Hermann Oberth: Cha đẻ của ngành tên lửa nước Đức

Hiệp Khách Quậy Hermann Oberth, cha đẻ của ngành tên lửa nước Đức, có nhiều thành tựu nổi bật. Một mặt, ông đã phát triển tên lửa V-2 cho phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai. Mặt khác, những ý tưởng của ông, bị bác bỏ vì xem là không hợp lí khi... Xin mời đọc tiếp.

Hermann Oberth, cha đẻ của ngành tên lửa nước Đức, có nhiều thành tựu nổi bật. Một mặt, ông đã phát triển tên lửa V-2 cho phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai. Mặt khác, những ý tưởng của ông, bị bác bỏ vì xem là không hợp lí khi ông nêu chúng làm luận án tiến sĩ của mình, đã đặt nền tảng cho sự phát triển của tên lửa học, và sau này ông đã giúp nước Mĩ phóng tên lửa vào vũ trụ.

Thời son trẻ

Hermann Julius Oberth sinh ngày 25 tháng 6 năm 1894 trong một gia đình nói tiếng Đức ở Transylvania (nay là Romania). Được truyền cảm hứng bởi tác phẩm khoa học viễn tưởng của Jules Verne, “Từ Trái đất đến Mặt trăng”, Oberth đã sớm tự nghiên cứu toán học mà ông biết sớm muộn gì ông cũng sẽ cần đến. Lúc lên 14 tuổi, Oberth đã thiết kế ra ý tưởng tên lửa giật lùi, nó sử dụng khí thải phụt ra để tự đẩy đi.

Hermann Oberth

Hermann Oberth (giữa), là thầy dạy của Wernher von Braun (thứ hai từ phải sang). Ảnh: NASA

Là con trai của một bác sĩ, Oberth vào trường Đại học Munich vào năm 1912 để học y khoa. Trong Thế chiến thứ nhất, ông làm lính cứu thương trong quân đội Áo-Hung, nơi khiến ông nhanh chóng nhận ra rằng ông không muốn trở thành một bác sĩ. Năm 1917, ông đề xuất phát triển tên lửa tầm xa nhiên liệu lỏng cho quân đội Đức, nhưng ý tưởng lập tức bị bác bỏ. Ông còn nghiên cứu tính khả thi của một tên lửa nhiều tầng, với các đoạn tháo rời ra khi chúng không còn cần thiết nữa.

Oberth cưới bà Mathilde Hummel vào ngày 6 tháng 7 năm 1918. Hai người có bốn người con, hai trong số đó bị thiệt mạng trong Thế chiến thứ hai.

Lí thuyết tên lửa bị bác bỏ

Lúc kết thúc Thế chiến thứ nhất, Oberth trở lại nước Đức vào trường Đại học Heidelberg, học vật lí thay cho y khoa. Năm 1922, ông đăng kí luận văn viết về thiết kế tên lửa nhưng bị hội đồng học thuật bác bỏ.

Không nản chí, ông cho công bố những lí thuyết của mình dưới dạng một tập sách mỏng mang tựa đề "Die Rakete zu den Planetenräumen" (Dùng tên lửa bay vào không gian hành tinh), tập sách sau này được ông mở rộng đến 429 trang. Công trình này không những chứng minh bằng toán học khả năng của một tên lửa rời khỏi quỹ đạo Trái đất, mà nó còn khảo sát lí thuyết rằng các tên lửa có thể hoạt động trong chân không, nơi chúng có thể chuyển động nhanh hơn khí thải của chúng. (Khi Robert Goddard độc lập đề xuất ý tưởng rằng một tên lửa có thể duy trì sức đẩy trong chân không vào năm 1920, ông đã vấp phải sự phản đối của công chúng.)

Oberth còn nghiên cứu những tác động có thể có của sự du hành vũ trụ đối với cơ thể người, và khả năng phóng vệ tinh vào quỹ đạo.

Các nghiên cứu của Oberth nhận được sự quan tâm to lớn từ cộng đồng tên lửa học, và đã truyền cảm hứng cho chàng trai trẻ Werhner von Braun dấn thân học toán và vật lí để hiểu rõ hơn các phương trình. Vài năm sua, von Braun đến làm cùng Oberth ở Hội Du hành Vũ trụ Đức, nơi Oberth làm chủ tịch hội.

Những năm tháng chiến tranh

Oberth trở thành công dân Đức vào năm 1940. Trong Thế chiến thứ hai, Oberth cùng người học trò cũ, von Braun, đã hợp tấc phát triển tên lửa V-2 cho nước Đức. Tên lửa nặng 12.250 kg có thể mang đầu đạn bay với tốc độ hơn 3.500 dặm mỗi giờ. Những tên lử như thế đã bắn sang nước Anh trong chiến tranh, làm thiệt mạng gần 3.000 người và làm bị thương hàng nghìn người khác.

Trước khi chiến tranh kết thúc, Oberth đã rời bỏ dự án V-2 chuyển sang phát triển tên lửa chống máy bay dùng chất nổ đẩy rắn. Sau Thế chiến thứ hai, Oberth làm nhà cố vấn tên lửa học ở Thụy Sĩ và tiếp tục phát triển tên lửa chống máy bay dùng chất nổ đẩy rắn cho quân đội Italy.

Năm 1955, Oberth sang Mĩ làm việc chung với von Braun, lần này là nghiên cứu phát triển những tên lửa có khả năng đi tới không gian vũ trụ bên ngoài cho quân đội Mĩ. Nghiên cứu của họ đưa đến sự phát triển của tên lửa Saturn V, tên lửa đã mang người lên mặt trăng. Ông ở lại đó làm việc trong ba năm, rồi về Tây Đức nghỉ hưu vào năm 1958.

Sau khi về hưu, Oberth tiếp tục các nghiên cứu lí thuyết của tên lửa. Ông qua đời vào ngày 29 tháng 12 năm 1989 ở Nuremburg, Tây Đức, không bao lâu sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin.

Mặc dù Oberth đã phát triển nhiều lí thuyết ban đầu của ông đồng thời với kĩ sư người Mĩ Robert Goddard và nhà khoa học người Nga Konstantin Tsiolkovsky, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy ba người này có tham khảo đến thành tựu của người kia. Vì thế, cả ba người họ đều được tôn vinh là cha đẻ của ngành tên lửa học.

Nola Taylor Redd, Space.com
Trần Nghiêm dịch

Mời đọc thêm