Phát hiện thiên hà hình chữ nhật

Hiệp Khách Quậy Nó được gọi là “thiên hà bảo bối” và được một đội thiên văn quốc tế phát hiện ra. LEDA 074886 là một thiên hà lùn ở xa chúng ta 70 triệu năm ánh sáng (21 Mpc), bên trong một nhóm gồm khoảng 250 thiên hà khác. Xin mời đọc tiếp.

Nó được gọi là “thiên hà bảo bối” và được một đội thiên văn quốc tế phát hiện ra. LEDA 074886 là một thiên hà lùn ở xa chúng ta 70 triệu năm ánh sáng (21 Mpc), bên trong một nhóm gồm khoảng 250 thiên hà khác.

“Thật là một kết quả thú vị,” phát biểu của tiến sĩ Alister Graham, phó giáo sư tại Trung tâm Thiên văn Vật lí và Siêu Điện toán tại trường Đại học Swinburne, Australia, đồng thời là tác giả đứng đầu nghiên cứu trên. “Tôi đã từng thấy hàng nghìn thiên hà, và chẳng có cái nào trông giống như cái này.”

 LEDA 074886: một thiên hà lùn hình chữ nhật

LEDA 074886: một thiên hà lùn hình chữ nhật

Thiên hà bảo bối trên được phát hiện ra trong một bức ảnh trường rộng do nhà thiên văn vũ trụ Lee Spitler chụp bằng Kính thiên văn Subaru của Nhật.

Người ta cho rằng hình dạng bất thường như trên là kết quả của một vụ va chạm giữa hai thiên hà, có khả năng là hai thiên hà vệ tinh cũ của thiên hà lớn hơn, NGC 1407, thiên hà sáng nhất trong khoảng 250 thiên hà thuộc nhóm địa phương của nó.

“Ban đầu, chúng tôi nghĩ có khả năng có sự tương tác hấp dẫn thủy triều nào đó đã làm cho LEDA 074886 có hình dạng khác lạ của nó, nhưng nay chúng tôi không chắc ăn cho lắm, vì đặc điểm của nó khớp hơn với trường hợp hai thiên hà hình đĩa va chạm nhau,” tiến sĩ Graham nói.

Ngoài góc cạnh khác lạ, LEDA 074886 còn có một cái đĩa sao bên trong nó, sắp nghiêng với đường nhìn của chúng ta. Cái đĩa sao này đang quay ở tốc độ lên tới 33 km/s, mặc dù không thể biết được nó có cấu trúc xoắn ốc hay không do vị trí tương đối của chúng ta so với nó.

 Ảnh màu giả lập của LEDA 074886. Độ tương phản được tăng thêm để làm rõ cấu trúc đĩa ở chính giữa

Ảnh màu giả lập của LEDA 074886. Độ tương phản được tăng thêm để làm rõ cấu trúc đĩa ở chính giữa. (Graham et al.)

Mặc dù các thiên hà hình chữ nhật là hiếm gặp, nhưng có lẽ cuối cùng đó cũng là số phận của thiên hà của chúng ta.

“Thật lạ, nếu có hướng nhìn thích hợp thì khi thiên hà hình đĩa của chúng ta va chạm với thiên hà hình đĩa Andromeda lúc ba tỉ năm nữa, chúng ta có thể nhìn thấy bản thân mình là cư dân của một thiên hà trông có hình vuông.”

Bài báo của đội khoa học sẽ được đăng trên tạp chí The Astrophysical Journal.

Xuân Nguyễn – thuvienvatly.com
Nguồn: PhysOrg.com

Mời đọc thêm