Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn – Stephen Hawking (Phần cuối)

Hiệp Khách Quậy Dưới bầu trời xám xịt lạnh lẽo của ngày xuân Cambridge, chúng tôi ngồi trong đoàn xe tang hướng về phía Đại Giáo đường St Mary, giáo đường thuộc trường đại học, theo truyền thống là nơi tổ chức lễ tang của các học giả danh tiếng.... Xin mời đọc tiếp.

LỜI BẠT

Lucy Hawking

Dưới bầu trời xám xịt lạnh lẽo của ngày xuân Cambridge, chúng tôi ngồi trong đoàn xe tang hướng về phía Đại Giáo đường St Mary, giáo đường thuộc trường đại học, theo truyền thống là nơi tổ chức lễ tang của các học giả danh tiếng. Phố xá lặng thinh. Cambridge trông như không người, cả bóng dáng một khách du lịch vãng lai cũng không. Duy chỉ có màu sắc từ đèn chớp xanh của xe mô tô cảnh sát bảo vệ xe tang cùng với quan tài của bố tôi ở bên trong, rồi chúng tôi dừng lại tại nút giao thông.

Và rồi chúng tôi rẽ trái. Và tôi nhìn thấy đám đông, ken kín người dọc một trong những con phố danh giá nhất trên thế giới, King’s Parade, trái tim của thành Cambridge. Tôi chưa từng chứng kiến nhiều con người như thế lại lặng im như thế. Với băng rôn, cờ phướn, camera và điện thoại di động cầm giơ cao, dòng người miên man trên phố đứng lặng thinh thành kính khi hiệu trưởng trường Gonville and Caius, nơi làm việc của bố tôi, ăn mặc trịnh trọng với mũ quả dưa và gậy gỗ mun, bước trang nghiêm theo con phố đến gặp đoàn xe tang và cùng đi bộ đến nhà thờ.

Dì tôi nắm chặt tay tôi khi cả hai đầm đìa nước mắt, “Hẳn anh ta sẽ thích chuyện này,” dì thì thầm bên tai tôi.

Kể từ khi bố tôi qua đời, đã có quá nhiều thứ mà ông sẽ thích, quá nhiều thứ tôi ước gì ông có thể biết được. Tôi ước gì ông có thể chứng kiến sự ủng hộ nồng nhiệt dành cho ông, đến từ khắp nơi trên thế giới. Tôi ước gì ông có thể nghe được những lời yêu thương và tôn kính dành cho ông bởi hàng triệu con người mà ông chưa từng gặp mặt. Tôi ước gì ông biết rằng ông được mai táng tại Tu viện Westminster, nằm giữa hai người anh hùng khoa học của ông, Isaac Newton và Charles Darwin, và khi ông nằm yên nghỉ trong lòng đất mẹ thì giọng nói của ông sẽ được một kính thiên văn vô tuyến phát về hướng một lỗ đen.

Thế nhưng ông cũng sẽ tự hỏi không biết chuyện gì mà người ta làm om sòm thế nhỉ. Ông là một người khiêm tốn đến bất ngờ, mặc dù yêu thích ánh đèn sân khấu song dường như ông bị lúng túng bởi danh tiếng của mình. Một cụm từ trong quyển sách này đã nhảy ra khỏi trang sách trước mắt tôi khi tôi muốn tóm tắt thái độ của ông về chính mình: “nếu như tôi có đóng góp gì”. Ông là người duy nhất có thêm chữ “nếu” cho câu đó. Tôi nghĩ những người khác sẽ cảm thấy chắc ăn mình có đóng góp.

Và đóng góp ấy mới tuyệt làm sao. Cả trong nét uy nghi bao trùm công trình của ông về vũ trụ học, khảo sát cấu trúc và các nguồn gốc của chính vũ trụ lẫn ở lòng can đảm và hài hước hoàn toàn rất con người của ông khi đối mặt trước các thách thức. Ông tìm ra một cách đạt vượt quá các giới hạn hiểu biết đồng thời vượt qua các giới hạn của sự chịu đựng. Tôi tin rằng chính sự kết hợp này đã khiến ông trở thành một nhân vật biểu tượng như thế, dễ tiếp cận như thế, thân thiện như thế. Ông chịu đựng song ông nhẫn nại. Thật là nỗ lực biết bao để ông giao tiếp – nhưng ông đã cố gắng như thế, liên tục thích nghi với thiết bị của ông khi khả năng cử động tổn thất dần. Ông chọn lựa ngôn từ thật chính xác để chúng có được tác động tối đa khi nói qua giọng nói điện tử ngang phè đã trở nên hết sức ấn tượng khi ông sử dụng. Khi ông nói, mọi người lắng nghe, dù đó là các quan điểm của ông về NHS hay về sự giãn nở của vũ trụ, chưa bao giờ mất cơ hội chen vào một câu chuyện đùa, trình bày cùng gương mặt đơ nhất song với sự lấp lánh hiểu biết trong mắt ông.

Bố tôi còn là một người đàn ông trong gia đình, một thực tế lọt thỏm giữa rừng người cho đến khi bộ phim The Theory of Everything xuất hiện vào năm 2014. Chắc chắn đó là chuyện không bình thường, khi vào thập niên 1970, bạn tìm thấy một con người tật nguyền có vợ có con, rồi có cả sự tự động hóa mạnh mẽ và sự độc lập nữa. Lúc còn bé, tôi rất không thích cái cách những người lạ trân trân nhòm ngó chúng tôi, thỉnh thoảng còn há hốc miệng, khi bố tôi điều khiển cái xe lăn của ông ở tốc độ bàn thờ băng qua Cambridge, cạnh bên là hai đứa trẻ tóc vàng hoe cột bó, thường vừa chạy vừa cố ăn kem. Tôi nghĩ như thế là vô cùng thô lỗ. Tôi thường cố nhìn chằm chằm trở lại nhưng tôi không nghĩ sự phẫn nộ của tôi từng chạm trúng mục tiêu, nhất là từ một gương mặt trẻ con bê bết vì kẹo tan chảy.

Như thế không phải là một tuổi thơ bình thường, cho dù thả sức tưởng tượng như thế nào. Tôi biết điều đó – và đồng thời tôi chẳng hề biết. Tôi nghĩ sẽ hết sức bình thường nếu hỏi rất nhiều câu hỏi thách đố vì đây là việc chúng tôi làm tại nhà mình. Chỉ đến khi tôi ép một vị cha sở phát khóc vì tôi cứ đánh giá sát về bằng chứng của ông cho sự tồn tại của Chúa thì tôi mới vỡ lẽ rằng điều này là ngoài trông đợi.

Là một đứa bé, tôi đâu có nghĩ mình thuộc loại thích hỏi – tôi tin rằng đây là do anh trai tôi, lần nào thì anh tôi cũng thông minh hơn tôi (và bây giờ vẫn thế). Tôi nhớ có một lần gia đình nghỉ lễ – giống như nhiều kì nghỉ lễ gia đình khác, nó khớp một cách bí ẩn với một hội nghị vật lí ở nước ngoài. Anh tôi và tôi tham dự một số bài thuyết giảng, để cho mẹ tôi ngơi tay một chút với bổn phận chăm sóc cả cha lẫn con. Hồi đó, các bài giảng vật lí không nổi tiếng và chắc chắn không dành cho trẻ con. Tôi ngồi ở đó, vẽ nguệch ngoạc lên sổ tay của mình, còn anh tôi thì giơ cánh tay trần bé bỏng lên cao và nêu một câu hỏi với vị học giả danh tiếng đang trình bày, trong khi bố tôi bừng bừng mặt vì tự hào.

Người ta thường hỏi tôi, “Là con gái của Stephen Hawking thì sao nhỉ?” và chắc hẳn, chẳng có câu trả lời ngắn gọn nào làm người ta thỏa mãn hết. Tôi có thể nói rằng ấy cao thì rất là cao, thấp thì thấp tận đáy và ở lưng chừng giữa tồn tại một nơi chúng tôi thường gọi là “bình thường – dành cho chúng tôi”, một sự công nhận khi trưởng thành là cái chúng tôi cảm thấy bình thường chưa hẳn là bình thường đối với những người khác. Khi thời gian làm vơi đi nỗi đau thô thiển ấy, tôi sực tỉnh rằng tôi đã mất nhiều thời gian như thế để xử lí các trải nghiệm của chúng tôi. Hiểu theo kiểu nào đó, tôi còn không chắc tôi muốn gì. Đôi khi, tôi muốn bám lấy những lời cuối cùng mà bố nói với tôi, rằng tôi là một cô con gái đáng yêu và rằng tôi không nên sợ hãi. Tôi sẽ không bao giờ can đảm như bố – trong bản chất tôi không phải là người đặc biệt có dũng khí – nhưng bố đã chỉ ra cho tôi rằng tôi có thể thử sức. Và việc thử sức đó hóa ra có thể là phần quan trọng nhất của lòng dũng cảm.

Bố tôi không bao giờ bỏ cuộc, ông không bao giờ thôi chiến đấu. Ở tuổi bảy mươi lăm, hoàn toàn bị tê liệt và chỉ có thể cử động vài cơ mặt, ông vẫn thức dậy mỗi ngày, mặc quần áo và đi làm. Ông có công việc để làm và không để cho những chuyện vô vị xen vào con đường của ông. Nhưng tôi phải nói rằng, giá như ông biết về những chiếc mô tô hộ tống của cảnh sát có mặt tại tang lễ của ông, thì ông đã nhờ họ mỗi ngày dẫn đường cho ông qua luồng giao thông đông đúc buổi sáng từ nhà ông ở Cambridge đến chỗ làm.

Thật hạnh phúc, ông thật sự biết về quyển sách này. Đó là một trong những dự án mà ông đã làm trong cái hóa ra là năm làm việc cuối cùng của ông trên Trái Đất. Ý tưởng của ông là mang toàn bộ những bài viết đương thời của ông in thành một bộ. Giống như nhiều thứ từng xảy ra kể từ khi ông qua đời, tôi ước gì ông có thể chứng kiến được phiên bản cuối cùng ấy. Tôi nghĩ ông sẽ rất tự hào về quyển sách này và thậm chí cuối cùng ông phải thừa nhận rằng suy cho cùng thì ông đã có đóng góp cho đời.

Lucy Hawking

Tháng Bảy 2018  


 

Cảm tạ

Ban di sản Stephen Hawking chân thành cảm tạ Kip Thorn, Eddie Redmayne, Paul Davies, Seth Shostak, Dame Stephanie Shirley, Tom Nabarro, Martin Rees, Malcolm Perry, Paul Shellard, Robert Kirby, Nick Davies, Kate Craigie, Chris Simms, Doug Abrams, Jennifer Hershey, Anne Speyer, Anthea Bain, Jonathan Wood, Elizabeth Forrester, Yuri Milner, Thomas Hertog, Ma Hauteng, Ben Bowie và Fay Dowker vì sự giúp đỡ của họ trong việc biên soạn quyển sách này.

Stephen Hawking nổi tiếng vì những hợp tác khoa học và sáng tạo của ông trong suốt sự nghiệp của mình, từ nghiên cứu cùng các cộng sự về những bài báo khoa học mang tính đột phá cho đến hợp tác với các nhà biên kịch, ví dụ đội biên kịch The Simpsons. Trong những năm tháng về cuối đời, Stephen cần mức hỗ trợ tăng dần từ những người xung quanh ông, cả về mặt kĩ thuật và trợ giúp giao tiếp. Ban di sản muốn gửi lời cảm tạ tất cả những người đã từng giúp Stephen giữ giao tiếp với thế giới.


 

Các sách của Stephen Hawking

  • A Brief History of Time
  • Black Holes and Baby Universes and Other Essays
  • The Illustrated A Brief History of Time
  • The Universe in A Nutshell
  • A Briefer History of Time (với Leonard Mlodinow)
  • The Grand Design (với Leonard Mlodinow)
  • My Brief History
  • Brief Answers to the Big Questions

Dành cho trẻ em

  • George’s Secret Key to the Universe (với Lucy Hawking)
  • George’s Cosmic Treasure Hunt (với Lucy Hawking)
  • George and the Big Bang (với Lucy Hawking)
  • George and the Unbreakable Code (với Lucy Hawking)
  • George and the Blue Moon (với Lucy Hawking)

Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn | Stephen Hawking
<< Phần trước

Mời đọc thêm