Cặp đôi phi thuyền GRAIL hợp nhất trong quỹ đạo mặt trăng

Hiệp Khách Quậy Phi thuyền thứ hai trong cặp đôi phi thuyền song sinh GRAIL (Gravity Recovery And Interior Laboratory) đã tắt thành công động cơ chính của nó theo kế hoạch và nay đã đi vào quỹ đạo mặt trăng. GRAIL-A và GRAIL-B sẽ nghiên cứu mặt trăng một cách chi... Xin mời đọc tiếp.

Phi thuyền thứ hai trong cặp đôi phi thuyền song sinh GRAIL (Gravity Recovery And Interior Laboratory) đã tắt thành công động cơ chính của nó theo kế hoạch và nay đã đi vào quỹ đạo mặt trăng. GRAIL-A và GRAIL-B sẽ nghiên cứu mặt trăng một cách chi tiết chưa có tiền lệ trước đây.

 Ảnh minh họa GRAIL-B đang đi vào quỹ đạo mặt trăng

Ảnh minh họa GRAIL-B đang đi vào quỹ đạo mặt trăng. Ảnh: NASA/JPL-Caltech

GRAIL-B đi vào quỹ đạo mặt trăng lúc 2:43 chiều giờ PST, ngày hôm nay 02/01/2012. GRAIL-A đã hoàn tất việc tắt động cơ của nó vào hôm qua, lúc 2:00 chiều giờ PST. Phi thuyền đã đi vào một quỹ đạo elip, gần cực với chu kì quỹ đạo khoảng 11,5 giờ. Trong những tuần sắp tới, đội khoa học GRAIL sẽ cho tiến hành một chuỗi đốt nhiên liệu với mỗi phi thuyền để giảm chu kì quỹ đạo của chúng xuống dưới hai giờ. Lúc bắt đầu pha khoa học vào tháng 3/2012, hai phi thuyền GRAIL sẽ ở trong một quỹ đạo gần cực, gần tròn với cao độ khoảng 55 km.

“NASA đón chào năm mới với một sứ mệnh thám hiểm mới,” phát biểu của nhà quản trị NASA Charles Bolden. “Cặp đôi phi thuyền GRAIL sẽ mở rộng hết sức lớn đối với kiến thức của chúng ta về mặt trăng và sự tiến triển của hành tinh của chúng ta. Chúng tôi bắt đầu năm mới với việc nhắc nhở mọi người trên khắp thế giới rằng NASA làm những việc to tát, táo bạo để đạt tới những tầm cao mới và làm sáng tỏ cái chưa biết.”

Trong sứ mệnh khoa học của GRAIL, hai phi thuyền sẽ truyền tín hiệu vô tuyến xác định chính xác khoảng cách giữa chúng. Khi chúng bay trên những khu vực có lực hấp dẫn mạnh hơn và yếu hơn gây ra bởi những đặc điểm nhìn thấy như núi non và miệng hố, và những khối lượng ẩn bên dưới bề mặt mặt trăng, thì khoảng cách giữa hai phi thuyền sẽ biến thiên một chút.

Các nhà khoa học sẽ phiên dịch thông tin này thành một bản đồ phân giải cao của trường hấp dẫn của mặt trăng. Dữ liệu sẽ cho phép các nhà khoa học tìm hiểu cái xảy ra bên dưới bề mặt mặt trăng. Thông tin này sẽ tăng thêm kiến thức về cách thức trái đất và những láng giềng đất đá của nó trong hệ mặt trời nhóm trong phát triển như thế nào thành những thế giới đa dạng mà chúng ta thấy ngày nay.

Mỗi phi thuyền mang theo một camera nhỏ gọi là GRAIL MoonKAM (viết tắt có nghĩa là Kiến thức Mặt trăng Thiết yếu đối với học sinh Trung học cơ sở) với mục đích duy nhất là giáo dục và phổ biến kiến thức. Chương trình MoonKAM do Sally Ride lãnh đạo; bà là người phụ nữ Mĩ đầu tiên bay lên vũ trụ, và đội của bà tại Sally Rice Science hợp tác với các sinh viên chưa tốt nghiệp tại trường Đại học California ở San Diego.

GRAIL MoonKAM sẽ thu xếp cho các trường trung học cơ sở ở Mĩ tham gia vào sứ mệnh GRAIL và thám hiểm mặt trăng. Hàng nghìn học sinh từ lớp 5 đến lớp 8 sẽ chọn những khu vực mục tiêu trên bề mặt mặt trăng và gửi yêu cầu đến Trung tâm Điều hành Sứ mệnh GRAIL MoonKAM ở San Diego. Những ảnh chụp của khu vực mục tiêu sẽ được gửi qua vệ tinh GRAIL cho học sinh nghiên cứu.

Một cuộc thi tổ chức trong giới học sinh sinh viên Mĩ đã bắt đầu vào tháng 10/2011 cũng sẽ chọn những tên đặt mới cho cặp đôi phi thuyền. Dự kiến những tên gọi mới sẽ được công bố trong tháng 1/2012. Ride và Maria Zuber, nhà nghiên cứu chính của sứ mệnh GRAIL tại Viện Công nghệ Massachusetts ở Cambridge, là chủ tịch ban giám khảo vòng chung kết.

Trọng Nhân – thuvienvatly.com
Nguồn: JPL/NASA

Mời đọc thêm