Thế giới sẵn sàng chứng kiến sự đi qua của Kim tinh

Hiệp Khách Quậy Các nhà thiên văn trên khắp thế giới đang hướng kính thiên văn của họ sẵn sàng đón một sự kiện thiên thể rất hiếm hoi sẽ xảy ra sau 2200 UTC ngày 05/6 (sáng sớm ngày 06/6 tính theo giờ VN). Đó là thời khắc Kim tinh đi qua phía trước Mặt... Xin mời đọc tiếp.

Các nhà thiên văn trên khắp thế giới đang hướng kính thiên văn của họ sẵn sàng đón một sự kiện thiên thể rất hiếm hoi sẽ xảy ra sau 2200 UTC ngày 05/6 (sáng sớm ngày 06/6 tính theo giờ VN). Đó là thời khắc Kim tinh đi qua phía trước Mặt trời khi nhìn từ Trái đất – một sự kiện nếu bỏ lỡ bạn phải chờ đến tháng 12 năm 2117 mới có cơ hội chứng kiến nữa. Sự đi qua của Kim tinh thường xảy ra theo cặp cách nhau 8 năm – lần đi qua gần đây nhất là vào năm 2004 – và những cặp liên tiếp xuất hiện cách nhau 105,5 đến 121,5 năm.

Thời gian cho Kim tinh đi qua hết đĩa Mặt trời là chưa tới bảy giờ đồng hồ, với toàn bộ sự đi qua có thể nhìn thấy ở những vĩ độ cao hơn Vòng Cực cũng như ở nhiều nơi thuộc Thái Bình Dương, Australia, Đông Á và Trung Á. Trong khi đó, đa phần mọi người sinh sống ở những nơi còn lại của thế giới sẽ có cơ hội quan sát ít nhất là một phần của sự kiện. Ở Tây Âu, giờ cuối cùng của sự đi qua sẽ có thể nhìn thấy sau lúc mặt trời mọc hôm 6 tháng 6, còn những người quan sát ở phía đông Bắc Mĩ sẽ nhìn thấy hai hoặc ba giờ đầu tiên của hiện tượng thiên thể trên trước khi Mặt trời lặn vào chiều hôm nay.

Đo đạc bầu trời

Ngoài tính hiếm hoi, sự đi qua của Kim tinh còn có vai trò quan trọng trong sự phát triển của thiên văn học. Đặc biệt nổi tiếng nhất là sự đi qua năm 1761 và 1769 đã cho phép các nhà thiên văn ước tính khoảng cách tuyệt đối từ Trái đất đến Kim tinh, nhờ đó có thể tính ra khoảng cách đến Mặt trời và đến mọi hành tinh khác đã biết trong hệ mặt trời của chúng ta. “Với kĩ thuật này, số đo [của các nhà thiên văn học] chỉ sai lệch có 3% so với số đo khoảng cách hiện nay giữa Trái đất và Mặt trời,” phát biểu của nhà thiên văn học Zoe Leinhardt thuộc trường Đại học Bristol ở Anh.

Một đặc điểm đáng chú ý khác của lần đi qua năm 1761, xảy ra vào ngày 26 tháng 5 năm ấy, là nó khiến nhà bác học người Nga Mikhail Lomonosov đưa ra khẳng định gây tranh cãi rằng ông là người đầu tiên quan sát thấy khí quyển của Kim tinh (Xem thêm: Kim tinh – Vì sao họ cứ cãi mãi không thôi?) Bầu khí quyển đó có thể nhìn thấy khi hành tinh lần đầu chạm với Mặt trời (“đi vào”) và sau đó khi cuối cùng nó ló ra (“đi ra”), xuất hiện dưới dạng một cung sáng xung quanh phần hành tinh không che lên Mặt trời. Tuy nhiên, không có ai khác quan sát sự kiện vào cái ngày đi qua năm 1761 ấy lưu ý đến một cung sáng như vậy, nên một số nhà thiên văn học khẳng định rằng Lomonosov chỉ đơn thuần nhìn thấy một sai sót của chiếc kính thiên văn khá thô sơ mà ông đang sử dụng.

 Kim tinh đi ra khỏi Mặt trời, chụp bằng kính thiên văn 1 m của Thụy Điển. (Ảnh: NASA)

Kim tinh đi ra khỏi Mặt trời, chụp bằng kính thiên văn 1 m của Thụy Điển. (Ảnh: NASA)

>> Đón ngày Kim tinh đi qua trước Mặt trời

Đối với nhiều nhà thiên văn học, sự đi qua của Kim tinh là một cơ hội độc nhất vô nhị để đánh giá các kĩ thuật dùng để nghiên cứu khí quyển của các hành tinh ngoại – những hành tinh quay xung quanh những ngôi sao khác ngoài Mặt trời ra. Các nhà thiên văn đã tiến hành những nghiên cứu rất sơ bộ của khí quyển của một vài hành tinh ngoại đi qua ngôi sao bố mẹ của chúng. Khi hiện tượng này xảy ra, một phần ánh sáng sao đi qua khí quyển của hành tinh ngoại, khiến ánh sáng ở những bước sóng nhất định bị các phân tử trong khí quyển của hành tinh ngoại hấp thụ.

Nhưng mặc dù các nhà thiên văn có thể nêu sơ bộ thành phần học của bầu khí quyển đó bằng cách sử dụng quang phổ kế nghiên cứu phổ hấp thụ, nhưng những hệ hành tinh ngoại này ở quá xa nên các phép đo rất khó thực hiện. Do đó, các nhà thiên văn hi vọng số liệu từ sự đi qua năm 2012 của Kim tinh sẽ giúp họ phát triển những kĩ thuật nghiên cứu hành tinh ngoại. “Bằng cách nhìn gần vòa sự đi qua xảy ra trong hệ mặt trời của chúng ta, có lẽ chúng ta có thể nhìn thấy những hiệu ứng tinh vi có thể giúp những người săn lùng hành tinh ngoại khi quan sát những mặt trời ở xa,” nhà nghiên cứu Pasachoff cho biết.

An toàn là trên hết

Tất nhiên, những ai muốn quan sát sự đi qua của Kim tinh nên nhớ rằng không được nhìn trực tiếp vào Mặt trời. Hiện tượng có thể quan sát tốt nhất qua camera hoặc qua kính đeo mắt chuyên dụng.

123physics – thuvienvatly.com
Nguồn: physicsworld.com

Mời đọc thêm