Sổ tay Giải đáp Thắc mắc Vật lí - Phần 9

Hiệp Khách Quậy Vào ngày 14 tháng 3 năm 1879, Albert Einstein chào đời tại Uhm, nước Đức. Không ai biết rằng cậu bé này một ngày nào đó sẽ trưởng thành và làm thay đổi cách thức người ta nhìn nhận các định luật của vũ trụ. Albert là một học sinh xuất... Xin mời đọc tiếp.

Ai sẽ trở thành nhà khoa học lỗi lạc nhất của thế kỉ hai mươi?

Vào ngày 14 tháng 3 năm 1879, Albert Einstein chào đời tại Uhm, nước Đức. Không ai biết rằng cậu bé này một ngày nào đó sẽ trưởng thành và làm thay đổi cách thức người ta nhìn nhận các định luật của vũ trụ. Albert là một học sinh xuất sắc ở trường tiểu học, nơi cậu đã xây dựng các mô hình và đồ chơi và tìm hiểu hình học Euclid và triết học Kant. Tuy nhiên, lúc lên trung học, anh chàng Albert lại không ưa kiểu học bầy đàn và học vẹt. Năm mười sáu tuổi, anh chàng bỏ học sang ở cùng cha mẹ ở Italy. Anh dự thi đầu vào tại trường Đại học Bách khoa ở Zurich, nhưng thi trượt. Sau một năm học ở Aarau, Thụy Sĩ, anh vào đại học. Bốn năm sau, năm 1900, thì anh tốt nghiệp.

Albert Einstein

Albert Einstein thường được người ta nhớ tới nhất với phương trình E = mc2, nhưng giải thưởng Nobel vật lí của ông được trao cho công trình giải thích hiệu ứng quang điện.

Chàng thanh niên Albert mất hai năm để tìm việc và cuối cùng được nhận vào làm nhân viên sở cấp bằng sáng chế ở Bern, Thụy Sĩ. Trong ba năm sau đó, trong khi đang làm việc tại Sở cấp bằng sáng chế, anh đã phát triển các quan niệm của mình về điện từ học, thời gian và chuyển động, và vật lí thống kê. Năm 1905, cái năm được mệnh danh là năm thần kì của ông, Einstein cho công bố bốn bài báo xuất sắc. Một bài báo viết về hiệu ứng quang điện, trong đó Einstein đưa ra khái niệm lượng tử ánh sáng, sau này được gọi là photon. Bài báo thứ hai viết về chuyển động Brown, giúp củng cố quan niệm cho rằng toàn bộ vật chất được cấu tạo bởi các nguyên tử. Bài báo thứ ba viết về thuyết tương đối hẹp, lí thuyết làm cách mạng hóa cách các nhà vật lí hiểu về chuyển động ở tốc độ cao lẫn điện từ học. Bài báo thứ tư phát triển phương trình nổi tiếng E = mc2. Trong khi những bài báo này đủ đáp ứng các yêu cầu cho mảnh bằng tiến sĩ của ông, nhưng phải hai năm sau ông mới được bổ nhiệm giáo sư tại trường Đại học Đức ở Prague.

Einstein đã làm gì mà có tiếng tăm quốc tế lừng lẫy như thế?

Năm 1914, các thành tựu của Einstein đã được chấp nhận rộng rãi bởi các nhà vật lí và ông được phong hàm giáo sư tại trường Đại học Berlin và được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Phổ. Einstein công bố Lí thuyết Tương đối Rộng vào năm 1916. Một trong các dự đoán của nó là ánh sáng phát ra từ một ngôi sao không phải lúc nào cũng truyền thẳng, mà sẽ bị bẻ cong nếu nó đi qua gần một vật thể khối lượng lớn ví dụ như mặt trời. Ông dự đoán sự bẻ cong lớn gấp hai lần lí thuyết của Newton dự đoán. Trong một lần nhật thực toàn phần năm 1919, những lí thuyết này đã được kiểm tra và lí thuyết của Einstein được chứng minh là đúng. Kết quả đó được đăng tải trên đa số các tờ báo lớn ở Anh và ở Mĩ, và Einstein trở thành một nhân vật toàn cầu. Năm 1921, ông giành giải thưởng Nobel vật lí cho kết quả nghiên cứu của ông về hiệu ứng quang điện.

Vì sao Einstein lại nhận giải Nobel cho hiệu ứng quang điện, chứ không phải cho thuyết tương đối?

Einstein là một nhân vật gây tranh cãi. Ông là người Do Thái và là tín đồ của chủ nghĩa hòa bình. Ngoài ra, cách tiếp cận vật lí lí thuyết của ông rất khác với các nhà vật lí thời ấy. Ông nhiều lần được đề cử cho giải Nobel, nhưng các thành viên của Ủy ban Nobel, bất chấp tiếng tăm của ông, vẫn từ chối trao giải cho ông, có khả năng nhất là vì lí do chính trị. Giải thưởng năm 1921 không được trao. Năm 1922, ủy ban Nobel tìm ra một cách thỏa hiệp. Einstein được trao giải năm 1921 cho hiệu ứng quang điện bởi vì nó có thể được kiểm tra thực nghiệm.

Vì sao Einstein không chỉ đơn thuần là một nhà vật lí nổi tiếng thế giới?

Einstein ủng hộ các phe phái không danh tiếng lắm. Vào năm ông chuyển từ Thụy Sĩ sang Đức, ông gia nhập một nhóm người phản đối nước Đức tham gia vào Thế chiến thứ nhất. Ông gia nhập phe xã hội chủ nghĩa lẫn phe hòa bình chủ nghĩa. Ông phản đối Đảng Quốc xã, và khi Adolf Hitler (1889–1945) lên nắm quyền, Einstein di cư sang Mĩ. Ông có một chỗ đứng tại Viện nghiên cứu Cao cấp ở Princeton, bang New Jersey. Vài năm sau thì ông nhập quốc tịch Mĩ. Sau khi được thúc giục bởi các nhà vật lí khác, Einstein đã kí một lá thư gửi lên tổng thống Franklin D. Roosevelt (1882–1945) vạch ra mối hiểm họa rằng nghiên cứu của nước Đức về uranium có thể dẫn tới một loại bom nguy hiểm. Lá thư đó đã giúp xúc tiến Dự án Manhattan dẫn tới sự phát triển bom nguyên tử.

Mặc dù Einstein thật sự không nghiên cứu về bom nguyên tử, nhưng sau thất bại của nước Đức, và biết được tình trạng chết chóc và hủy diệt mà việc ném bom gây ra, Einstein gửi một lá thư khác cho tổng thống thúc giục ông ta không sử dụng bom nguyên tử. Lá thư đó chưa từng được chuyển đến tay tổng thống Harry Truman (1884–1972). Sau chiến tranh, Einstein dành thời gian cho việc giải trừ vũ khí nguyên tử. Có lần ông được mời làm tổng thống của nước Israel mới của người Do Thái. Vì những công trình khoa học của ông, cộng với quan điểm xã hội và quan điểm chính trị của ông, Einstein đã trở thành một danh nhân thế giới.

Sổ tay Giải đáp Thắc mắc Vật lí
Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm