Những bài học thiên văn ngắn (Phần 1)

Hiệp Khách Quậy Các truyền thống mà nền thiên văn học hiện đại được xây dựng trên đó đã khởi nguồn ở Hi Lạp cổ đại và các vùng đất thuộc địa của nó. Ở xứ Mesopotimia láng giềng, mặc dù người Babylon đã hết sức thành công trong việc dự báo... Xin mời đọc tiếp.

TỪ THẦN THOẠI ĐẾN KHOA HỌC: 600 tCN - 1550 sCN

Các truyền thống mà nền thiên văn học hiện đại được xây dựng trên đó đã khởi nguồn ở Hi Lạp cổ đại và các vùng đất thuộc địa của nó. Ở xứ Mesopotimia láng giềng, mặc dù người Babylon đã hết sức thành công trong việc dự báo thiên thể bằng kĩ thuật số học phức tạp, nhưng nền thiên văn học của họ khởi nguồn từ thần thoại, và cái khiến họ bận tâm là việc tiên tri tương lai. Đối với họ, bầu trời là vương quốc của các vị thần, nằm ngoài tầm với của sự suy xét lí trí của con người.

Trái lại, người Hi Lạp cố gắng lí giải những cái họ quan sát thấy xảy ra trên bầu trời. Thales xứ Miletus (khoảng 624 - khoảng 546 tCN) được xem là người đi đầu trong hàng ngũ các nhà triết học đã nghĩ tới những nguyên lí bất biến trong tự nhiên có thể được làm sáng tỏ bởi sự luận giải lôgic. Các ý tưởng lí thuyết được Aristotle (384 - 322 tCN) nêu ra hai thế kỉ sau đó đã đặt nền tảng cho toàn bộ nền thiên văn học cho đến thế kỉ 16.

TỪ THẦN THOẠI ĐẾN KHOA HỌC

Đức tin của Aristotle

Aristotle là học trò của Plato, và hai người đều bị ảnh hưởng bởi lối nghĩ của Pythagoras và các môn đồ của ông, họ tin rằng thế giới tự nhiên là một “hài hòa” trái ngược lại với “hỗn độn”. Điều này có nghĩa là nó được thiết lập quy củ theo một cách lí trí chứ không phải bất minh.

Aristotle giảng giải rằng thế giới trên trời là bất biến và hoàn hảo, không giống như thế giới kinh nghiệm của con người, nhưng ông lại xúc tiến những ý tưởng phù hợp với “nghĩa thông thường”. Nói chung, điều này có nghĩa là Trái Đất đứng yên và ngự tại trung tâm của vũ trụ. Mặc dù có những cái không nhất quán, nhưng triết lí của ông được công nhận là khuôn khổ chung được chấp nhận nhất cho những ý tưởng khoa học và sau này được tích hợp với thần học Công giáo.

TỪ THẦN THOẠI ĐẾN KHOA HỌC

Trật tự hình học

Về mặt toán học, phần lớn nền thiên văn học Hi Lạp được xây dựng trên hình học, đặc biệt là chuyển động tròn, dạng hình học được xem là hoàn hảo nhất. Những khuôn khổ hình học tinh vi đã được sáng tạo để dự đoán vị trí của các hành tinh, trong đó kết hợp các chuyển động tròn. Vào năm 150 sCN, nhà thiên văn Ai Cập-gốc Hi Lạp Ptolemy, làm việc ở Alexandria, đã biên soạn một bản trích yếu nền thiên văn học Hi Lạp. Tuy nhiên, vào năm 500 sCN, cách tiếp cận thiên văn học theo kiểu Hi Lạp đã không còn sức sống. Trên thực tế, sau thời Ptolemy, trong thiên văn học chẳng hề xuất hiện ý tưởng đáng kể nào theo truyền thống này trong gần như 1400 năm trời. Một cách độc lập nhau, các nền văn hóa lớn ở Trung Hoa, Ấn Độ và thời gian Hồi giáo đã phát triển những truyền thống riêng của họ qua hàng thế kỉ trong khi nền thiên văn học ở châu Âu ít có tiến bộ. Các nhà thiên văn Trung Hoa, A rập và Nhật Bản đã ghi nhận sao siêu mới 1054 trong chòm sao Taurus, sự kiện tạo nên tinh vân Con Cua nổi tiếng. Mặc dù nó sáng hơn cả Kim tinh, nhưng ở châu Âu chẳng có ghi chép nào về sự xuất hiện của nó.

Nhiệm vụ của nhà thiên văn học là biên soạn lịch sử chuyển động thiên thể thông qua sự nghiên cứu tỉ mỉ và tinh thông.

- Nicolau Copernicus

Sự lan tỏa tri thức

Cuối cùng, nền thiên văn học Hi Lạp đã quy hồi châu Âu qua một lộ trình quanh co. Từ năm 740 sCN, Baghdad đã trở thành một trung tâm học thuật lớn đối với thế giới Hồi giáo. Bản trích yếu vĩ đại của Ptolemy được dịch sang tiếng Arab, và nổi danh với tên gọi Almagest, tựa đề theo tiếng Arab của nó. Vào thế kỉ 12, nhiều văn tự Arab được dịch sang tiếng Latin, cho nên di sản của các triết gia Hi Lạp cũng như tác phẩm của các học giả Hồi giáo, lan tỏa đến Tây Âu.

Sự ra đời của ngành in ấn vào giữa thế kỉ 15 đưa sách vở đến với nhiều người đọc hơn. Nicolaus Copernicus, sinh năm 1743, đã dành cả đời sưu tập sách vở, trong đó có các tác phẩm của Ptolemy. Đối với Copernicus, những xây dựng hình học của Ptomely không làm được những cái mà các triết học Hi Lạp xem là mục tiêu của họ: mô tả tự nhiên bằng cách tìm kiếm những nguyên lí nền tảng đơn giản. Copernicus trực giác hiểu rằng phương pháp nhật tâm có thể đem lại một hệ thống đơn giản hơn nhiều, nhưng về cuối việc ông miễn cưỡng từ bỏ chuyển động tròn khiến ông chưa thật sự thành công. Tuy vậy, thông điệp của ông rằng tư duy thiên văn học phải được xây dựng trên thực tại vật lí đã xuất hiện đúng thời điểm mấu chốt đặt nền tảng cho cuộc cách mạng kính thiên văn.

Những bài học thiên văn ngắn
| Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm