Bí ẩn quái vật thiên hà đã có lời giải

Hiệp Khách Quậy Các nhà khoa học vừa đi tới một lời giải khả dĩ cho một hình ảnh quái dị trông có dạng một đám mây khí màu lục sáng trôi nổi trong không gian liên thiên hà. Xin mời đọc tiếp.

alt

Quái vật thiên hà (Ảnh: Dan Smith, Peter Herbert, Matt Jarvis, ING )

Các nhà khoa học vừa đi tới một lời giải khả dĩ cho một hình ảnh quái dị trông có dạng một đám mây khí màu lục sáng trôi nổi trong không gian liên thiên hà.

Đám mây bí ẩn trên được phát hiện ra hồi năm 2007, bởi một giáo viên người Hà Lan Hanny van Arkel trong khi đang kết hợp các bức ảnh cho dự án phân loại thiên hà Galaxy Zoo.

Nằm gần thiên hà xoắn ốc IC 2497 cách chúng ta chừng 700 triệu năm ánh sáng theo hướng chòm sao Leo Minor, nó được đặt tên là Voorwerp của Hanny, tiếng Hà Lan có nghĩa là vật thể của Hanny.

Cái khiến cho Voorwerp của Hanny gây kinh ngạc là nó quá khác thường – một đốm màu xanh lục quái dị với một cái lỗ khổng lồ ở chính giữa bề ngang chừng 16 nghìn năm ánh sáng.

Mặc dù có quy mô cỡ thiên hà, nhưng rõ ràng nó không phải là một thiên hà, vì nó không chứa ngôi sao nào hết.

Các bản ghi phổ xác nhận nó là một đám mây khí khổng lồ.

Nhưng các nhà thiên văn học không thể giải thích tại sao nó lại đang phát ra một ánh sáng màu lục sáng khác thường như vậy.

Hồi năm ngoái, các nhà khoa học đã đề xuất rằng cách nay chừng 10.000 năm trước, IC 2497 đột ngột trải qua một sự bột phát kịch tính của bức xạ kiểu quasar và sau đó trở nên im ắng. Cái chúng ta thấy ngày nay đơn giản là sự phản xạ của vụ bột phát đó.

Nói cách khác, Voorwerp của Hanny là một tiếng vọng ánh sáng quasar.

Ý tưởng đó gặp trở ngại là không ai biết cái gì khiến cho toàn bộ một thiên hà lóe lên trong giây phút ngắn ngủi và đột ngột.

Giờ thì một đội khoa học đứng đầu là Hayden Rampadarath ở Liên Viện VLBI ở châu Âu, trụ sở ở Hà Lan, nghĩ rằng họ đã có một câu trả lời hợp lí hơn.

Đã đăng tải bản thảo trên website arXiv.org và được chấp thuận cho đăng trên tạp chí Thiên văn và Thiên văn vật lí (A&A), Rampadarath cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu vùng không gian đó ở những bước sóng khác nhau.

Họ nhận thấy, giống như nhiều thiên hà, IC 2497 chứa một lỗ đen siêu trọng tại tâm của nó.

Sự trút tháo của vật chất vào trong lỗ đen làm phát ra một hình nón bức xạ làm ion hóa chất khí trong Voorwerp của Hanny, khiến nó phát ra ánh sáng màu lục.

Cái đã làm rắc rối thêm vấn đề là một đám mây khí và bụi khác nằm giữa Trái đất và IC 2497 đã ngăn cản chúng ta quan sát trực tiếp thấy lỗ đen trên.

Tiến sĩ Darren Croton, một nhà thiên văn vật lí lí thuyết tại Đại học Swinburne ở Melbourne cho biết “bằng chứng IC 2497 vẫn đang hoạt động đã đặt dấu chấm hết cho lí thuyết tiếng vọng ánh sáng, thật là tiếc vì nó là một ý tưởng hay”.

“Nó cũng giải thích tại sao Voorwerp lại hiếm như vậy, các hình nón bức xạ phát ra từ các nhân thiên hà hoạt động là có tính định hướng cao nên các đám mây khí chỉ thỉnh thoảng mới bị rọi sáng”.

Theo Croton, nghiên cứu trên cho thấy có rất nhiều chất khí trong không gian liên thiên hà.

  • Duy Khắc (theo abc.net.au)

Mời đọc thêm