Một số ảnh đẹp chưa công bố trong kho di sản Hubble

Hiệp Khách Quậy Trong quyển sách mới xuất bản của tác giả Terence Dickinson, “Vũ trụ Hubble: Những khám phá vĩ đại nhất và những hình ảnh mới nhất”, có một số hình ảnh chưa từng được công bố trước đây. Và dưới đây là một vài hình ảnh trong... Xin mời đọc tiếp.

Trong quyển sách mới xuất bản của tác giả Terence Dickinson, “Vũ trụ Hubble: Những khám phá vĩ đại nhất và những hình ảnh mới nhất”, có một số hình ảnh chưa từng được công bố trước đây. Và dưới đây là một vài hình ảnh trong số đó được tác giả quyển sách chia sẻ cùng Universe Today.

NGC 2467

Ảnh trên là NGC 2467, một tinh vân giống như tinh vân Orion, nhưng ở xa hơn 11 lần, trong chòm sao phương nam Puppis. Một cái bọt đang sôi lên gồm những đám mây bụi hình dạng kì lạ tạo nền tảng cho những ngôi sao xanh mới sinh hiện ra từ khí và bụi. Phần lớn bức xạ bị hấp thụ tại đám mây được phát ra bởi ngôi sao đồ sộ sáng rực ở gần chính giữa ảnh. Bức xạ mãnh liệt của nó làm sáng rỡ khu vực xung quanh, và một vài thế hệ sao tiếp theo đang hình thành trong những vùng đặc hơn xung quanh rìa ảnh.

NGC 2060

Đám sao NGC 2060 chứa một sao siêu mới đã bùng nổ hồi khoảng 10.000 năm trước, làm thổi tung chất khí bao xung quanh đám.

tinh vân Ornament

Một lớp vỏ khí giữa các sao đang bị chấn động bởi sóng xung kích phát ra từ một sao siêu mới, tinh vân Ornament được chụp ảnh bởi kính thiên văn vũ trụ Hubble và kết hợp với ảnh chụp tia X từ Đài thiên văn tia X Chandra của NASA. Sao siêu mới đó đã nổ hồi gần 400 năm trước và có đường kính 23 năm ánh sáng. Tinh vân trên đang nở ra với tốc độ một khoảng cách Trái đất-Mặt trăng mỗi phút.

Thổ tinh

Bức chân dung Hubble lộng lẫy này của Thổ tinh làm lộ rõ những cái vành nổi tiếng nhìn nghiêng. Một vài trong số năm tá vệ tinh của Thổ tinh cũng được nhìn thấy, trong đó có Titan, vệ tinh lớn nhất, in bóng của nó lên hành tinh. Những cái vành có cấu tạo gồm hàng nghìn tỉ hạt băng có lẽ có xuất xứ từ sự va chạm của những vệ tinh lớn trong quá khứ xa xăm.

Tinh vân Quả trứng

Tinh vân Quả trứng. Những lớp bụi đồng tâm lan ra xa hơn 1/10 năm ánh sáng từ ngôi sao đang chết này. Chạy gần như thẳng đứng qua bức ảnh, một vành đai bụi dày đặc chặn mất ánh sáng của ngôi sao ở giữa. Hai chùm ánh sáng tỏa ra từ ngôi sao bị che khuất, soi sáng vùng bụi đen như mực giống như một đèn flash rọi trong một căn phòng đầy khói. Tinh vân trên được chụp ảnh qua các bộ lọc phân cực để đo xem bụi phản xạ ánh sáng như thế nào.

NGC 6384

NGC 6384. Sự ra đời sao trong thiên hà trung niên tương đối im lìm này đã suy tàn. Bức xạ và gió sao từ những ngôi sao xanh trẻ, siêu nóng đã quét sạch đám khí còn lại, làm tắt ngấm mọi sự sản sinh sao. Sự tập trung ánh sáng sao làm nổi rõ vùng trung tâm của thiên hà. Những viền bụi xoắn ốc, tỏa ra ngoài in bóng cùng đông đảo những ngôi sao trung niên trăng trắng. Những ngôi sao xanh trẻ hơn nhiều thì vạch ra những cánh tay xoắn ốc.

ARP 273

ARP 273. Một điệu waltz vũ trụ giữa hai thiên hà là kết quả của sự tương tác triều hấp dẫn do vị trí liền kề của chúng. Mặc dù thực tế chúng ở xa nhau hàng chục nghìn năm ánh sáng, nhưng một cầu thủy triều mảnh của vật chất vẫn vắt qua giữa cặp đôi hoàn hảo này. Vệt màu xanh vắt qua thiên hà ở phía trên là ánh sáng kết hợp từ những đám sao sáng, nóng, trẻ, màu xanh. Thiên hà đồng hành nhỏ hơn, nhìn gần như nghiêng cho thấy rõ vùng hình thành sao sôi sục tại nhân của nó. Trong tương lai xa, cặp đôi này sẽ tiến lại gần nhau và cuối cùng thì hợp nhất làm một.

Bộ ngũ Stephan

Bộ ngũ Stephan, một trong những ví dụ nổi tiếng nhất của các thiên hà đang tương tác. Ba thiên hà trong bộ này có hình dạng méo mó, những cánh tay xoắn ốc thuôn dài và những cái đuôi triều chất khí kéo dài chứa vô số đám sao. Sự tương tác giữa các thiên hà đã kích thích cơn thịnh nộ hình thành sao trong cặp đôi thiên hà quấn lấy nhau ngay phía trên giữa ảnh. Bộ phim dài tập này còn có dàn diễn viên phụ là phông nền gồm những thiên hà ở xa hơn. Thiên hà ở góc dưới bên trái là nằm ở tiền cảnh và không có vai nào trong nhóm. Nó ở cách Trái đất 40 triệu năm ánh sáng, trong khi những thành viên còn lại của bộ ngũ ở xa 290 triệu năm ánh sáng.

Toàn cảnh Thiên hà

Toàn cảnh Thiên hà. Đây chỉ là 1 trong 10 ảnh chụp tạo nên một bức chân dung toàn cảnh của những thiên hà ở xa. Một bức tranh phong phú gồm hàng nghìn thiên hà rải khắp phần lớn lịch sử của vũ trụ. Những thiên hà ở gần nhất phía trước đã phát ra ánh sáng quan sát thấy của chúng hồi khoảng một tỉ năm về trước. Những thiên hà ở xa nhất, hiện ra dưới dạng những vết đỏ hết sức mờ nhạt, được nhìn thấy lúc chúng xuất hiện hơn 13 tỉ năm trước. Nhìn xa vào vũ trụ đồng nghĩa với nhìn xa vào quá khứ xa xăm của nó.

Tinh vân Con kiến

Con kiến trong vũ trụ ư? Được đặt tên là Menzel 3 (Mz 3), và được gọi là Tinh vân Con kiến, thiên thể này trông na ná như phần đầu và phần ngực của một con kiến trong vườn nhà. Ngôi sao trung tâm trong Mz3 có thể có một bạn đồng hành tương đối gần đang tác dụng lực triều hấp dẫn làm định hình vùng chất khí lan tỏa ra. Ngôi sao trẻ rất đồ sộ Eta Carinae có diện mạo tỏa ra giống với Mz3.

Miệng hố thiên thạch Tycho

Miệng hố thiên thạch Tycho rộng 86 km trên Mặt trăng. Vì Mặt trăng đã được lập bản đồ chi tiết bởi những phi thuyền vũ trụ đang làm nhiệm vụ trực tiếp tại trận địa, nên ít có nhu cầu sử dụng Hubble để hướng về phía chị Hằng.

Messier 9

Bức ảnh này được công bố hồi đầu năm nay, và cho thấy rõ đám sao cầu sáng rỡ Messier 9, hay gọi đơn giản là M9, chứa nhung nhúc sao trong một đám mây hình cầu ở cách Trái đất khoảng 25.000 năm ánh sáng. Nó quá mờ nhạt để nhìn thấy bằng mắt trần, và khi nó được phát hiện ra bởi nhà thiên văn người Pháp Chalres Messier vào năm 1764, ông chỉ thấy nó dưới dạng một vết mờ trong chiếc kính thiên văn nhỏ của mình. Ông phân loại đám sao này là tinh vân. Bức chân dung Hubble này của M9 cho thấy rõ khoảng 250.000 ngôi sao.

Nguồn: Universe Today

Mời đọc thêm