Công nghệ tính toán thời cổ - Phần 3

Hiệp Khách Quậy Khoảng năm 3500 tCN, một số tộc người ở Trung Đông bắt đầu từ bỏ lối sống săn bắt-hái lượm. Theo năm tháng, họ bắt đầu xây dựng nhà cửa, đồng áng, và làng mạc. Họ canh tác trên vùng đất phì nhiêu nằm giữa sông Tigris và sông... Xin mời đọc tiếp.

Khoảng năm 3500 tCN, một số tộc người ở Trung Đông bắt đầu từ bỏ lối sống săn bắt-hái lượm. Theo năm tháng, họ bắt đầu xây dựng nhà cửa, đồng áng, và làng mạc. Họ canh tác trên vùng đất phì nhiêu nằm giữa sông Tigris và sông Euphrates. Vùng này có tên gọi là Mesopotamia (nghĩa là nằm giữa hai sông). Mesopotamia là quê hương của nhiều nền văn hóa cổ trong vài nghìn năm trời. Trong số này có các nền văn hóa Sumeri, Babylon, Hittite, and Assyri.

Người nông dân ở Trung Đông cổ đại cần các phương pháp đếm số lượng nông sản, đo đạc đất đai và theo dõi sự biến đổi mùa màng. Vì họ trao đổi nông sản cùng những hàng hóa khác với những nhóm người khác, nên họ cần cái cân và những phép đo chuẩn.

Khi người dân ở Trung Đông sống định cư thành những làng nông nghiệp, họ cần những phương pháp đánh dấu ranh giới đất đai của họ. Họ đã phát triển một công nghệ gọi là trắc địa. Trắc địa sử dụng toán học để đo khoảng cách, đo góc và đường viền của mảnh đất. Với kĩ thuật trắc địa, người ta có thể xác định diện tích và ranh giới đất đai của người nông dân. Những nhà bản đồ học thời cổ có thể miêu tả chính xác sông ngòi, đồi núi và những đặc điểm địa hình khác trên bản đồ. Trắc địa còn quan trọng trong xây dựng. Nó giúp các kĩ sư thời cổ thiết kế những con đường thẳng tắp, những tòa nhà và những chiếc cầu.

 

Tác phẩm viết và những đồ tạo tác khác từ nền văn hóa Sumari cho thấy con người ở Trung Đông cổ đại đã đo ranh giới đất đai từ tận năm 1400 tCN. Người Sumari còn sử dụng những phép đo cẩn thận và kĩ thuật trắc địa để lên kế hoạch xây dựng những thành phố của họ.

NHỮNG TẤM BẢN ĐỒ ĐẦU TIÊN

Bản đồ thể hiện khoảng cách giữa các thành phố, đường xá, và những đặc điểm địa hình như núi non và sông ngòi. Việc lập bản đồ đòi hỏi sự đo đạc rất chính xác. Những người lập bản đồ phải vẽ theo tỉ lệ xích, nghĩa là khoảng cách trên bản đồ tỉ lệ với khoảng cách trong thế giới thực tế. Chẳng hạn, 1 inch (2,5cm) trên bản đồ có thể bằng 10 dặm (16km) trên thực tế.

Người Babylon cổ đại đã vẽ những tấm bản đồ được biết đầu tiên vào khoảng năm 2300 tCN. Họ khắc chúng trên đất sét ẩm thành những bản đồ đất sét. Phần nhiều trong số những bản đồ này là ghi chép hợp pháp về quyền sở hữu đất đai. Họ miêu tả kích cỡ của những cánh đồng của người nông dân. Những bản đồ khác thì là sự chỉ dẫn cho con người trong những chặng hành trình dài.

Một tấm bản đồ Babylon, được vẽ khoảng năm 600 tCN, thể hiện toàn bộ thế giới – hay ít nhất là cái mà người Babylon nghĩ là toàn bộ thế giới. Nó thể hiện thành phố Babylon ở chính giữa, Vịnh Persian ở một bên, và một vài quốc gia khác, thí dụ như Armenia ngày nay. Toàn bộ đất đai được bao quanh bởi một đại dương khổng lồ.

 

NHỮNG THƯƠNG NHÂN ĐẦU TIÊN

Người nông dân ở Trung Đông cổ đại có lẽ là những thương nhân đầu tiên của thế giới. Mesopotamia có những cánh đồng nông nghiệp màu mỡ. Người nông dân sản xuất ra nhiều thực phẩm hơn nhu cầu họ cần đến. Vì thế, họ có thể bán đi những sản phẩm thừa.

Babylon là một trung tâm thương mại. Tại chợ, thương nhân buôn bán ngũ cốc, cá khô, vải vóc, gạch ngói và vàng với những người từ nhiều thành phố khác đến. Để thanh toán và đảm bảo chi trả lượng bằng nhau cho những lượng hàng hóa giống nhau, người thương nhân cần đến những đơn vị chuẩn của đồng tiền, chiều dài và cân nặng.

Cubit, khoảng cách từ khuỷu tay đến đầu mút ngón tay giữa của người đàn ông, được sử dụng rộng rãi làm đơn vị đo chiều dài trong thế giới cổ đại. Người Mesopotamia chia cubit thành những đơn vị nhỏ hơn nữa. Một cubit gồm hai foot. Một foot gồm ba bàn tay – khoảng cách ngang từ ngón trỏ đến ngón út của bàn tay người đàn ông. Một “bề rộng ngón tay” bằng khoảng 1 inch (2,5cm).

CÂN KHỐI LƯỢNG

Các nhà khảo cổ không chắc chắn lắm rằng chiếc cân đầu tiên được phát minh ra ở Babylon cổ đại hay ở Ai Cập cổ đại. Cả hai nền văn minh đều sử dụng cân, có lẽ tận hồi 5000 năm tCN.

Cân thời cổ đại là cân chùm. Chúng cấu tạo gồm một cái đòn hay một thanh nằm cân bằng trên một giá đỡ ngay chính giữa. Ở mỗi đầu treo một đĩa cân. Khi có một vật nằm trong một đĩa cân (có lẽ, một miếng vàng) nặng hơn vật trong đĩa cân kia, thì phía đầu thấp được treo thêm một quả cân. Khi các vật cân bằng nhau về trọng lượng, thì đĩa cân nằm thăng bằng.

Những cái cân chùm đầu tiên đơn giản là so sánh trọng lượng của hai vật khác nhau. Chúng không đo trọng lượng của vật dựa trên những đơn vị chuẩn. Cuối cùng thì người Babylon đã phát triển những chuẩn cân nặng đầu tiên của thế giới – những đơn vị đo lường thống nhất từ nơi này đến nơi khác.

Chuẩn Babylon là những hòn đá nhẵn. Chúng được mài và đánh bóng để đảm bảo mỗi hòn cân nặng như nhau. Người thương nhân đặt một hoặc nhiều hòn đá lên một đĩa cân của cân chùm. Họ đặt vật được bán hoặc mua ở phía đĩa cân bên kia. Chúng có thể cân nặng bằng hai hòn đá, chẳng hạn. Với những trọng lượng đã tiêu chuẩn hóa, sự giao dịch buôn bán được thực hiện chính xác hơn.

Cân chùm kiểu Babylon trông có vẻ thật nguyên sơ. Nhưng ngày nay, các nhà khoa học và những người khác vẫn sử dụng những cái cân tương tự.

Công nghệ tính toán thời cổ

Michael Woods & Mary B. Woods
Trần Nghiêm dịch

Phần tiếp theo

Mời đọc thêm