Cẩm nang thám hiểm vũ trụ (Phần 25)

Hiệp Khách Quậy Với mỗi vòng quay của chúng ta xung quanh Hệ Mặt Trời, hãy tiếp tục hướng đến đích đến tiếp theo của chúng ta: các sao. Nếu bạn sống trong môi trường đô thị hay ngoại ô, có lẽ bạn có thể nhìn thấy vài tá hoặc thậm chí vài trăm ngôi... Xin mời đọc tiếp.

Chương 5

SỰ RA ĐỜI VÀ CUỘC ĐỜI CỦA CÁC SAO

Rất, rất nhiều ngôi sao khác… vô số không thể tin nổi luôn.

- Galileo Galilei

Một đêm đầy sao

Một đêm đầy sao ở Mũi Schanck, Victoria, Australia lung linh những dải bụi và tinh vân phát sáng, cùng với một vài tỉ sao tạo nên thiên hà Ngân Hà của chúng ta.

Với mỗi vòng quay của chúng ta xung quanh Hệ Mặt Trời, hãy tiếp tục hướng đến đích đến tiếp theo của chúng ta: các sao. Nếu bạn sống trong môi trường đô thị hay ngoại ô, có lẽ bạn có thể nhìn thấy vài tá hoặc thậm chí vài trăm ngôi sao vào một đêm quang đãng và không trăng. Nếu bạn có thể đi tới một nơi cách xa thị thành hay các nguồn sáng nhân tạo khác, thì bạn có thể chiêm ngưỡng tới vài nghìn ngôi sao.

Trong khi một bầu trời chi chít sao là một quang cảnh ngoạn mục để chiêm ngưỡng, như Vincent Van Gogh lưu giữ trong bức tranh Đêm Đầy Sao của ông, thì vòm trời ấn tượng đó chỉ tiêu biểu cho một giọt nước trong cả két nếu xét theo số lượng sao có ở ngoài kia. Sao là những viên gạch cấu trúc của các thiên hà, và thiên hà Ngân Hà của chúng ta chứa ước chừng 200 tỉ đến 400 tỉ sao.

Một đêm đầy sao

Có rất nhiều sao. Sự hiện diện khắp nơi và số lượng choáng ngợp của chúng là động cơ tốt để tìm hiểu chúng hoạt động như thế nào. Tuy nhiên, còn có nhiều lí do khác, trong đó có việc biết rõ hơn về cách ngôi sao địa phương của chúng ta (Mặt Trời) hoạt động và có thể hành xử trong tương lai.

Điều này đưa chúng ta đến với một trong những điểm đầu tiên và quan trọng nhất của chúng ta về các sao: chúng không tồn tại mãi mãi. Thay vậy, chúng cũng giống như con người. Nghĩa là, chúng ra đời, sống cuộc đời của chúng, và cuối cùng thì chết đi.

Các sao sống cuộc đời của chúng cụ thể ra sao tùy thuộc vào những đặc trưng quan trọng nhất định. Như với con người, có rất nhiều sự phức tạp, được xác định bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc chúng được làm bằng gì và môi trường mà chúng cư trú.

Mặt Trời

Mặt Trời là ngôi sao gần nhất. Bằng cách nghiên cứu Mặt Trời, nó ở đủ gần nên chúng ta có thể nhìn thấy mọi thứ một cách tường tận, chúng ta biết được những thông tin quan trọng về các sao khác ở xa chúng ta hơn.

Hãy bắt đầu với những điều cơ bản.

Các sao xuất hiện với màu sắc khác nhau, màu sắc thường cho biết ngôi sao nóng bao nhiêu. Trái với kinh nghiệm của chúng ta với bếp núc trong nhà, “màu đỏ” không phải lúc nào cũng có nghĩa là nhiệt độ cao nhất. Thật vậy, các sao màu lam và màu trắng là nóng nhất, trong khi các sao màu vàng nóng trung bình, còn các sao màu cam và màu đỏ thường là nguội hơn. Để tham khảo, Mặt Trời của chúng ta là một ngôi sao màu vàng, nó xếp vào hạng trung bình trên cấp nhiệt độ sao.

Một điểm quan trọng nữa của sao là khối lượng, hay kích cỡ, của nó. Là một quy tắc chỉ dẫn, ngôi sao càng lớn, thì tuổi thọ của nó sẽ càng ngắn. Lại một lần nữa, Mặt Trời của chúng ta rơi vào khoảng giữa và là một sao kích cỡ trung bình. Điều này có nghĩa là nó sẽ có thể sống trong khoảng 10 tỉ năm. Vì các nhà thiên văn ước tính rằng Mặt Trời đã hiện diện trong khoảng 5 tỉ năm, nên điều này cũng có nghĩa là nó đã ở tuổi trung niên theo đúng nghĩa đen. Ngược lại, các sao nhỏ hơn, hiệu quả nhiên liệu hơn, có thể sống thọ gấp vài lần Mặt Trời, còn những ngôi sao to nhất sẽ đốt sạch nguồn nhiên liệu của chúng chỉ trong vài triệu năm.

Các nhà thiên văn đã đi tới một phương pháp phức tạp để phân loại sao theo màu sắc, độ trưng, kích cỡ, giai đoạn sống, và các đặc trưng khác của chúng. Chẳng hạn, Mặt Trời được phân loại là G2V, G có nghĩa là nó là một ngôi sao màu vàng, số 2 cho biết nhiệt độ bề mặt của nó (khoảng 9900 độ Fahrenheit, hay 5500 độ Celsius), và V cho biết Mặt Trời là một sao thuộc dải chính sản sinh năng lượng của nó bằng phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, trừ khi bạn muốn nghiên cứu sự tiến hóa sao một cách tường tận, bằng không chúng tôi đề nghị bạn không nên quá lo lắng về những phân loại này.

CÁC CHÒM SAO

Trong nhiều nghìn năm qua, loài người đã săm soi bầu trời và phân biệt rõ các hình ảnh trên trời gồm các chấm sáng trắng. Bản thân mỗi người chúng ta hẳn cũng đã có nhiều đêm nhìn ngắm bầu trời và cố tìm ra những hình ảnh quen thuộc đó. Những hình ảnh này, gọi là các chòm sao, đã được sử dụng kể từ những nền văn minh sơ khai để lí giải những câu chuyện văn hóa, đưa ra lời giải thích cho những thứ đại loại như các biến đổi theo mùa, và giữ vai trò chỉ dẫn đặc biệt giúp định hướng tàu thuyền trên biển.

Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, ngày nay chúng ta biết rằng các sao tạo nên một chòm sao không nhất thiết ở gần nhau trong không gian. Thỉnh thoảng chúng đúng là hiện ra liền cạnh nhau từ vị trí thuận lợi của chúng ta trên Trái Đất, nhưng chúng thật sự có thể ở xa nhau hàng tỉ dặm tính trên đường nhìn đến chúng ta.

Ursa Major

Chòm sao Ursa Major (Đại Hùng) là một cảnh quan nổi tiếng ở Bán cầu Bắc. Mặc dù nó thường được gọi là Plough hay Big Dipper, nhưng đa số thần thoại đều nghĩ tới nó là một con gấu lớn, với ba ngôi sao ở bên trái là đuôi của nó và bốn ngôi sao ở bên phải là lưng của nó. (Ursa Major trong tiếng Latin nghĩa là “gấu lớn”). Hai ngôi sao ở xa bên trái, được gọi là “chỉ điểm”, vạch ra một đường có thể dùng để tìm Polaris (sao Bắc Đẩu), một thủ thuật đã được những người đi lại sử dụng trong hàng nghìn năm trời.

Ngày nay, chúng ta có tám mươi tám chòm sao “chính thức” được định nghĩa bởi Hiệp hội Thiên văn Quốc tế. Đa số các chòm sao hiện đại được công nhận có xuất xứ từ thần thoại Hi Lạp, La Mã, và Ai Cập cổ xưa. Nhưng hầu như mỗi nền văn minh cổ – từ Arab đến Trung Hoa đến người châu Mĩ Bản địa – đều có tên gọi riêng cho các chòm sao và những câu chuyện đi cùng với chúng.

Bạn có biết rằng các chòm sao của hoàng đạo dịch chuyển theo thời gian không? Đó là bởi vì Trái Đất chao đảo chút ít xung quanh trục của nó và trong tiến trình vài nghìn năm, các sao ở trên đầu không còn ở đúng nơi chúng từng ở trước đó. Vì thế, mặc dù hôm nay có thể bạn thuộc cung Bọ Cạp, nhưng biết đâu chừng, một ngày kia bạn lại thuộc cung Nhân Mã thì sao.

CẨM NANG THÁM HIỂM VŨ TRỤ
Kimberly Arcand và Megan Watzke
Trần Nghiêm dịch
Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm