Sơ lược từ nguyên vật lí hạt (Phần 6)

Hiệp Khách Quậy Thuật ngữ “hadron” được đặt ra tại Hội nghị Quốc tế về Vật lí Năng lượng Cao năm 1962 để gọi những đối hạt nặng hơn lepton. Hadron có xuất xứ Hi Lạp hadros, nghĩa là “dày, đồ sộ, kềnh càng”. Về sau người ta khám phá thấy... Xin mời đọc tiếp.

hadron (hadros + on)

Người đặt tên: Lev Okun, 1962

Thuật ngữ “hadron” được đặt ra tại Hội nghị Quốc tế về Vật lí Năng lượng Cao năm 1962 để gọi những đối hạt nặng hơn lepton. Hadron có xuất xứ Hi Lạp hadros, nghĩa là “dày, đồ sộ, kềnh càng”. Về sau người ta khám phá thấy hadron là những hạt phức được cấu tạo bởi các quark với một quầng gluon vây xung quanh.

baryon (barys + on)

Người đặt tên: Abraham Pais, 1953

Baryon là một loại hadron có cấu tạo gồm ba quark liên kết với nhau bằng gluon. Proton và neutron, các thành phần của hạt nhân nguyên tử, đều là baryon.

Việc sử dụng từ “baryon” xuất hiện vào năm 1953, khi nhà vật lí Abraham Pais đề xuất nó trong một bài báo làm tên gọi cho nucleon và các hạt nặng khác. Nó có gốc từ barys, tiếng Hi Lạp nghĩa là “nặng”.

Phản vật chất

proton (protos + on)

Người đặt tên: Ernest Rutherford, 1920

Proton là một trong ba thành phần của nguyên tử, cùng với neutron và electron.

Theo một bài báo đăng trên Tạp chí Vật lí Hoa Kì, nhà vật lí Ernest Rutherford đã đề xuất tên gọi ấy nhằm tôn vinh nhà khoa học thế kỉ 19 William Prout. Vào năm 1816, Prout đã đề xuất gọi nguyên tử hydrogen là “protyle”, gốc Hi Lạp protos, “đầu tiên”, và húlē, “chất liệu”. Prout tin rằng hydrogen là nguyên tử thành phần cho mọi nguyên tố.

Về sau, người ta thấy Prout không đúng, nhưng Rutherford đề xuất gọi hạt ông khám phá được là “proton” – theo hạt giả định của Prout – hay “prouton” – theo tên của Prout. Cuối cùng, Rutherford và các nhà khoa học khác thống nhất gọi là proton, từ cũng có xuất xứ Hi Lạp là protos.

neutron (neutral + on)

Người đặt tên: Không rõ

Neutron là hạt được cấu tạo bởi quark up và quark down. Theo một thư xác nhận công bố trên Nature, chẳng rõ nhà vật lí William Harkins hay nhà vật lí Ernest Rutherford là người đầu tiên gọi nucleon trung hòa điện là “neutron”. Nhưng cái rõ ràng là cả hai người đều đi tới cùng một tên gọi cho một hạt vào năm 1921, có khả năng từ nguyên gốc gác từ chữ “trung hòa” (neutral) mà ra.

meson (mesos + on)

Người đặt tên: Homi J. Bhabha, 1939

Meson là những hạt có cấu tạo gồm một quark và một phản quark.

Meson ban đầu được xem là “electron nặng”, vì khối lượng của chúng lưng chưng giữa electron và proton, hoặc là “hạt U” vì bản chất chưa rõ của chúng, hay là “hạt Yukawa” theo tên nhà vật lí Hideki Yukawa, người đầu tiên nêu lí thuyết về chúng vào năm 1935. Trước đây, tên gọi meson còn được sử dụng không chính xác để chỉ boson.

Carl Anderson và Seth Neddermeyer, hai người đồng khám phá của muon, đề xuất gọi tên hạt là “mesotron”,  trích từ tiếng Hi Lạp mesos, nghĩa là “ở giữa”, vì khối lượng lưng chừng của chúng. Nhà vật lí Homi J. Bhabha, người được xem là cha đẻ của ngành vật lí hạt nhân ở Ấn Độ, đề xuất trong một bài báo tên gọi ngắn hơn là “meson” vào năm 1939.

Nhiều meosn, ví dụ như kaon và pion, là những  tên gọi tắt đơn giản theo các chữ cái được sử dụng để biểu diễn chúng (meson K, meson Pi).

phản vật chất (phản + vật chất)

Người đặt tên: Không rõ

Các hạt vật chất đều có đối hạt phản vật chất của chúng, chúng có cùng khối lượng, nhưng có điện tích và spin ngược lại. Khi một cặp vật chất-phản vật chất gặp nhau, các hạt hủy lẫn nhau.

Năm 1928, nhà lí thuyết Paul Dirac nêu lí thuyết trong một bài báo về cái ông gọi là “phản electron”, hạt giả thuyết đầu tiên của phản vật chất. Tuy nhiên, khi Carl Anderson tìm thấy hạt ấy vào năm 1932, ông đã gọi nó là “positron” do điện tích dương của nó. (Theo một bài báo của nhà vật lí lí thuyết Cecilia Jarlskog, một nhóm nhà vật lí quốc tế đã đề xuất vào năm 1948 rằng positron nên được gọi là “positon” và electron nên được đặt tên lại là “negaton,” nhưng đề xuất này chẳng được ai chú ý.)

Khoảng năm 1937, tiếp ngữ “phản” của Dirac được sử dụng trở lại để mô tả các hạt giống như positron.

Có lẽ tham khảo đầu tiên cho phản vật chất hiện đại có mặt vào năm 1948. Có lẽ phải mất một thời gian dài như thế để đi tới một tên gọi chung là do số lượng hạn chế hạt và phản hạt được khám phá vào thời ấy.

Theo một thư xác nhận công bố trên Nature vào năm 1898, lần đầu tiên người ta đề xuất sự tồn tại của vật chất có “trọng trường âm”.

Tiếp ngữ “phản” xuất xứ từ tiếng Hi Lạp anti, nghĩa là “kháng lại, đối lập lại, đối ngược lại, thay vậy”. Từ “vật chất” (matter), nghĩa là “chất liệu vật lí”, là một thu gọn hồi thế kỉ 14 của từ materie, “cái suy nghĩ, lời nói, hay biểu cảm,”, từ này có gốc Latin material, hay “chất liệu làm nên vật gì đó”. Từ này lại có gốc Latin mater, nghĩa là “nguồn gốc, căn nguyên, mẹ”.

Nguồn: Symmetry Magazine

Mời đọc thêm