Phỏng vấn nhà săn lùng ET số một hành tinh

Hiệp Khách Quậy Sau 35 năm tìm kiếm, Jill Tarter đã về vườn và được xem là nhà săn lùng sự sống ngoài hành tinh (ET) hàng đầu trên Trái đất. Tạp chí New Scientist có cuộc phỏng vấn với bà. Xin mời đọc tiếp.

Sau 35 năm tìm kiếm, Jill Tarter đã về vườn và được xem là nhà săn lùng sự sống ngoài hành tinh (ET) hàng đầu trên Trái đất. Tạp chí New Scientist có cuộc phỏng vấn với bà.

SETI, chương trình tìm kiếm trí thông minh ngoài địa cầu, đã diễn ra hơn 50 năm trời. Cho đến nay, bao nhiêu phần trăm vũ trụ đã được khảo sát rồi thưa bà?

Tôi nghĩ tới một so sánh khá chính xác là hãy xem không gian vũ trụ có thể tìm kiếm là giống như các đại dương trên Trái đất. Chúng ta đã múc được một ly 8-ounce ra khỏi đại dương đó, nhìn chăm chú vào đó và nói, ái chà có cá hay không đây? Vâng, được rồi, không có cá ư? Điều này có nghĩa là không có cá trong đại dương, hay vì chúng ta chưa lấy mẫu đủ tốt đây? Tôi nghĩ chắc là trường hợp thứ hai rồi.

Mới múc một ly nước của đại dương thôi ư?

Nghe tệ thật! Nhưng tin tốt lành là những công cụ mà chúng ta có trong tay lúc này đang ngày một tốt hơn, nhanh hơn và to hơn. Rốt cuộc chúng ta đã có một bộ công cụ có lẽ đủ để thực thi nhiệm vụ đó.

 “Nếu người ngoài hành tinh đến đây, họ sẽ là lớp người tiên tiến” (Ảnh: Seth Shostak/SETI Institute)

“Nếu người ngoài hành tinh đến đây, họ sẽ là lớp người tiên tiến” (Ảnh: Seth Shostak/SETI Institute)

Thật ra thì bà săn tìm sự sống ngoài hành tinh như thế nào?

SETI là một nỗ lực phát hiện từ xa bằng chứng của công nghệ của giống loài nào đó. Chúng tôi đang tìm kiếm những dấu hiệu rõ ràng có sự can thiệp của kĩ thuật. Trong phổ vô tuyến, chúng tôi tìm kiếm những dấu hiệu xảy ra ở một tần số duy nhất. Ở những tín hiệu quang học, chúng tôi đang tìm những lóe sáng chỉ tồn tại trong một nano giây hoặc ngắn hơn – các laser có thể làm như thế. Chúng tôi đang sử dụng công nghệ làm cầu nối ủy nhiệm cho trí thông minh.

Bà sẽ làm gì nếu như bà tìm thấy một tín hiệu đến từ một hành tinh ở xa?

Uống champagne thôi – chúng tôi cất champagne trong hầm băng vì chúng tôi có kế hoạch cho ngày thành công. Nhưng cái trước tiên bạn nên làm là lo xem mình có bị lừa hay không đã. Bạn cần có một sự xác nhận độc lập với trang thiết bị mà bạn không có, và với phần mềm mà bạn không viết ra. Đội của chúng tôi tại Viện SETI đã kí một điều khoản không chính thức được soạn ra hồi thập niên 1980, điều khoản nói đơn giản rằng hãy làm khoa học cho tốt, có xác nhận độc lập, sau đó mới công bố với toàn thế giới. Chúng tôi tiếp tục nói rằng chúng tôi, những người kí tên, sẽ không truyền thông tin trả lời cho đến khi có một sự nhất trí toàn cầu rằng chúng tôi có nên không, và nếu có, thì chúng tôi nên nói gì và ai sẽ đứng ra nói về Trái đất này.

Việc chờ có sự nhất trí mới trả lời tín hiệu ngoài hành tinh nghe có vẻ hay, nhưng điều đó có thực tế không?

Đây là quy định. Nhưng mỗi khi Freeman Dyson, một nhà vật lí tuyệt vời đấy, có mặt trong phòng và nghe tôi nói vậy, ông ta cứ cười thầm. Ông nói ngay khi bạn loan báo phát hiện ra tín hiệu như thế, thì bất kì ai có thể với tay lên máy truyền tín hiệu cũng sẽ làm như vậy. Và họ sẽ truyền đi bất cứ thông tin quái quỷ gì mà họ muốn đấy chứ, và bạn sẽ không điều khiển nổi đâu. Sẽ có sự bát nháo thông tin lan đi từ Trái đất này.

Stephen Hawking cho rằng việc truyền thông tin về sự tồn tại của chúng ta cho những người ngoài hành tinh là quá mạo hiểm, vì họ có thể tiến đến và thôn tính Trái đất. Bà có đồng ý như vậy không?

Stephen có thể đúng – cả hai người chúng tôi đều chẳng phải là chuyên gia về tâm lí học ngoài hành tinh. Loài người trước đây đã từng đối xử với nhau chẳng tốt đẹp gì, tôi đồng ý với điều đó. Nhưng tôi có thể tưởng tượng ra một kịch bản khác: nếu như người ngoài hành tinh nào đến được đây, ắt họ phải có công nghệ tiến bộ hơn nhiều so với chúng ta bây giờ. Họ sẽ chững chạc hơn chúng ta. Tôi không nghĩ bạn là người chững chạc trừ khi bạn bỏ đi ý nghĩ rằng sự xâm lược có thể giúp phát triển trí tuệ của bạn trong các thời kì phát triển. Nhân thể, nếu họ đến được đây, họ sẽ là lớp người tiên tiến.

Nếu chúng ta quyết định trả lời tín hiệu của người ngoài Trái đất, bà nghĩ ai sẽ là người phát ngôn cho Trái đất?

Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã cân nhắc câu hỏi đó và chúng tôi đã có khá nhiều cuộc gặp mặt. Nhưng những cuộc gặp đó gồm những người đứng đầu thế giới, thường là người da trắng – không đại diện cho số đông văn hóa, truyền thống và tôn giáo trên thế giới. Hiện nay tôi đang bắt đầu nghĩ rằng cách để có được sự bàn luận như vậy là nên khai thác lợi thế của các phương tiện truyền thông xã hội ở tất cả những nước đang phát triển này. Như thế có thể giải quyết được vấn đề.

Bà muốn để công chúng bàn luận rộng rãi cách hồi đáp những người ngoài hành tinh à?

Tôi nghĩ sự bàn luận như thế sẽ tốt cho hành tinh chúng ta. Chúng ta càng nói nhiều về SETI, thì chúng ta càng có nhiều cá nhân liên quan có suy nghĩ như thế, có lẽ chúng ta chỉ là một trong một số nền văn minh trong vũ trụ mà thôi. Điều đó có ý nghĩa đối với tất cả loài người chúng ta, chúng ta đều giống nhau khi so sánh với ai đó khác ở ngoài xa kia. Chúng ta đều là sinh vật Trái đất. Vì thế, sự bàn luận mang tính toàn cầu như vậy là một cách đưa quan niệm này ra với thế giới và có thể xoa dịu những bất đồng giữa chúng ta rằng chúng ta có sẵn sàng hòa chung dòng máu hay không.

Bà có kế hoạch khởi xướng sự bàn luận này hay không?

Nó nằm trong danh sách những việc tôi làm. Nhưng cái đầu tiên trong danh sách của tôi là tìm kiếm nguồn tài chính cho Trung tâm Nghiên cứu SETI tiếp tục hoạt động, bây giờ tôi đã nghỉ hưu.

Bà cảm thấy như thế nào về việc tìm nguồn tài trợ thay vì tìm người ngoài hành tinh?

Tìm tài trợ không phải là chuyện tôi yêu thích gì, nhưng có những việc tôi không thể không để mắt tới được. Chúng tôi không muốn thấy Ma trận Kính thiên văn Allen [kính thiên văn SETI buộc phải đóng cửa trong bảy tháng hồi năm ngoái do thiếu tài chính hoạt động] bị đóng cửa lần nữa. Chúng tôi muốn xây dựng nhiều anten hơn. Chúng tôi mới có 42 cái nhưng nếu chúng tôi tăng số lượng lên 350 hoặc 500 thì chúng tôi sẽ có một chiếc kính thiên văn tầm cỡ thế giới.

Bà có bao giờ bắt gặp tín hiệu nào mà bà nghĩ có thể nó đến từ người ngoài hành tinh không?

Chuyện không xảy ra thường xuyên lắm, nhưng thật sự hấp dẫn đấy. Bạn sẽ hào hứng cao độ. Lần mới đây nhất là vào năm 1997. Khối thiết bị của chúng tôi đặt tại Green Bank, Tây Virginia, nhưng chúng tôi luôn luôn quan sát với một chiếc kính thiên văn thứ hai để phân biệt tín hiệu có nguồn gốc từ công nghệ của chúng ta hay có thể xuất xứ từ công nghệ ngoài hành tinh. Lúc ấy, chiếc kính thiên văn thứ hai bị sét đánh trúng, nên trong vài ngày chúng tôi chỉ có một kính thiên văn thôi. Một tín hiệu xuất hiện đã khiến chúng tôi hí hửng suốt cả ngày. Nó rõ ràng có nguồn gốc từ con người. Trên màn hình, trông nó tựa như một loại hàng rào kiểu cọc đứng. Rõ ràng đó chẳng phải là cái do Mẹ Thiên nhiên tạo ra. Mất mấy giờ chúng tôi mới phân tích rõ tín hiệu đó thật ra đến từ phi thuyền vũ trụ SOHO. Nếu chúng tôi có chiếc kính thiên văn thứ hai, chúng tôi sẽ biết điều đó ngay tức thì.

Trong tác phẩm Contact của Carl Sagan, nhân vật chính, Ellie Arroway, người ta cho rằng đó là hiện thân bà. Điều đó có đúng không?

Ellie Arroway là Carl. Suy nghĩ của cô ta là suy nghĩ, khát vọng và ước mơ của Carl hiện thân trong một nhân vật nữ. Nhưng những kinh nghiệm mà cô ta trải qua lúc còn trẻ khi làm việc trong lĩnh vực do nam giới thống lĩnh là những kinh nghiệm mà tôi đã từng có. Thực tế cái chết của cha cô ta khi cô còn nhỏ là một nhân tố quan trọng trong việc định hình sự nghiệp của cô, và với tôi cũng thế. Đó là con đường khó khăn nhất để nhận ra bài học lạc thú nhãn tiền này.

Trước khi tôi đọc quyển sách đó, Annie [Druyan, vợ của Sagan] và Carl có mời tôi đến nhà họ dự bữa tiệc nhẹ. Annie nói: “Chị có thể nhận ra ai đó trong quyển sách, nhưng tôi nghĩ chị giống với cô ta.” Tôi nói: vậy thì cô đừng có ăn kem nhé, sau đó thì không ai nghĩ đó là tôi nữa. Đó là loại cá tính riêng của tôi lúc ấy.

Ngoài việc tìm nguồn tài trợ, bà sẽ làm gì khi không còn lãnh đạo chương trình săn tìm ET nữa?

Vợ chồng tôi có một chiếc phi cơ, chúng tôi thích bay lượn lắm. Chúng tôi thích nhảy samba nữa. Tôi còn muốn dành thời gian học một khóa gõ nhạc tại trường jazz ở Berkeley. Nhưng chủ yếu tôi sẽ làm việc cho đến khi SETI được tài trợ lâu dài.

Trần Nghiêm – thuvienvatly.com
Nguồn: New Scientist

Mời đọc thêm