Chứng kiến một ngôi sao đang chào đời

Hiệp Khách Quậy Các nhà thiên văn vừa thoáng nhìn thấy cái có thể là ngôi sao trẻ nhất từng được biết đến ở thời khắc rất sớm khi nó đang chào đời. Mặc dù chưa phát triển trọn vẹn thành một ngôi sao thật sự, những vật thể trên đang ở trong những... Xin mời đọc tiếp.

Các nhà thiên văn vừa thoáng nhìn thấy cái có thể là ngôi sao trẻ nhất từng được biết đến ở thời khắc rất sớm khi nó đang chào đời. Mặc dù chưa phát triển trọn vẹn thành một ngôi sao thật sự, những vật thể trên đang ở trong những giai đoạn sớm nhất của sự hình thành sao và đã bắt đầu hút lấy vật chất từ một lớp vỏ khí và bụi xung quanh, theo một nghiên cứu mới đăng trên số ra mới đây của tờ Astrophysical Journal.

alt

Các nhà thiên văn đã ‘chộp’ được một ngôi sao tương lai ngay khi nó đang chào đời từ đám khí và bụi xung quanh, trong một vùng đang hình thành sao giống như vùng trong bức ảnh trên. (Ảnh: NASA, ESA)

Các tác giả của nghiên cứu trên – gồm các nhà thiên văn ở Đại học Yale, Trung tâm Thiên văn Vật lí Harvard-Smithsonian và Viện Thiên văn học Max Planck ở Đức – tìm ra vật thể trên bằng Loạt kính Hạ mili mét ở Hawaii và Kính thiên văn vũ trụ Spitzer. Gọi tên là L1448-IRS2E, nó nằm trong vùng đang hình thành sao Perseus, cách xa khoảng 800 năm ánh sáng bên trong Dải Ngân hà của chúng ta.

Các ngôi sao ra đời từ những vùng khí và bụi lớn, lạnh, đậm đặc, gọi là các đám mây phân tử, chúng tồn tại trong khắp thiên hà. Các nhà thiên văn nghĩ L1448-IRS2E đang ở giữa pha tiền sao, khi một vùng đặc biệt đậm đặc của một đám mây phân tử lần đầu tiên cụm lại với nhau, và pha sao nguyên thủy, khi lực hấp dẫn hút đủ vật chất lại với nhau để tạo nên một cái lõi nóng, đậm đặc từ lớp vỏ bao xung quanh.

“Rất khó phát hiện ra các vật thể ở trong pha hình thành sao như thế này, vì chúng có thời gian sống rất ngắn và chúng phát ra rất ít ánh sáng”, phát biểu của Xuepeng Chen, một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Yale và là tác giả đứng đầu bài báo trên. Đội nghiên cứu đã phát hiện ra ánh sáng mờ nhạt phát ra bởi đám bụi vây xung quanh vật thể trên.

Đa số các ngôi sao nguyên thủy có độ sáng bằng 1 đến 10 lần Mặt trời, với những lớp vỏ bụi lớn phát sáng ở những bước sóng hồng ngoại. Vì L1448-IRS2E sáng chưa tới một phần mười lần Mặt trời, nên đội nghiên cứu tin rằng vật thể trên quá mờ để xem là một sao nguyên thủy thật sự. Nhưng họ cũng phát hiện thấy vật thể trên phát ra những dòng chất khí vận tốc cao từ tâm của nó, xác nhận rằng một só dạng khối lượng sơ bộ đã được hình thành và vật thể trên đã phát triển qua khỏi pha tiền sao.  Loại tuôn trào này đã được trông thấy ở các sao nguyên thủy (là kết quả của từ trường bao xung quanh ngôi sao đang hình thành), nhưng chưa được trông thấy ở những giai đoạn sớm như vậy, tính cho đến nay.

Đội nghiên cứu hi vọng sử dụng kính thiên văn vũ trụ Herschel mới, phóng lên quỹ đạo hồi tháng 5 rồi, để tìm kiếm nhiều vật thể như thế này hơn đang ở giữa những giai đoạn sớm nhất của sự hình thành sao, để họ có thể hiểu rõ hơn các ngôi sao sinh trưởng và tiến triển như thế nào. “Các ngôi sao được xác định bởi khối lượng của chúng, nhưng chúng ta vẫn không biết ở giai đoạn nào của quá trình hình thành sao thì một ngôi sao có được đa phần khối lượng của nó”, theo Héctor Arce, phó giáo sư thiên văn học tại Yale và là một tác giả của bài báo trên. “Đây là một trong những câu hỏi lớn đang thôi thúc nghiên cứu của chúng tôi”.

  • Xuân Nguyễn (theo PhysOrg.com)

Mời đọc thêm