Stephen Hawking: Big Bang không cần có Chúa

Hiệp Khách Quậy Vũ trụ của chúng ta không cần một đấng toàn năng nào để nổ chào đời – nhà vũ trụ học nổi tiếng Stephen Hawking phát biểu như thế tại Viện Công nghệ Califonia (Caltech) đêm thứ ba vừa qua (16/4). Xin mời đọc tiếp.

Vũ trụ của chúng ta không cần một đấng toàn năng nào để nổ chào đời – nhà vũ trụ học nổi tiếng Stephen Hawking phát biểu như thế tại Viện Công nghệ Califonia (Caltech) đêm thứ ba vừa qua (16/4).

Nhiều người đã xếp hàng dài xin vé miễn phí vào nghe Hawking giảng lúc 8 giờ tối (giờ địa phương) từ 12 giờ trước đó. Lúc 6 giờ tối (giờ địa phương), hàng người còn xếp dài khoảng 400 m! Bài giảng của Hawking có tựa đề “Nguồn gốc của Vũ trụ”.

Một khán phòng thứ hai và một bãi cỏ được trang bị thiết bị nghe nhìn, mỗi nơi ước tính chứa được 1.000 khán giả, đã được khai thác để đáp ứng nhu cầu của đám đông quá tải. Được biết, có ít nhất một người đã ngả giá 1.000 USD để xin một vé xem, nhưng không thành công.

Stephen Hawking chuẩn bị lên khán đài

Stephen Hawking chuẩn bị lên khán đài thuyết giảng “Nguồn gốc của Vũ trụ”, tại Caltech đêm 16/4/2013. Ảnh: Space.com

Stephen Hawking bắt đầu bài giảng với việc trích dẫn một thần thoại sáng thế của châu Phi, và nhanh chóng chuyển sang những câu hỏi lớn, ví dụ như Tại sao chúng ta có mặt ở đây?

Ông lưu ý rằng nhiều người vẫn cố đi tìm một lời giải thích thần thánh để đối kháng với các lí thuyết vật lí lạ lùng, và đã có lúc ông từng châm biếm, “Chúa đang làm gì trước khi sáng thế? Phải chăng ngài đang chuẩn bị địa ngục cho những ai nêu những câu hỏi như thế này?”

Sau khi phác họa sự tranh cãi thần học trong lịch sử về vũ trụ đã ra đời như thế nào, Hawking đưa ra một nhận xét nhanh của những lời giải thích vũ trụ học mang tính khoa học hơn, trong đó có lí thuyết trạng thái ổn định của Fred Hoyle và Thomas Gold. Quan điểm này giả thuyết rằng không có sự bắt đầu và không có sự kết thúc, và rằng các thiên hà tiếp tục hình thành từ vật chất được sinh ra tự phát trong vũ trụ.

Hawking nói lí thuyết này và một vài lí thuyết khác không trụ vững, ông trích dẫn những quan sát mới đây của các kính thiên văn vũ trụ cùng những thiết bị khác.

Hàng người xếp hàng dài xin vé vào nghe Hawking giảng

Hàng người xếp hàng dài xin vé vào nghe Hawking giảng. Ảnh: Space.com

Sau khi giới thiệu ngắn gọn cơ sở lịch sử của vật lí học tương đối tính và vũ trụ học, Hawking bàn về quan điểm một Big Bang lặp lại. Ông lưu ý rằng hồi thập niên 1980, ông và nhà vật lí Roger Penrose đã chứng minh rằng vũ trụ không thể “bật trở lại” khi nó co lại, như một số lí thuyết đã nêu.

Do đó, thời gian đã ra đời vào thời khắc kì dị, và có khả năng nó chỉ xảy ra một lần duy nhất mà thôi, Hawking nói. Tuổi của vũ trụ - hiện nay người ta tin là vào khoảng 13,8 tỉ năm – khớp với mô hình đó, vì số lượng và sự trưởng thành của những thiên hà quan sát thấy có vẻ khớp với khuôn khổ chung đó.

Trong một cái nhìn khác của tôn giáo ngày nay, Hawking lưu ý rằng hồi thập niên 1980, khoảng thời gian ông công bố một bài báo nói về thời điểm vũ trụ ra đời, Đức giáo hoàng John Paul II có khuyến cáo rằng không nên nghiên cứu thời khắc sáng thế, vì nó là thiêng liêng.

“Tôi không muốn bị áp giải ra điều trần [trước Giáo hội],” Hawking bông đùa.

Ông khép lại bài giảng với việc giới thiệu sơ nét “lí thuyết M”, lí thuyết một phần được sử dụng trên những quan điểm được nêu ra hồi nhiều năm trước bởi một nhà vật lí danh tiếng khác, Richard Feynman ở Caltech. Hawking xem lí thuyết đó là ý tưởng lớn duy nhất thật sự giải thích được cái ông đã quan sát.

Lí thuyết M cho rằng các vũ trụ bội (đa vũ trụ) đã được sinh ra từ hư vô, Hawking giải thích, với nhiều lịch sử khả dĩ và nhiều trạng thái tồn tại khả dĩ. Chỉ trong một vài trạng thái này sự sống mới có thể tồn tại, và trong số lượng ít hơn nữa mới có cái tương tự như loài người tồn tại. Hawking nói rằng ông cảm thấy may mắn vì được sống trong trạng thái tồn tại này.

Hawking khép lại bài giảng với một lời quen thuộc kêu gọi tiếp tục thám hiểm vũ trụ: “Chúng ta phải tiếp tục tiến vào không gian vũ trụ vì tương lai của nhân loại,” ông nói, “tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ sống sót sau hàng nghìn năm nữa nếu không thoát ra khỏi hành tinh yếu đuối này của mình.”

Hawking đã và đang chiến đấu và vật lộn với chứng Lou Gehrig, chứng tê liệt thần kinh vận động, trong 50 năm qua.

Mỗi năm Hawking có chừng một tháng làm việc ở Caltech cùng với các đồng nghiệp, ví dụ như nhà vật lí lí thuyết Kip Thorne, để nghiên cứu nhiều bí ẩn lớn của vũ trụ.

Nguồn: Space.com

Mời đọc thêm