Tận thế xảy ra như thế nào theo năm 1939

Hiệp Khách Quậy Bạn sẽ bị thiêu trụi. Bạn sẽ đóng băng. Và Mặt trăng sẽ nổ. Bốn kịch bản tận thế kinh hoàng đã được hình dung trên tạp chí Popular Science số ra tháng 9 năm 1939. Xin mời đọc tiếp.

Bạn sẽ bị thiêu trụi. Bạn sẽ đóng băng. Và Mặt trăng sẽ nổ. Bốn kịch bản tận thế kinh hoàng đã được hình dung trên tạp chí Popular Science số ra tháng 9 năm 1939.

Va chạm

Va chạm. Một sao băng khổng lồ lướt như điên trong không gian vũ trụ có thể va vào Trái đất và gieo rắc kinh hoàng với chấn động do va chạm và hơi nóng như thiêu như đốt của nó.

Một số người nói thế giới sẽ chìm đắm trong lửa, có người nói nó sẽ đóng băng. Các nhà khoa học hồi năm 1939 còn bổ sung thêm “mặt trăng nổ” và “sao băng khổng lồ” vào danh sách đó – và họ đã phác họa một số bức tranh kinh hoàng để cho bạn thấy sự tận thế của nhân loại sẽ trông như thế nào. Tạp chí Popular Science đã từng công bố những minh họa khủng khiếp như thế, cùng với một bài báo ba trang rất hoang mang, trên số ra tháng 9 năm 1939.

Trong bức hình trên, hàng nghìn con người chạy khỏi Manhattan khi các sao băng xé toạc bầu trời trên đầu họ. Nhưng hành động chạy loạn của họ là vô ích, vì một tiểu hành tinh cỡ bằng một thành phố đang cách vùng phía đông khoảng một nano giây thôi. “Những người không bị nó lao trúng vẫn bị đe dọa, không những bởi những trận động đất kinh hoàng, mà còn bởi một cột khí nổ chấn động tỏa ra hình nấm từ điểm va chạm,” Popular Science giải thích.

Thiêu trụi

Thiêu trụi. Nếu Mặt trời phát sáng mạnh hơn, sự sống sẽ lụi tàn trong bầu khí quyển bị quá nhiệt.

Hãy nhìn vào những con người rất phong cách trong bức hình đang cố quạt mát trong khi một khu đô thị đang bốc hỏa ở đằng xa. Liệu họ có biết rằng họ sắp ‘tiêu tùng’ không?

Thỉnh thoảng một ngôi sao trở thành ‘sao mới’, hay chớp lửa bí ẩn sáng bùng lên trên bầu trời. Giả sử rằng ngôi sao yêu quý của chúng ta, Mặt trời, sẽ cư xử như thể có một cái bể hơi khổng lồ đang thổi bùng phần lõi bên trong nóng chảy của nó. Trong tám phút ngắn ngủi, vụ nổ bức xạ nhiệt sẽ đi tới Trái đất, và toàn bộ sự sống trên hành tinh này sẽ biến mất trong những đám mây hơi nước và những cột sương mù.

Băng giá

Băng giá. Khi Mặt trời tắt lịm, băng giá sẽ bao phủ Trái đất và con người sẽ co ro, run rẩy bên những đống lửa trong những hang động tối tăm.

Quang cảnh giá băng, đơn độc này không chỉ xảy ra ở hai cực của Trái đất, mà cả ở xích đạo của nó nữa. Mặt trời đang chết, từ từ, và đó cũng là số phận của bốn con người trong bức hình trên.

Mặt trời sẽ trở thành một quả cầu đỏ u uất trên một bầu trời ảm đạm, chỉ le lói chút ánh sáng thoi thóp trên nền băng giá bao phủ toàn địa cầu. Trong một thời gian ngắn nào đó, loài người sẽ có thể sống gần vùng xích đạo, và rồi dưới lòng đất, bên cạnh những đống lửa cháy không dứt. Nhưng khi lò sưởi mặt trời yếu ớt tắt lịm thành một đốm mờ nhạt, thì khí quyển của Trái đất sẽ hóa thành không khí lỏng và sự sống sẽ bị diệt vong.

Mặt trăng nổ

Mặt trăng nổ. Mặt trăng tiến đến gần Trái đất hơn, gây ra thủy triều mạnh và khai thông cánh cửa địa ngục sôi sục bên dưới lớp vỏ của hành tinh chúng ta.

Nếu Trái đất thoát được kiếp nạn mặt trời nổ, mặt trời chết, và mưa sao băng khổng lồ, thì vẫn còn mặt trăng của chúng ta thực thi nhiệm vụ đặt dấu chấm hết cho nhân loại.

Vì ma sát thủy triều làm mặt trăng chậm đi trong quỹ đạo của nó, nên Trái đất sẽ hút nó mỗi lúc đến gần hơn. Đối với những ai còn ở trên mặt đất, mặt trăng sẽ hiện ra là một thiên thể màu vàng cam quái dị, kích cỡ biểu kiến của nó phình to dần cho đến khi nó to gấp 24 lần độ lớn hiện nay của nó – không còn những đêm trăng mơ mộng nữa, mà là một kẻ khủng bố trên bầu trời. Các đại dương sẽ tràn lên bờ, trừ những ngọn núi cao nhất. Những khe nứt trong lớp vỏ Trái đất sẽ khai thông cánh cửa địa ngục nằm bên dưới.

Cuối cùng, Mặt trăng sẽ tiến gần Trái đất đến mức nó sẽ chịu “thủy triều đất liền”, làm cho vệ tinh của chúng ta nổ thành những mảnh đá tuôn mưa xuống địa cầu, “hoàn tất việc phá hủy bất cứ cái gì còn sống”. Phần còn lại của những mảnh vỡ mặt trăng sẽ quay xung quanh Trái đất dưới dạng một cái vành, và hành tinh của chúng ta sẽ sống những ngày tháng kệch cỡm của nó giống như một tiểu sao Thổ vậy.

Nguồn: Popular Science

Mời đọc thêm