỉ niệm ở London vào ngày 15 tháng 11 tới và Pendry sẽ có một bài thuyết trình trước Viện vào tháng 10. Những người giành huy chương Newton trước đây là Martin Rees, Leo Kadanoff, Edward Witten, Alan Guth và Anton Zeilinger.

Trong quãng đời sự nghiệp gần 50 năm qua, Pendry nghiên cứu vật lí bề mặt, nhiễu xạ năng lượng thấp và quang phổ tia X. Tuy nhiên, có lẽ ông nổi tiếng nhất là với nghiên cứu trong thời gian gần đây về những “siêu vật liệu” và về “quang học biến đổi tọa độ” – một khái niệm do ông phát triển. Nghiên cứu này đã đưa đến sự hiện thực hóa thực nghiệm của áo tàng hình, thấu kính hoàn hảo và những dụng cụ điện từ mới lạ khác.

Siêu vật liệu là những cấu trúc được xử lí kĩ thuật để phản ứng với sóng điện từ theo những kiểu khác lạ, ví dụ như có chiết suất biến thiên và thậm chí – trong một số trường hợp – còn có giá trị âm. Trong một bài báo nổi tiếng công bố trên tạp chí Physical Review Letters vào năm 2000, Pendry đã mô tả cách tạo ra một siêu vật liệu có chiết suất âm đối với bức xạ vi sóng. Một cấu trúc như vậy đã được chế tạo vào năm sau đó bởi David Smith và các đồng sự tại trường Đại học California, San Diego. Vào năm 2006, Pendry hợp tác với Smith (lúc này làm việc tại Đại học Duke) và các đồng nghiệp, sử dụng siêu vật liệu chiết suất âm để tạo ra chiếc áo tàng hình đầu tiên.

Trong khi cơ sở toán học mô tả cách thức bức xạ điện từ tương tác với siêu vật liệu có thể là phức tạp, nhưng Pendry nhận ra rằng nó có thể được mô tả đẹp đẽ bằng cách vay mượn các ý tưởng từ thuyết tương đối rộng của Einstein, đó là cơ sở của quang học biến đổi tọa độ.

“Trong sự nghiệp rạng rỡ của ông, John đã cách mạng hóa cách các nhà vật lí nghĩ về vật liệu và, đặc biệt, cách các vật liệu phản ứng với ánh sáng,” phát biểu của chủ tịch Viện Vật lí Anh quốc, Peter Knight. “Các lí thuyết của ông đã truyền cảm hứng cho các nhà thực nghiệm trên khắp thế giới bắt tay vào thiết kế các dụng cụ siêu vật liệu, tất nhiên, trong đó có áo tàng hình hết sức nổi tiếng.”

Theo physicsworld.com

Mời đọc thêm