Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn – Stephen Hawking (Phần 12)

Hiệp Khách Quậy Tôi muốn bàn một chút về sự phát triển của sự sống trong vũ trụ, và nhất là sự phát triển của sự sống thông minh. Tôi sẽ xem đây bao gồm cả chủng loài người, mặc dù phần lớn hành vi của nó xuyên suốt lịch sử khá là xuẩn ngốc... Xin mời đọc tiếp.

Chương 3

Có sự sống thông minh khác trong vũ trụ hay không?

Tôi muốn bàn một chút về sự phát triển của sự sống trong vũ trụ, và nhất là sự phát triển của sự sống thông minh. Tôi sẽ xem đây bao gồm cả chủng loài người, mặc dù phần lớn hành vi của nó xuyên suốt lịch sử khá là xuẩn ngốc và không được tính là hỗ trợ cho sự tồn vong của giống loài. Hai câu hỏi mà tôi sẽ thảo luận là “Xác suất của sự sống tồn tại ở đâu đó khác trong vũ trụ là bao nhiêu?” và “Sự sống có thể phát triển như thế nào trong tương lai?”

Một kinh nghiệm được chia sẻ bởi nhiều người là mọi thứ trở nên mất trật tự và lộn xộn hơn theo thời gian. Thậm chí quan sát này còn có một định luật riêng của nó, cái gọi là định luật thứ hai của nhiệt động lực học. Định luật này nói rằng tổng lượng mất trật tự, hay entropy, trong vũ trụ luôn luôn tăng theo thời gian. Tuy nhiên, định luật này chỉ ám chỉ tổng lượng mất trật tự thôi. Một vật có thể tăng tính trật tự miễn là lượng mất trật tự trong môi trường xung quanh của nó cũng tăng một lượng bằng như vậy.

Đây là cái xảy ra ở một sinh vật sống. Chúng ta có thể định nghĩa sự sống là một hệ trật tự có khả năng tự duy trì chống lại sự mất trật tự và có thể tự sao chép. Nghĩa là nó có thể tạo ra những hệ trật tự đơn giản, nhưng độc lập. Để làm những việc này, hệ phải biến đổi năng lượng ở một dạng trật tự nào đó – như thức ăn, ánh sáng Mặt Trời, hay điện năng – thành năng lượng mất trật tự, ở dạng nhiệt. Bằng cách này, hệ có thể thỏa mãn yêu cầu rằng tổng lượng mất trật tự tăng lên, đồng thời tăng trật tự ở chính nó và con cái của nó. Điều này nghe na ná như là các vị bố mẹ sống trong một căn nhà trở nên lộn xộn và lộn xộn hơn nữa mỗi khi họ sinh thêm một em bé.

Một sinh vật sống như bạn hoặc tôi thường có hai yếu tố: một tập hợp gồm các chỉ dẫn cho hệ thống biết cách tiếp tục vận hành và cách tự sao chép, và một cơ chế thực hiện các chỉ dẫn đó. Trong sinh học, hai bộ phận này được gọi là gen và sự trao đổi chất. Thế nhưng cái cần nhấn mạnh là chẳng cần tính chất sinh vật học nào ở chúng hết. Ví dụ, một virus máy tính là một chương trình sẽ tự sao chép chính nó trong bộ nhớ máy tính, và sẽ lan truyền chính nó sang những máy tính khác. Như vậy, nó khớp với định nghĩa về một hệ sống mà tôi đã nêu. Giống như một virus sinh học, nó là một dạng hơi suy biến, bởi vì nó chỉ chứa các chỉ dẫn hay các gen, và không hề có sự trao đổi chất nào của riêng nó. Thay vậy, nó tự lập trình sự trao đổi chất của máy chủ, hay của tế bào. Một số người nghi vấn không biết có nên xem các virus như thế là sự sống hay không, bởi vì chúng là vật kí sinh, và không thể tồn tại độc lập với vật chủ của chúng. Nhưng thế thì đa số các dạng sống, kể cả sự sống của chúng ta, đều là kí sinh, bởi vì chúng đều cần cấp dưỡng và sự tồn vong của chúng phụ thuộc vào những dạng sống khác. Tôi nghĩ virus máy tính nên được tính là sự sống. Có lẽ nó nói lên đôi điều về bản chất con người rằng dạng sống duy nhất mà chúng ta từng tạo ra cho đến nay là thuần túy phá hoại. Hãy nói một chút về việc tạo ra sự sống theo hình ảnh của chính chúng ta. Tôi sẽ trở lại các dạng điện tử của sự sống ở phần sau.

Chúng ta thường nghĩ “sự sống” là cái được xây dựng trên các chuỗi nguyên tử carbon, cùng với một vài nguyên tử khác như nitrogen hay phosphorus. Người ta có thể cãi rằng có lẽ còn có sự sống với một cơ sở hóa chất nào đó khác, như silicon, song carbon có vẻ là trường hợp được ưa chuộng nhất, vì nó có cơ sở hóa học phong phú nhất. Để các nguyên tử carbon tồn tại, cùng với các tính chất như chúng có, đòi hỏi một sự điều chỉnh tinh vi của các hằng số vật lí, ví dụ cấp độ QCD, điện tích và cả chiều không-thời gian nữa. Nếu các hằng số này có giá trị khác đi đáng kể, thì hoặc là hạt nhân của nguyên tử carbon sẽ không bền, hoặc là các electron sẽ suy sụp lên hạt nhân. Thoạt nhìn, cái có vẻ nổi bật là vũ trụ được điều chỉnh khá tinh tế. Có lẽ đây là bằng chứng rằng vũ trụ đã được thiết kế đặc biệt để tạo ra chủng loài người. Tuy nhiên, người ta nên thận trọng trước những lập luận như thế, do bởi Nguyên lí Vị nhân sinh, ý tưởng cho rằng các lí thuyết của chúng ta về vũ trụ phải tương thích với sự tồn tại của chính chúng ta. Điều này dựa trên sự thật hiển nhiên rằng nếu vũ trụ đã chẳng thích hợp cho sự sống thì chúng ta làm gì có mặt mà nêu câu hỏi vì sao nó được điều chỉnh tinh vi đến thế. Người ta có thể áp dụng Nguyên lí Vị nhân sinh hoặc ở dạng Mạnh hoặc ở dạng Yếu của nó. Đối với Nguyên lí Vị nhân sinh Mạnh, người ta cho rằng có nhiều vũ trụ khác nhau, mỗi vũ trụ có một giá trị khác của các hằng số vật lí. Trong một số lượng nhỏ vũ trụ, các giá trị ấy sẽ cho phép tồn tại những vật như nguyên tử carbon, nó có thể giữ vai trò viên gạch cấu trúc của các hệ sống. Vì chúng ta phải sống trong một trong những vũ trụ này, thành ra chúng ta không nên bất ngờ rằng các hằng số vật lí được điều chỉnh tinh tế. Nếu chúng không như thế, thì chúng ta đã chẳng có mặt nơi này. Hình thức Mạnh của Nguyên lí Vị nhân sinh do đó là không thỏa đáng lắm, bởi vì người ta có thể gán ý nghĩa vận hành gì cho sự tồn tại của tất cả những vũ trụ khác đó chứ? Và nếu chúng tách biệt với vũ trụ của chính chúng ta, thì làm thế nào cái xảy ra trong chúng ảnh hưởng đến vũ trụ của chúng ta? Thay vậy, tôi sẽ chấp nhận cái gọi là Nguyên lí Vị nhân sinh Yếu. Nghĩa là, tôi sẽ lấy giá trị của các hằng số vật lí như đã cho. Nhưng tôi sẽ xét xem ta có thể rút ra những kết luận gì từ thực tế sự sống tồn tại trên hành tinh này ở giai đoạn này trong lịch sử của vũ trụ.

Đã chẳng hề có carbon lúc vũ trụ ra đời trong Vụ Nổ Lớn, khoảng chừng 13,8 tỉ năm trước. Nó nóng đến mức toàn bộ vật chất đều ở dạng hạt gọi là proton và neutron. Ban đầu sẽ có lượng proton và neutron ngang nhau. Tuy nhiên, khi vũ trụ giãn nở, nó nguội đi. Khoảng một phút sau Big Bang, nhiệt độ sẽ hạ xuống còn khoảng một tỉ độ, khoảng gấp 100 lần nhiệt độ trên Mặt Trời. Ở nhiệt độ này, các neutron bắt đầu phân hủy tạo ra nhiều proton hơn.

Nếu tất cả điều xảy ra chỉ có thế, thì toàn bộ vật chất trong vũ trụ sẽ biến thành nguyên tố đơn giản nhất, hydrogen, hạt nhân của nó chỉ gồm một proton. Tuy nhiên, một số neutron đã va chạm với proton và dính vào nhau, tạo thành nguyên tố đơn giản tiếp theo, helium, hạt nhân của nó gồm hai proton và hai neutron. Thế nhưng chẳng có nguyên tố nào khác nặng hơn, như carbon hay oxygen, được hình thành trong vũ trụ sơ khai. Khó mà tưởng tượng được rằng người ta có thể xây dựng một hệ sống chỉ từ hydrogen và helium – và nói gì đi nữa thì vũ trụ sơ khai vẫn quá nóng để các nguyên tử kết hợp thành phân tử.

Vũ trụ tiếp tục giãn ra và lạnh đi. Thế nhưng một số vùng có mật độ hơi cao hơn những vùng khác và lực hút hấp dẫn của vật chất dôi dư ở những vùng đó làm chậm sự giãn nở của chúng, và cuối cùng làm ngừng hẳn. Thay vậy, chúng co sụp thành các thiên hà và các sao, bắt đầu từ lúc khoảng hai tỉ năm sau Big Bang. Một số sao sơ khai nặng hơn nhiều so với Mặt Trời của chúng ta; chúng nóng hơn Mặt Trời nhiều và đã đốt cháy hydrogen và helium ban đầu thành các nguyên tố nặng hơn, ví như carbon, oxygen và sắt. Điều này có thể chỉ cần vài trăm triệu năm thôi. Sau đó, một số sao phát nổ dưới dạng siêu tân tinh và gieo rắc các nguyên tố nặng vào không gian, để hình thành vật liệu thô cho các thế hệ sao sau này.

Các sao khác ở quá xa chúng ta để có thể nhìn thấy trực tiếp xem chúng có các hành tinh quay xung quanh hay không. Tuy nhiên, có hai kĩ thuật cho phép chúng ta khám phá các hành tinh quay xung quanh các sao khác. Thứ nhất là nhìn vào một sao và xem lượng ánh sáng đến từ nó có không đổi hay không. Nếu một hành tinh đi qua phía trước ngôi sao, thì ánh sáng đến từ ngôi sao đó sẽ bị che đi một chút. Ngôi sao sẽ mờ đi một chút. Nếu điều này xảy ra đều đặn, thì đó là vì quỹ đạo của hành tinh đưa nó ra phía trước ngôi sao thường kì. Một phương pháp thứ hai là đo vị trí của ngôi sao thật chính xác. Nếu một hành tinh quay xung quanh một ngôi sao, thì nó sẽ gây ra một sự chao đảo nhỏ ở vị trí của ngôi sao. Điều này có thể được quan sát và một lần nữa, nếu nó chao đảo đều đặn, thì người ta suy ra đó là vì một hành tinh đang quay xung quanh ngôi sao. Các phương pháp này được áp dụng đầu tiên cách nay khoảng hai mươi năm và cho đến nay vài nghìn hành tinh đã được tìm thấy đang quay xung quanh các sao ở xa. Người ta ước tính cứ năm sao thì có một sao có một hành tinh giống-Trái Đất quay xung quanh nó ở khoảng cách tính đến ngôi sao là thích hợp cho sự sống như chúng ta biết. Hệ Mặt Trời của chính chúng ta đã ra đời khoảng bốn tỉ rưỡi năm trước, hay là nhỉnh hơn chín tỉ năm sau Big Bang, từ chất khí tồn đọng với tàn dư của các sao sớm hơn. Trái Đất được hình thành chủ yếu từ các nguyên tố nặng, bao gồm carbon và oxygen. Bằng cách nào đó, một số nguyên tử này đã đi đến sắp xếp ở dạng các phân tử ADN. Phân tử này có dạng xoắn kép nổi tiếng, được khám phá vào thập niên 1950 bởi Francis Crick và James Watson trong một căn nhà gỗ tạm trên đất New Museum ở Cambridge. Liên kết hai chuỗi của xoắn kép là các cặp base gốc nitrogen. Có bốn loại base gốc nitrogen – adenine, cytosine, guanine, và thymine. Mỗi adenine trên một chuỗi luôn khớp với một thymine trên chuỗi kia, và mỗi guanine gắn với một cytosine. Như vậy, dãy base gốc nitrogen trên chuỗi này xác định một dãy bổ sung, độc nhất trên chuỗi kia. Hai chuỗi có thể tách ra và mỗi chuỗi tác dụng như một khuôn mẫu để xây dựng những chuỗi khác nữa. Do đó, phân tử ADN có thể sao chép thông tin di truyền được mã hóa trong dãy base gốc nitrogen của chúng. Các đoạn của dãy base cũng có thể được dùng để tạo ra các protein và các hóa chất khác, chúng có thể thực hiện các chỉ dẫn, được mã hóa trong dãy base, và lắp ráp vật liệu thô cho ADN tự sao chép.

Như tôi đã nói từ trước, chúng ta không biết các phân tử ADN đã xuất hiện như thế nào lúc ban đầu. Vì xác suất để một phân tử ADN phát sinh bởi các thăng giáng ngẫu nhiên là rất nhỏ, nên một số người đề xuất rằng sự sống đã du nhập đến Trái Đất từ một nơi nào đó khác – chẳng hạn, được mang đến đây trên những tảng đá vỡ ra từ sao Hỏa lúc các hành tinh vẫn chưa ổn định – và rằng có những hạt giống của sự sống trôi nổi khắp thiên hà. Tuy nhiên, dường như không có khả năng cho ADN sống sót dài ngày trong bức xạ trong không gian.

Nếu sự xuất hiện của sự sống trên một hành tinh cho trước là rất không thể, thì người ta có thể kì vọng nó cần một thời gian dài. Chính xác hơn, người ta có thể kì vọng sự sống càng muộn càng tốt đồng thời vẫn đảm bảo thời gian cho sự tiến hóa sau đó thành sự sống thông minh, kiểu như chúng ta, trước khi Mặt Trời kiệt lực và nhận chìm Trái Đất. Cửa sổ thời gian trong đó điều này có thể xảy ra là tuổi thọ của Mặt Trời – chừng mười tỉ năm. Trong thời gian đó, một dạng sống thông minh có thể làm chủ việc du hành vũ trụ và có thể thoát sang một sao khác. Nhưng nếu không thoát được, thì sự sống trên Trái Đất sẽ diệt vong.

Có bằng chứng hóa thạch cho thấy đã có một dạng sống nào đó trên Trái Đất lúc khoảng ba tỉ rưỡi năm trước. Đây có thể là lúc mới 500 triệu năm sau khi Trái Đất trở nên ổn định và đủ nguội cho sự sống phát triển. Thế nhưng sự sống cần bảy tỉ năm để phát triển trong vũ trụ và vẫn đủ thời gian để tiến hóa thành những sinh vật như chúng ta, thì người ta có thể đặt câu hỏi về nguồn gốc của sự sống. Nếu xác suất để sự sống phát triển trên một hành tinh cho trước là rất nhỏ, vậy thì tại sao nó lại xuất hiện trên Trái Đất lúc khoảng một phần mười bốn quỹ thời gian sẵn có?

Sự xuất hiện ban đầu của sự sống trên Trái Đất đề xuất rằng có một xác suất tốt để hình thành tự phát sự sống trong những điều kiện thích hợp. Có lẽ đã có một dạng tổ chức nào đó đơn giản hơn tạo nên ADN. Một khi ADN xuất hiện, nó đã thành công đến mức nó thay thế hoàn toàn những hình thức khác. Chúng ta không biết những hình thức sớm hơn này sẽ là gì, song một khả năng đó là ARN.

ARN giống ADN, nhưng đơn giản hơn một chút, và không có cấu trúc xoắn kép. Các đoạn ngắn ARN có thể tự sao chép giống như ADN, và cuối cùng có thể tạo nên ADN. Chúng ta không thể làm ra các acid nucleic này từ vật liệu không-sống. Nhưng cho trước 500 triệu năm, và các đại dương bao phủ phần lớn Trái Đất, có lẽ có một xác suất hợp lí để ARN được tạo ra do may rủi.

Khi ADN tự sao chép, sẽ có những sai sót ngẫu nhiên, nhiều trong số đó sẽ có hại và sẽ gây diệt vong. Một số sẽ là trung tính – chúng sẽ không ảnh hưởng đến chức năng của gen. Và một vài sai sót sẽ có lợi cho sự tồn vong của chủng loài – những sai sót này sẽ được chọn lọc bởi sự chọn lọc tự nhiên theo Darwin.

Ban đầu, quá trình tiến hóa sinh học diễn ra rất chậm. Mất khoảng hai tỉ rưỡi năm thì các tế bào sớm nhất mới tiến hóa thành các sinh vật đa bào. Thế nhưng mất chưa đến một tỉ năm tiếp theo thì một số sinh vật này đã tiến hóa thành cá, và đến lượt một số cá tiến hóa thành thú. Sau đó sự tiến hóa có vẻ tiếp tục tăng tốc thêm. Chỉ mất khoảng hai trăm triệu năm để phát triển từ những loài thú buổi đầu thành chúng ta. Lí do là vì các loài thú buổi đầu đã chứa sẵn các phiên bản của chúng về các cơ quan thiết yếu mà chúng ta có. Tất cả những gì cần thiết để tiến hóa từ những loài thú buổi đầu thành con người là một chút điều chỉnh tinh tế.

Song đối với chủng loài người sự tiến hóa đạt tới một giai đoạn tới hạn, có thể sáng ngang tầm quan trọng với sự phát triển của ADN. Đây là sự phát triển ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ viết. Nó có nghĩa là thông tin có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, ngoài việc di truyền qua ADN. Đã có một sự thay đổi có thể phát hiện nào đó ở ADN con người, do tiến hóa sinh học mang lại, trong 10.000 năm lịch sử được ghi chép, song lượng kiến thức trao tay từ thế hệ này sang thế hệ khác đã tăng lên rất nhiều. Tôi có những quyển sách được viết ra nhằm kể cho bạn nghe đôi điều về những cái tôi học được từ vũ trụ trong sự nghiệp lâu ngày của tôi với vai trò một nhà khoa học, và khi làm thế tôi đang truyền đạt kiến thức từ bộ não tôi sang trang giấy để bạn có thể đọc nó.

ADN trong trứng hoặc tinh trùng người chứa khoảng ba tỉ cặp base gốc nitrogen. Tuy nhiên, nhiều thông tin mã hóa trong chuỗi này có vẻ thừa thãi hoặc không hoạt động. Vì thế tổng lượng thông tin có ích trong bộ gen của chúng ta có khả năng là cái gì đó giống như một trăm triệu bit. Một bit thông tin là đáp án cho mỗi câu hỏi có/không. Trái lại, một cuốn tiểu thuyết bìa mềm có thể chứa hai triệu bit thông tin. Do đó, mỗi con người tương đương với năm mươi quyển Harry Potter, và một thư viện trung tâm quốc gia có thể chứa khoảng năm triệu quyển sách – hay khoảng mười nghìn tỉ bit. Lượng thông tin truyền đạt qua sách vở hay qua Internet nhiều gấp 100.000 lần trong ADN.

Quan trọng hơn nữa là thực tế thông tin trong sách vở có thể thay đổi, hoặc cập nhật, nhanh hơn rất nhiều. Chúng ta phải mất vài triệu năm để tiến hóa từ những loài linh trưởng trước đó, kém tiến bộ hơn. Trong thời gian đó, thông tin hữu ích trong ADN của chúng ta có lẽ đã thay đổi chỉ vài triệu bit, vì thế tốc độ tiến hóa sinh học ở con người là khoảng mỗi bit một năm. Trái lại, có khoảng 50.000 đầu sách mới được xuất bản bằng tiếng Anh mỗi năm, chứa cỡ một trăm tỉ bit thông tin. Tất nhiên, phần lớn thông tin này là nhảm nhí và chẳng ích lợi gì cho bất kì dạng sống nào. Thế nhưng, dẫu vậy, tốc độ thông tin hữu ích được bổ sung vẫn cao hơn hàng triệu lần, nếu không nói là hàng tỉ lần, so với ADN.

Điều này có nghĩa là chúng ta đã tiến sang một giai đoạn mới của sự tiến hóa. Trước tiên, sự tiến hóa được thúc đẩy bởi sự chọn lọc tự nhiên – từ các đột biến ngẫu nhiên. Giai đoạn Darwin này kéo dài khoảng ba tỉ rưỡi năm và tạo ra chúng ta, các sinh vật đã phát triển ngôn ngữ để trao đổi thông tin. Nhưng trong chừng 10.000 năm vừa qua, chúng ta đã ở trong cái gọi là giai đoạn ngoại truyền. Trong giai đoạn này, ghi chép bên trong của thông tin, di truyền cho các thế hệ liên tiếp qua ADN, đã thay đổi chút ít. Còn ghi chép bên ngoài – qua sách vở và các hình thức lưu trữ lâu dài khác – đã phát triển rất nhiều.

Một số người dùng từ “tiến hóa” chỉ để ám chỉ vật liệu di truyền nội truyền và sẽ phản đối việc áp dụng nó cho thông tin truyền đạt bên ngoài. Song tôi nghĩ quan niệm như thế là quá thiển cận. Chúng ta đâu chỉ đơn thuần là bộ gen của mình. Chúng ta có thể chẳng mạnh mẽ hơn hay thừa hưởng nhiều thông minh hơn so với tổ tiên tiền sử của mình. Thế nhưng cái phân biệt chúng ta với họ là kiến thức chúng ta tích góp trong 10.000 năm qua, và nhất là trong 300 năm gần đây. Tôi nghĩ đáng ra chúng ta nên chọn một cái nhìn bao quát hơn và bao gộp cả thông tin ngoại truyền, đồng thời với ADN, trong sự tiến hóa của chủng loài người.

Thang thời gian tiến hóa trong giai đoạn ngoại truyền là thang thời gian tích lũy thông tin. Thang thời gian này thường là hàng trăm, hoặc thậm chí hàng nghìn, năm. Thế nhưng ngày nay thang thời gian này đã co xuống còn năm mươi năm hoặc ngắn hơn. Mặt khác, những bộ não mà chúng ta dùng để xử lí thông tin này chỉ tiến hóa trên thang thời gian Darwin, tức là hàng trăm nghìn năm. Điều này đang bắt đầu gây vấn đề. Vào thế kỉ mười tám, người ta cho rằng một người có thể đọc hết mọi cuốn sách được viết ra. Thế nhưng ngày nay, nếu bạn đọc mỗi ngày một quyển sách, thì bạn sẽ phải dành hàng chục nghìn năm mới đọc hết sách trong thư viện quốc gia. Trong thời gian đó, nhiều quyển sách khác đã lại được viết ra.

Điều này có nghĩa là không một ai có thể lĩnh hội nhiều hơn một góc nhỏ của kiến thức nhân loại. Người ta phải chuyên môn hóa, trong những lĩnh vực ngày càng thu hẹp. Đây có khả năng là một hạn chế lớn trong tương lai. Chúng ta chắc chắn không thể tiếp tục, trong thời gian dài, tốc độ tăng trưởng kiến thức theo hàm mũ mà chúng ta đã có trong 300 năm vừa qua. Một hạn chế còn lớn hơn nữa và nguy hiểm hơn nữa cho các thế hệ tương lai là chúng ta vẫn có các bản năng, và nhất là các thôi thúc xâm lược, mà chúng ta đã có từ thời tiền sử. Sự xâm lược, ở hình thức nô dịch hóa hay giết chồng cướp vợ và thức ăn, đã có lợi thế sống sót thấy rõ cho đến thời hiện tại. Nhưng nay nó có thể hủy diệt toàn bộ chủng loài người và phần nhiều sự sống còn lại trên Trái Đất. Một cuộc chiến tranh hạt nhân vẫn là nguy cơ hiển hiện nhất, song còn có những nguy cơ khác, ví dụ như gieo rắc một chủng virus đã xử lí gen. Hoặc hiệu ứng nhà kính trở nên bất ổn.

Chẳng còn thời gian để chờ đợi sự tiến hóa kiểu Darwin làm cho chúng ta thông minh hơn và thuận theo tự nhiên hơn. Thế nhưng ngày nay chúng ta đang tiến vào một giai đoạn mới của cái gọi là tiến hóa tự thiết kế, trong đó chúng ta sẽ có thể thay đổi và cải thiện ADN của mình. Ngày nay chúng ta đã lập bản đồ ADN, nghĩa là chúng ta đã đọc được “quyển sách của sự sống”, vì thế chúng ta có thể bắt đầu viết các hiệu đính. Trước tiên, các thay đổi này sẽ hạn chế với việc sửa chữa các khuyết tật di truyền, ví dụ như xơ nang và loạn dưỡng cơ, chúng được điều khiển bởi những gen độc nhất thành ra khá dễ nhận dạng và sửa chữa. Các phẩm chất khác, ví dụ trí thông minh, có khả năng được điều khiển bởi một số lượng lớn gen, vì thế việc tìm kiếm chúng và chỉ ra các liên hệ giữa chúng sẽ khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, tôi cam chắc rằng trong thế kỉ này người ta sẽ tìm ra cách sửa chữa cả trí thông minh lẫn các bản năng như thói xâm lược.

Có lẽ luật pháp sẽ không cho phép xử lí kĩ thuật di truyền với con người. Nhưng một số người sẽ không thể kháng lại sức cám dỗ của việc cải thiện các đặc điểm người, ví dụ như cỡ trí nhớ, phòng chống bệnh tật và tuổi thọ. Một khi các siêu nhân như thế xuất hiện, sẽ có những vấn đề chính trị to lớn với những người chưa nâng cấp, họ sẽ không thể cạnh tranh lại. Có lẽ, họ sẽ diệt vong, hoặc trở nên không quan trọng. Thay vậy, sẽ có một cuộc chạy đua của các sinh vật tự thiết kế, họ tự cải thiện mình ở tốc độ ngày càng nhanh.

Nếu chủng loài người làm chủ được việc tự thiết kế lại, để giảm bớt hoặc loại trừ nguy cơ tự hủy diệt, có khả năng nó sẽ lan tỏa và định cư ở các hành tinh và các sao khác. Tuy nhiên, việc du hành vũ trụ đường dài sẽ thật khó khăn đối với các dạng sống gốc hóa học dựa trên ADN – giống như chúng ta. Tuổi thọ tự nhiên đối với những sinh vật như thế là ngắn so với thời gian du hành. Theo thuyết tương đối, không gì có thể chuyển động nhanh hơn ánh sáng, thành ra một chuyến đi khứ hồi từ chúng ta đến ngôi sao gần nhất sẽ mất ít nhất tám năm, và đến tâm của thiên hà mất khoảng 50.000 năm. Trong khoa học viễn tưởng, họ khắc phục trở ngại này bằng cách uốn cong không gian, hay du hành qua các chiều dư. Song tôi không nghĩ những cách như vậy là có thể, cho dù sự sống có trở nên thông minh đến dường nào. Theo thuyết tương đối, nếu người ta có thể chuyển động nhanh hơn ánh sáng, thì người ta cũng có thể đi ngược thời gian, và điều này dẫn đến các vấn đề xảy ra với những người đi ngược và làm thay đổi quá khứ. Người ta cũng kì vọng nhìn thấy một số lượng lớn du khách đến từ tương lai, hiếu kì quan sát những kiểu cách cổ lỗ, lỗi thời của chúng ta.

Có thể sử dụng kĩ thuật di truyền làm cho sự sống gốc ADN tồn tại vô hạn định, hoặc ít nhất trong 100.000 năm. Nhưng có một cách dễ hơn, nó hầu như nằm trong tầm năng lực của chúng ta, đó là gửi đi máy móc thôi. Các máy này được thiết kế để tồn tại đủ lâu cho chuyến du hành giữa các sao. Khi chúng đi tới một ngôi sao mới, chúng có thể hạ cánh lên một hành tinh thích hợp và khai khoáng vật liệu để chế tạo thêm nhiều máy móc, đến lượt các máy này được gửi tiếp đến các sao khác nữa. Các máy móc này sẽ là một hình thức mới của sự sống, dựa trên các bộ phận cơ giới và điện tử thay cho các phân tử vĩ mô. Cuối cùng chúng có thể thay thế sự sống gốc ADN, giống như ADN có lẽ đã thay thế một hình thức trước đây của sự sống.

Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn | Stephen Hawking

Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm