Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn – Stephen Hawking (Phần 2)

Hiệp Khách Quậy Tôi từng viết về cuộc đời mình trước đây rồi nhưng một phần trải nghiệm của tôi xưa kia đáng để lặp lại khi tôi nghĩ về niềm đam mê cả đời của mình với những câu hỏi lớn ấy. Xin mời đọc tiếp.

Tôi từng viết về cuộc đời mình trước đây rồi nhưng một phần trải nghiệm của tôi xưa kia đáng để lặp lại khi tôi nghĩ về niềm đam mê cả đời của mình với những câu hỏi lớn ấy.

Tôi sinh ra đúng 300 năm sau ngày Galileo qua đời, và tôi thích nghĩ rằng sự trùng hợp này đã định hình sự nghiệp khoa học của tôi phải như thế nào. Tuy vậy, theo tôi ước tính thì có khoảng 200.000 đứa trẻ khác cũng chào đời vào ngày hôm ấy; tôi chẳng biết có ai trong số họ sau này trở nên hứng thú với thiên văn học hay không.

Tôi lớn lên trong một ngôi nhà cao, hẹp kiểu Victoria ở Highgate, London. Bố mẹ tôi đã mua ngôi nhà ấy với giá rẻ mạt thời Thế chiến Thứ hai khi mà ai ai cũng nghĩ London sắp bị bom đạn san bằng. Thật vậy, một tên lửa V2 đã rơi cách nhà chúng tôi có vài căn. Lúc ấy, tôi cùng mẹ và em gái đi xa, và may thay bố tôi không bị gì cả. Trong những năm sau đó, có một hố bom lớn trên đường mà tôi thường chơi với thằng bạn Howard ở đó. Chúng tôi nghiên cứu các kết quả của vụ nổ đó với sự hiếu kì y hệt sự hiếu kì đã chi phối toàn bộ cuộc đời tôi.

Năm 1950, chỗ làm của bố tôi dời lên mạn bắc London, đến Viện Nghiên cứu Y học Quốc gia vừa mới xây xong ở Mill Hill, nên nhà tôi cũng chuyển lên khu dân cư giáo đường St Albans lân cận đó. Tôi được gửi vào trường Trung học dành cho Nữ, dù tên gọi thế nhưng trường này nhận cả nam sinh dưới mười tuổi. Sau đó, tôi vào học trường St Albans. Tôi chưa bao giờ trồi lên quá thứ hạng giữa của lớp – đó là một lớp rất giỏi – nhưng bạn trong lớp cứ gán cho tôi biệt danh Einstein, cứ như là họ nhìn thấy dấu hiệu của một cái gì đó sáng giá hơn vậy. Năm tôi mười hai tuổi, một đứa bạn của tôi cá cược một túi kẹo với một đứa khác rằng sau này tôi sẽ không bao giờ làm nên trò trống gì.

Stephen Hawking

Stephen Hawking thời nhỏ

Tôi có sáu hay bảy đứa bạn thân gì đó ở St Albans, và tôi nhớ đã có những buổi thảo luận và tranh luận lê thê về mọi thứ, từ các mô hình điều khiển bằng radio cho đến tôn giáo. Một trong những câu hỏi lớn mà chúng tôi bàn cãi là nguồn gốc của vũ trụ, và liệu có cần Chúa để sáng tạo và điều hành vũ trụ hay không. Tôi từng nghe nói rằng ánh sáng đến từ các thiên hà ở xa bị lệch về đầu đỏ của quang phổ và điều này được cho là dấu hiệu rằng vũ trụ đang giãn nở. Nhưng tôi cam chắc phải có một lí do nào đó khác cho sự lệch đỏ. Có lẽ ánh sáng bị mệt và đỏ tái trên đường nó truyền tới chúng ta chăng? Một vũ trụ về cơ bản bất biến và vĩnh hằng thì trông tự nhiên hơn nhiều chứ nhỉ. (Chỉ đến nhiều năm sau này, sau khám phá bức xạ nền vi sóng vũ trụ, khoảng hai năm sau khi tôi bắt tay vào làm nghiên cứu tiến sĩ, tôi mới nhận ra là mình đã sai.)

Tôi luôn rất hứng thú với cách vận hành của các thứ xung quanh, và tôi thường tháo chúng ra để xem chúng hoạt động như thế nào, nhưng tôi chẳng giỏi ở việc ráp chúng trở lại như cũ. Khả năng thực hành của tôi chưa bao giờ đuổi kịp cái chất lí thuyết của mình. Bố tôi khuyến khích tôi nên yêu khoa học và ông rất quan tâm chuyện tôi nên vào trường Oxford hay Cambridge. Bản thân ông từng học University College, Oxford, thành ra ông nghĩ tôi nên nộp hồ sơ vào đấy. Lúc ấy, University College không có giảng viên toán, nên tôi ít có lựa chọn, vậy nên tôi thử xin một suất học bổng về khoa học tự nhiên. Tôi cảm thấy bất ngờ với chính mình luôn, không ngờ lại thành công.

Thái độ kiêu căng thời ấy tại Oxford là rất phản học thuật. Bạn được cho là thông minh mà chẳng cần cố gắng gì, hoặc bạn cứ chấp nhận những cái dở của mình và lấy một tấm bằng hạng tư. Tôi xem đây là một lời mời để chây lười. Tôi chẳng tự hào gì về điều này, tôi chỉ đang mô tả thái độ của mình khi ấy, phần lớn đám sinh viên đồng bọn của tôi cũng chia sẻ thái độ giống vậy. Một kết quả về bệnh tình của tôi đã làm thay đổi toàn bộ điều đó. Khi bạn đối mặt với khả năng chết yểu, nó khiến bạn nhận ra rằng có rất nhiều thứ bạn muốn làm trước khi cuộc đời của bạn khép lại.

Do chẳng học hành gì nhiều, nên tôi dự tính đối phó với kì thi cuối khóa bằng cách tránh né những câu hỏi đòi hỏi kiến thức thực tế và thay vậy tập trung vào những vấn đề về vật lí lí thuyết. Nhưng đêm trước ngày thi tôi không ngủ nên tôi làm bài không tốt lắm. Tôi ở trên lằn ranh giữa bằng hạng nhất và hạng nhì, và tôi phải qua vòng phỏng vấn trước các giám khảo để xếp tôi vào hạng nào. Trong buổi phỏng vấn, họ hỏi tôi về các kế hoạch tương lai của mình. Tôi đáp rằng tôi muốn làm nghiên cứu. Nếu họ cho tôi hạng nhất thì tôi sẽ đi Cambridge. Nếu tôi chỉ được hạng nhì thì tôi sẽ ở lại Oxford. Thế là họ cho tôi hạng nhất.

Trong kì nghỉ dài ngày sau kì thi cuối khóa của mình, trường đại học tài trợ một số suất du lịch nhỏ. Tôi nghĩ tôi đề xuất đi càng xa thì cơ hội giành vé của mình sẽ càng lớn, thế là tôi nói tôi muốn đi Iran. Mùa hè năm 1962 tôi lên đường, bắt xe lửa đến Istanbul, rồi đến Erzuerum ở miền đông Thổ Nhĩ Kì, rồi đến Tabriz, Tehran, Isfahan, Shiraz và Persepolis, thủ đô của các vương quốc Ba Tư cổ đại. Trên đường về nhà, tôi và bạn đồng hành du lịch của mình, Richard Chiin, bị kẹt lại trong trận động đất Bouin-Zahra, một cơn địa chấn mạnh 7,1 độ Richter khiến hơn 12.000 người thiệt mạng. Tôi phải ở gần tâm chấn lắm, nhưng tôi không hay biết gì vì tôi bị bệnh, và lúc ấy chúng tôi ở trên xe bus đang chạy cà tưng trên các nẻo đường Iran vô cùng gập ghềnh.

Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn
Stephen Hawking

Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm