Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn – Stephen Hawking (Phần 1)

Hiệp Khách Quậy “Brief Anwers to the Big Questions” là quyển sách cuối cùng của Stephen Hawking. Quyển sách được xuất bản năm 2018, sau khi Hawking qua đời. Xin mời đọc tiếp.

Brief Anwers to the Big Questions” là quyển sách cuối cùng của Stephen Hawking. Quyển sách được xuất bản năm 2018, sau khi Hawking qua đời.

Quyển sách gồm 10 chương:

VÌ SAO CHÚNG TA PHẢI NÊU NHỮNG CÂU HỎI LỚN?

Chương 1. Chúa có tồn tại không?

Chương 2. Vũ trụ đã ra đời như thế nào?

Chương 3. Có sự sống thông minh khác trong Vũ trụ hay không?

Chương 4. Chúng ta có thể dự báo tương lai không?

Chương 5. Cái gì ở bên trong lỗ đen?

Chương 6. Du hành thời gian có được không?

Chương 7. Liệu chúng ta sẽ sống sót trên Trái Đất không?

Chương 8. Chúng ta sẽ chiếm cứ không gian được không?

Chương 9. Liệu trí tuệ nhân tạo có vượt mặt chúng ta không?

Chương 10. Chúng ta định hình tương lai như thế nào?

Thuvienvatly.com mời các bạn đón đọc bản dịch của quyển sách này được đăng từng phần tại 360.thuvienvatly.com

Stephen Hawking

Stephen Hawking thời nhỏ

VÌ SAO CHÚNG TA PHẢI NÊU NHỮNG CÂU HỎI LỚN?

Loài người luôn muốn trả lời những câu hỏi to lớn ấy. Chúng ta từ đâu đến? Vũ trụ đã ra đời như thế nào? Đâu là ý nghĩa và thiết kế ẩn sau vạn vật? Có giống loài nào khác trong vũ trụ ngoài kia không? Những lí giải viện dẫn đấng sáng tạo của ngày xưa nay chẳng còn liên quan và tin cậy gì mấy. Chúng đã bị thay thế bởi vô số cái chỉ có thể gọi là mê tín, đa dạng từ New Age đến Star Trek. Nhưng khoa học thật sự có thể còn kì lạ hơn nhiều so với các hư cấu khoa học, và hả lòng hả dạ hơn nhiều.

Tôi là một nhà khoa học. Và là một nhà khoa học với niềm đam mê sâu sắc dành cho vật lí học, vũ trụ học, vũ trụ và tương lai của nhân loại. Tôi được bố mẹ mình mang đến cõi đời này với một lòng hiếu kì không gì lay chuyển nổi và, giống bố mình, tôi nghiên cứu và cố gắng trả lời nhiều câu hỏi mà khoa học đặt ra cho chúng ta. Tôi đã dành trọn đời mình chu du khắp cõi vũ trụ, bên trong tâm trí tôi. Thông qua vật lí lí thuyết, tôi tìm kiếm lời đáp cho một số câu hỏi vĩ đại. Đã có lúc tôi tưởng mình đã chứng kiến cái kết của vật lí học như chúng ta biết về nó, nhưng nay tôi nghĩ sự diệu kì khám phá vẫn sẽ tiếp tục kéo dài sau khi tôi tạ thế. Chúng ta đã ở gần một số câu trả lời này rồi, nhưng chúng ta vẫn chưa đến được đấy.

Vấn đề là, đa số mọi người tin rằng khoa học thật sự quá khó và quá phức tạp để họ lĩnh hội. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Làm nghiên cứu về các định luật cơ bản chi phối vũ trụ sẽ đòi hỏi sự cam kết về thời gian mà đa số mọi người không có; thế giới sẽ sớm rơi vào ngưng trệ nếu tất cả chúng ta đều cố làm vật lí lí thuyết. Nhưng đa số mọi người có thể hiểu và đánh giá đúng các ý tưởng căn bản nếu chúng được trình bày theo một cách rõ ràng, không có các phương trình, đó là cái tôi tin là có thể và tôi đã cố gắng vui vẻ làm trong suốt cuộc đời mình.

Đó là một quãng đời tươi đẹp khi được sống và làm nghiên cứu về vật lí lí thuyết. Bức tranh của chúng ta về vũ trụ đã thay đổi rất nhiều trong năm mươi năm qua, và tôi hạnh phúc lắm nếu tôi có chút công đóng góp nào đó. Một trong những thiên khải của kỉ nguyên không gian là bối cảnh mà nó đem lại cho nhân loại nhìn lại chính chúng ta. Khi chúng ta nhìn thấy Trái Đất từ không gian, chúng ta đang thấy chính chúng ta như một tổng thể. Chúng ta nhìn thấy một nhất thể, không có sự phân chia nào hết. Đó là một bức ảnh đơn giản đến thế cùng một thông điệp thuyết phục; một hành tinh, một giống người.

Tôi muốn góp thêm tiếng nói của mình cùng với những người yêu cầu phải có sự hành động tức thời về những thách thức lớn đối với cộng đồng toàn cầu của chúng ta. Tôi hi vọng trong thời gian sắp tới, ngay cả khi tôi không còn trên cõi đời này nữa, các nhà cầm quyền có thể biểu lộ được sự sáng tạo, dũng khí và tài lãnh đạo. Hãy để họ nâng tầm thách thức của những mục tiêu phát triển bền vững, và hành động, không phải vì quyền lợi cá nhân, mà vì quyền lợi chung. Tôi biết rất rõ thời gian quý báu dường nào. Hãy chớp thời cơ. Hành động ngay bây giờ.

Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn
Stephen Hawking

<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm