Trái Đất – Phần 1

Hiệp Khách Quậy ... Xin mời đọc tiếp.

Trái đất, quê hương của loài người, là hành tinh thứ ba tính từ mặt trời ra. Nó là hành tinh duy nhất được biết có một bầu khí quyển chứa oxygen tự do, các đại dương nước lỏng trên bề mặt, và, tất nhiên, là hành tinh có sự sống.

Trái đất là hành tinh lớn thứ năm trong hệ mặt trời – nhỏ hơn bốn hành tinh khí khổng lồ, (Mộc tinh, Thổ tinh, Thiên Vương tinh và Hải Vương tinh) nhưng lớn hơn ba hành tinh đá còn lại (Thủy tinh, Hỏa tinh, và Kim tinh).

Trái đất có đường kính khoảng 13.000 km, và tròn trịa vì lực hấp dẫn hút vật chất thành một quả cầu, mặc dù nó không hoàn toàn tròn trịa, mà thay vậy nó có dạng “phỏng cầu dẹt” có chuyển động quay tròn làm cho nó bị nén lại ở hai cực và phình ra tại xích đạo.

Khoảng 71% bề mặt Trái đất được bao phủ bởi nước, phần lớn là trong các đại dương. Khoảng một phần năm bầu khí quyển Trái đất là oxygen, do cây xanh tạo ra. Trong khi các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu hành tinh của chúng ta trong hàng thế kỉ, nhưng phần nhiều tiến bộ có được là trong những thập niên gần đây với việc nghiên cứu các ảnh chụp của Trái đất từ vũ trụ.

Trái đất

Ảnh: NASA

Các đặc trưng quỹ đạo

Trái đất tự quay xung quanh một đường thẳng tưởng tượng gọi là trục quay chạy từ Cực Bắc xuống Cực Nam, đồng thời quay xung quanh mặt trời. Trái đất quay quanh trục của nó mỗi vòng mất 23,934 giờ và mỗi vòng quanh mặt trời mất chừng 365,26 ngày.

Trục quay của Trái đất nghiêng so với mặt phẳng hoàng đạo, một bề mặt tưởng tượng đi chứa quỹ đạo của Trái đất xung quanh mặt trời. Điều này có nghĩa là các bán cầu bắc và nam thỉnh thoảng sẽ hướng về phía hoặc hướng ra xa mặt trời tùy thuộc vào thời điểm trong năm, làm biến thiên lượng ánh sáng mà chúng nhận được và gây ra các mùa.

Quỹ đạo của Trái đất không hoàn toàn tròn, mà có dạng oval, giống như quỹ đạo của tất cả những hành tinh khác. Trái đất hơi gần mặt trời hơn vào đầu tháng giêng và ở xa mặt trời nhất vào tháng bảy, mặc dù sự biến thiên này có ít ảnh hưởng hơn nhiều so với sự ấm và lạnh gây ra bởi trục nghiêng của Trái đất. Trái đất may mắn nằm trong cái gọi là “vùng Goldilocks” xung quanh ngôi sao của nó, nơi nhiệt độ vừa đủ thích hợp để duy trì nước lỏng trên bề mặt của nó.

Quỹ đạo và chuyển động quay

  • Một số thống kê về Trái đất, theo NASA:
  • Khoảng cách trung bình đến mặt trời: 149.598.262 km
  • Điểm cận nhật (gần mặt trời nhất): 147.098.291 km
  • Điểm viễn nhật (xa mặt trời nhất): 152.098.233 km
  • Độ dài ngày mặt trời (một vòng quay quanh trục): 23,934 giờ
  • Độ dài năm (một vòng quay quanh mặt trời): 365,26 ngày
  • Độ nghiêng quỹ đạo: 23,4393 độ

Sự hình thành và tiến hóa của Trái đất

Các nhà khoa học nghĩ rằng Trái đất đã được hình thành cùng lúc với mặt trời và các hành tinh khác, cách nay khoảng 4,6 tỉ năm về trước, khi hệ mặt trời kết tụ từ một đám mây khí và bụi khổng lồ, đang quay tít mù gọi là tinh vân mặt trời. Khi tinh vân mặt trời suy sụp do lực hấp dẫn, nó quay càng nhanh hơn và dẹt thành một cái đĩa. Phần lớn vật chất bị hút về phía tâm để tạo thành mặt trời.

Những hạt vật chất khác bên trong đĩa bồi tụ va chạm và dính vào nhau tạo ra những vật thể ngày càng lớn, trong đó có Trái đất. Gió mặt trời thổi từ mặt trời mạnh đến mức nó quét sạch phần lớn các nguyên tố nhẹ, ví dụ hydrogen và helium, ra khỏi các hành tinh phía trong, để lại Trái đất và anh chị em của nó thành những hành tinh đá, cỡ nhỏ.

Các nhà khoa học nghĩ rằng Trái đất lúc ra đời là một khối đá không có nước. Vật chất phóng xạ có trong đá và áp suất tăng dần ở sâu bên trong Trái đất tạo ra đủ nhiệt để làm tan chảy phần lõi của Tráid đất, làm cho một số hóa chất dâng lên bề mặt và tạo ra nước, còn những chất khác thì trở thành các chất khí của khí quyển. Bằng chứng mới đây cho thấy lớp vỏ Trái đất và các đại dương có thể đã được hình thành trong khoảng thời gian 200 triệu năm sau khi hành tinh định hình.

Lịch sử Trái đất phân chia thành bốn đại – theo thứ tự là Hadean, Archean, Proterozoic và Phanerozoic. Ba đại đầu tiên, kéo dài tổng cộng gần 4 tỉ năm, được gọi là là đại Tiền Cambri. Bằng chứng cho sự sống đã được tìm thấy trong đại Archaean hồi khoảng 3,8 tỉ năm trước, nhưng sự sống chưa thật sự phong phú cho đến đại Phanerozoic.

Đại Phanerozoic chia thành ba kỉ – theo thứ tự là Paleozoic, Mesozoic, và Cenozoic. Kỉ Paleozoic đã chứng kiến sự phát triển của nhiều loại động vật và thực vật trong biển và trên đất liền, Kỉ Mesozoic là thời đại khủng long, và Kỉ Cenozoic mà chúng ta đang sống là thời đại của muông thú.

Phần lớn hóa thạch tìm thấy trong đá đá Kỉ Paleozoic là động vật không xương sống, ví dụ san hô, thân mềm và bọ ba thùy. Cá được tìm thấy sớm nhất khoảng 450 triệu năm trước, còn lưỡng cư thì khoảng 380 triệu năm trước. Cách nay 300 triệu năm, những cánh rừng và đầm lầy quy mô lớn bao phủ đất liền, và những hóa thạch sớm nhất của loài bò sát cũng được tìm thấy trong thời kì này.

Kỉ Mesozoic đã chứng kiến sự thịnh trị của khủng long, mặc dù loài thú cũng đã có tài liệu hóa thạch cách nay khoảng 200 triệu năm. Trong thời kì này, thực vật có hoa trở nên lấn át giới thực vật và tiếp tục như thế cho đến ngày nay.

Kỉ Cenozoic bắt đầu hồi khoảng 65 triệu năm trước với sự diệt vong của khủng long, cái nhiều nhà khoa học cho rằng là do một vụ va chạm thiên thạch. Những loài thú sống sót trở thành chủ nhân mới thống lĩnh đất liền Trái đất ngày nay.

>> Xem tiếp Phần 2

Nguồn: Nola Taylor Redd, Space.com

Mời đọc thêm